pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bà mẹ Hà Nội chia sẻ bí kíp giúp con trai mới 13 TUỔI đã đạt IELTS 8.0 ngay lần thi đầu
Khang Thịnh (14 tuổi, ở Hà Nội) không chỉ được biết đến là tác giả của cuốn sách dành cho học sinh rất được yêu thích "Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy" mà còn có trình độ tiếng Anh siêu "cừ". Cậu nhóc đã đạt 8.0/9.0 IELTS ngay từ lần thi đầu tiên và con cũng không đến bất cứ trung tâm luyện thi IELTS nào.
Thành tích xuất sắc của Thịnh không thể thiếu sự đồng hành của mẹ, chị Nguyễn Thị Tâm. Theo chị Tâm, dù không có điều kiện được học trường quốc tế hay trường song ngữ, không sống trong môi trường tiếng Anh thường xuyên, hạn chế về tiếng Anh và không thực hiện được việc dạy con tiếng Anh; bận rộn với công việc thì bố mẹ vẫn có thể vẫn áp dụng các phương pháp phù hợp giúp con nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
Chị Tâm cho rằng, rất nhiều người lớn chúng ta đã được học ngoại ngữ theo trình tự ngược lại: VIẾT (từ mới) - ĐỌC (câu, đoạn văn) – NÓI – NGHE. Tuy nhiên, với Khang Thịnh và cả bé gái sau này, chị Tâm đều áp dụng nguyên tắc học ngôn ngữ tự nhiên của một đứa trẻ, đó là: nghe - nói - đọc - viết.
Chị Tâm xác định 3 vấn đề mấu chốt sau: Tạo môi trường tiếng Anh cho con tại nhà (thu nhận đầu vào – input); Tìm một trung tâm uy tín và chất lượng để con theo học (thu nạp thêm đầu vào và có môi trường tốt để con bộc lộ đầu ra – input & output); Nguyên tắc dành cho bố mẹ trong việc học tiếng Anh của con.
Dưới đây là chia sẻ của chị Tâm:
PHẦN A - TẠO MÔI TRƯỜNG TIẾNG ANH CHO CON TẠI NHÀ
1 - Các phương pháp giúp con NGHE tiếng Anh tại nhà:
Đĩa CD/VCD/DVD rất phù hợp cho các bạn nhỏ (từ newborn tới tuổi mẫu giáo): Dù hiện nay nhà ai cũng dùng truyền hình cab, nhà mình vì bận rộn không có thời gian xem TV nhưng mình vẫn nhờ chồng mua 1 chiếc đầu đĩa về kết nối với TV để mở đĩa cho các con. Mình tạo thói quen trong gia đình là khi mình thức dậy, mình sẽ mở đĩa trước, đến khi các con thức dậy thì cũng tầm 20-30 phút sau đó.
Như vậy, việc đánh thức bé dậy cũng không quá khó, và dần dần con có thể tỉnh rồi nhưng nhắm mắt nằm nghe đĩa. Các đĩa mình mua thường về các bài hát tiếng Anh hoặc đĩa có các từ và cụm từ ngắn khi miêu tả hình ảnh. Các đĩa sử dụng khi bé còn nhỏ xíu như: English songs for children; Magic English. Khi con lớn hơn chút, mình mua đĩa film hoạt hình với các nhân vật quen thuộc. Các đĩa nhà mình gồm: Zippy and me (bộ 2 đĩa); Gogo's adventures with English (bộ 6 đĩa); The Lion King (bộ 2 đĩa); Mr. Moon (bộ 2 đĩa); Peppa Pig (bộ 2 đĩa Audio & DVD).
Smart phones/iPhone/iPad là trợ thủ đắc lực (cho bé tầm từ 4 tuổi trở lên): Trước khi cho con sử dụng đều có thỏa thuận trước với con, đó là con sẽ chỉ xem kênh bằng tiếng Anh như mẹ chỉ định trong một khoảng thời gian nào đó (khoảng 20-30 phút), nếu con vi phạm nhấn sang kênh khác mẹ sẽ thu hồi ngay và cả ngày đó con sẽ không được đụng đến các thiết bị đó nữa. Và mình thực hiện theo cam kết chứ nhất định không nhân nhượng, nên có thể 1-2 lần đầu con vi phạm và bị mẹ tịch thu nhưng sau đó con đã ý thức được việc phải giữ cam kết.
Các kênh trên youtube mình thường cho bé nghe là: Chuchu TV (tầm 3 tuổi trở lên); Little Baby Bum (tầm 3 tuổi trở lên); Pingfong (tầm 4 tuổi trở lên); Mother Goose Club Playhouse (tầm 3 tuổi trở lên); T- Series Kids Hut (tầm 4 tuổi trở lên tới lớn): https://www.youtube.com/user/kidshut
Các phần mềm cài đặt trên điện thoại
Mình thường tận dụng các phần mềm MIỄN PHÍ cho tiết kiệm nhưng các nội dung thì khá hấp dẫn, nếu muốn xem full thì phải mua nhưng cứ dùng miễn phí một loạt các ứng dụng trong App Store cũng rất nhiều rồi. Mình tải về điện thoại các ứng dụng sau:
Playtime (British Council).
LearnEnglish Kids: Playtime (British Council).
Monkey stories (riêng phần này mình mua gói 1 năm và con gái 5 tuổi hay xem).
Farfaria (con trai lớp 5 nhà mình sử dụng mỗi ngày trước giờ đi ngủ).
Một số ứng dụng khác mà mình cũng nghe nói rất hay như: Little Reader Touch; Fun English Kids Learn English… Nói chung các ứng dụng này rất rất nhiều trên App Store, bạn cứ tải về và xem phần nào bạn thấy hữu ích và thú vị với con mình.
2 - Các phương pháp giúp con NÓI tiếng Anh tại nhà:
Dù bé nhà mình có thể kể chuyện hay sáng tác các câu chuyện và kể bằng tiếng Anh nhưng nếu bất cứ ai bảo "Tâm Anh nói tiếng Anh cho bà/cô nghe đi!", hay "Cái bút/ngôi nhà tiếng Anh là gì Tâm Anh nhỉ?" thì cháu thường không trả lời như người hỏi mong muốn. Nhưng nếu ai đó nói chuyện với bé bằng tiếng Anh thì cháu sẽ nói chuyện bằng tiếng Anh một cách tự nhiên. Mình rèn luyện kỹ năng nói cho các con theo cách sau:
Cho con ngồi xem và nhái lại lời nhân vật trong đĩa hoạt hình: Mình thường bận rộn nên trong khi con tắm gội xong thì mình sẽ ở bếp nấu ăn. Nếu bé muốn xem đĩa tiếng Anh trước giờ cơm tối như vậy thì mình sẽ thỏa thuận với bé là: "Khi xem con hãy nói theo nhân vật mà con thích (VD như Gogo hay George) để ngoài bếp mẹ có thể nghe tiếng nhé". Nếu khi nào đó bé mải xem mà quên nói thì mẹ ngoài bếp sẽ nhắc, kiểu như "mẹ không nghe thấy tiếng gì cả mà mẹ thì muốn nghe giọng con quá!".
Cùng con chơi trò đóng vai nhân vật hoạt hình theo đĩa: Khi chơi với trẻ con, mẹ cũng hãy hồn nhiên như một đứa trẻ, cũng giả vờ ngã, trượt, lăn lộn… Nói chung hãy là một người BẠN của con. Với một số đĩa bé thích, khả năng nhiều là bé đã nhớ hoặc thuộc lời thoại của nhân vật. Vậy mẹ bật đĩa lên, và cho con phân vai.
Cho con kể lại câu chuyện vừa nghe: Như mình giới thiệu các nguồn nghe ở trên, có rất nhiều trình độ khác nhau miễn là bé tự thấy truyện nào phù hợp với bé và bé thích nghe. Bé 5 tuổi nhà mình thì hay nghe Pingfong trên youtube hoặc T- Series Kids Hut hoặc Monkey Stories, còn anh lớn lớp 5 thì chuyên dùng Farfaria, mỗi ngày một truyện hoàn toàn miễn phí.
Hãy để bé dạy mình: Con sẽ lôi một tập thẻ nhớ (flashcard) ra và sẽ cùng chơi với mẹ, con đóng vai là bạn hoặc là cô giáo để cùng chơi, đưa ra luật chơi và mẹ thì có thể cứ giả vờ ngây ngô hỏi lại hoặc thi nhanh tay, nhanh mắt với con thôi.
Để bé làm việc bé thích và khích lệ con quay lại video để hướng dẫn các em nhỏ: Con bé nhà mình thích làm kem, làm bánh, nấu ăn, cắt dán, lắp ráp Lego friends… và cũng sáng tạo, rất tự nhiên. Khi con muốn chơi các trò này thì mẹ có thể khuyến khích con hãy dùng iPad tự quay lại với mục đích như mẹ nói là "gửi cho các em hay các bạn nhỏ xem chắc là thích làm giống chị Tâm Anh lắm".
Hình thức này thì hợp với con bé 5 tuổi nhà mình nhưng anh lớn lớp 5 thì không hề thích bị quay lại nên mẹ cũng không áp dụng được.
Hãy thiết lập quy tắc nói tiếng Anh (nếu có thể, nếu không thì bố mẹ bỏ qua cũng không vấn đề gì): Thường khi đón con đi học về, mình sẽ hay hỏi bé những câu đơn giản như: "How about you today?" (Hôm nay con cảm thấy thế nào) hoặc các câu tương tự thế để bé có thể trả lời; hoặc lúc đi đường thì mình (nói chung là) nói đủ thứ chuyện linh tinh như về thời tiết "It's so cold, right?", "Do you think we should turn right or turn left?" và bé sẽ chỉ đường cho mình…
Về nhà, thỉnh thoảng mình sẽ gợi ý thiết lập quy tắc nói tiếng Anh trong cả gia đình, ví dụ "Let's speak English during dinner" và nếu ai "nhỡ miệng" nói tiếng Việt trong bữa tối đó thì sẽ được "phát hiện" một cách vui vẻ!
Các cách thức trên không nhất thiết phải áp dụng toàn bộ, mà cần phải xem xét con mình ở giai đoạn nào, thích cái gì thì mình áp dụng một cách tự nhiên, để con cảm thấy là "được chơi" chứ không phải sự gò ép, bắt buộc mà bé không muốn.
3- Kỹ năng ĐỌC & VIẾT
Để kỹ năng đọc hiểu của con tốt thì con phải đọc nhiều, và hiểu nội dung bài/truyện vừa đọc, có thể trả lời được các câu hỏi của bài đọc đó. Vấn đề là, làm sao để con đọc nhiều khi rất nhiều bé ngại đọc nên không đủ kiên nhẫn để đọc hết một cuốn truyện hay một bài viết nào đó. Các cách mình áp dụng với con lớn nhà mình như sau:
Hãy mua cho bé sách truyện mà bé thích
Khi học lớp 1 và lớp 2, Thịnh nhà mình rất thích đọc Doreamon bằng tiếng Việt. Mình nảy ra ý nghĩ là sẽ mua truyện Doreamon cho con bằng tiếng Anh. Quả thật mình lùng sục các trang mạng, các nhà sách đều không có phiên bản tiếng Anh. Thật may là sau đó mình có mua được truyện Doreamon song ngữ Việt – Anh.
Để hướng con đọc sách bằng tiếng Anh, mình đã dùng bút dạ đen tô hết lên phần chữ tiếng Việt để con chỉ còn nhìn thấy tiếng Anh. Và việc đó thì không làm giảm đi sự yêu thích truyện Doreamon của Thịnh chút nào. Việc đọc tiếng Anh của Thịnh bắt đầu là như vậy. Ngoài ra, Thịnh nhà mình thích hài hước nên rất thích đọc truyện cười. Khi đi nhà sách mình tìm cho con cuốn truyện cười bằng tiếng Anh.
Hãy để con dịch truyện tiếng Anh sang tiếng Việt
Thịnh nhà mình bắt đầu đi học tiếng Anh hơi muộn, từ giữa lớp 2 vì khi ấy mình mới tìm được trung tâm tiếng Anh mình yên tâm. Nhưng từ hè lớp 2 là Thịnh đã bắt đầu dịch truyện từ tiếng Anh sang tiếng Việt rồi. Mùa hè là khoảng thời gian vô cùng quý báu để bé tăng tốc tiếng Anh khi bé có thể dành thời gian đọc truyện mà bé thích. Mình mua rất nhiều truyện Happy Readers của NXB First News cho con, đó là những câu chuyện cổ tích, kiệt tác văn học nổi tiếng được viết nguyên bản phù hợp với nhiều trình độ, từ mới bắt đầu tới cấp độ cao. Các sách mình đã mua bao gồm:
The Little Mermaid (Nàng tiên cá): 350 từ mới.
The Arabian Nights (Nghìn lẻ một đêm): 350 từ mới.
The Jungle Book (Cậu bé rừng xanh): 350 từ mới.
Uncle Tom's Cabin (Túp lều bác Tôm): 350 từ mới
Bible Stories (Những câu chuyện kinh thánh): 350 từ mới.
Beauty and the Beast (Giai nhân và Quái vật): 350 từ mới.
The Little Match Girl and the other stories (Cô bé bán diêm và những câu chuyện nổi tiếng của Andersen): 350 từ mới
Cô bé Anne ở Green Gable: 450 từ mới
Daddy-Long-Legs (Nhện chân dài): 450 từ mới.
Peter Pan: 450 từ mới.
Alice's Adventures inWonderland: 600 từ mới.
Những truyện ngắn hay nhất của Ohenry: 800 từ mới.
Những sách này hay ở chỗ, mỗi trang có từ mới đều được chú thích kèm phiên âm bên dưới, đồng thời có đĩa CD để con có thể nghe người bản ngữ đọc toàn bộ câu chuyện. Mỗi ngày trong hè mình đều giao cho con dịch vài trang vào một cuốn vở riêng. Tất nhiên, con không thích phải viết truyện dịch ra, nhưng như mình nói ở trên, vì mẹ hiểu con nên biết cách làm thế nào cho con thực hiện một cách tự nguyện.
Cho bé nghe truyện trên App hàng ngày
Như mình giới thiệu từ phần A.1 về các truyện bé có thể nghe, Thịnh nhà mình mỗi tối đều nghe đọc truyện 1 lần trên Farfaria hoàn toàn miễn phí. Con tự chọn truyện con thích và con nghe, sau đó thì kể lại cho mẹ nghe (cũng có hôm nghe xong bảo con buồn ngủ quá và để 1 vài hôm sau mới kể).
PHẦN B: TÌM TRUNG TÂM TIẾNG ANH UY TÍN ĐỂ CON THEO HỌC
Vì con học trường công lập nên số tiết tiếng Anh, kèm theo đó là nội dung thu nạp có phần hạn chế. Nếu chỉ tạo môi trường tiếng Anh cho con tại nhà (Input) thì chưa đủ để con lĩnh hội kiến thức và phát triển các kỹ năng tốt. Do đó, cần phải tìm một môi trường học tiếng Anh tốt để con phát triển.
Mình đã đi tìm các trung tâm gần nhà, rồi quanh khu vực khi đọc được quảng cáo. Quảng cáo thường khá tuyệt, và mình thường "xin" vào ngồi học thử 1 giờ ở các trung tâm ấy. Khi cho con học gì, điều mình quan tâm nhất đó là hiệu quả, sau mới đến các yếu tố khác, trong đó có chi phí dù nhà mình cũng không dư dả gì.
Mình không muốn đặt chi phí là yếu tố lên hàng đầu vì mình sợ việc "đầu tư" không đúng chỗ có thể biến "rẻ" thành "đắt", thậm chí là "rất đắt", nhưng quan trọng nhất là làm con cảm thấy trễ nải, chán nản, mất động lực.., vào môn học đó. Điều đó rất nguy hại vì nó sẽ định vị trong tiềm thức con về sự tiêu cực đấy. Quan trọng hơn nữa, đó là đánh mất những khoảng thời gian quý báu của con mà không lấy lại được.
với Khang Thịnh và cả bé gái sau này, chị Tâm đều áp dụng nguyên tắc học ngôn ngữ tự nhiên của một đứa trẻ, đó là: nghe - nói - đọc - viết.
PHẦN C: NGUYÊN TẮC CHO BỐ MẸ TRONG VIỆC HỌC TIẾNG ANH CỦA CON
Bố mẹ đừng sốt ruột nếu sau 1 thời gian dài chưa nhận thấy sự tiến bộ của con vì có thể là bé vẫn đang tích lũy nếu được bố mẹ áp dụng đúng cách. Mình còn nhớ, hồi học Đại học vẫn còn học môn “Tiếng Việt thực hành” để biết rằng, học ngôn ngữ dù là tiếng mẹ đẻ cũng cần nhiều thời gian. Hãy xác định, việc học là cả một quá trình lâu dài, và thậm chí là mãi mãi.
Ngoài ra, để áp dụng theo cách của mình thì bố mẹ hãy:
• Đặt mật khẩu các thiết bị điện tử và nếu cho bé dùng phải có quy tắc và thỏa thuận trước.
• Tạo cho bé sự khan hiếm về quyền lợi dùng các thiết bị này để bé tập trung hơn.
• Không hỏi bé các câu hay từ tiếng Anh theo kiểu "Con gà tiếng Anh là gì?".
• Hãy khích lệ bé khi bé làm như kế hoạch bạn và bé đã đặt ra.
• Hãy kiên nhẫn và kiên nhẫn theo sát quá trình học của con.