pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Bà mối kỹ thuật số" cho những người già cô đơn ở Trung Quốc
Ảnh minh họa
Hơn 2 thập kỷ sau khi ly hôn, ông Wang Rulin, 62 tuổi, quyết định đã đến lúc cho hôn nhân một cơ hội khác. Chỉ mất 2 tuần để cựu cảnh sát về hưu ở tỉnh Giang Tô này tìm được người bạn đời mới phù hợp. "Chúng tôi đã trò chuyện rất vui vẻ trên mạng và hẹn gặp nhau sau Tết Nguyên đán. Bà ấy nhỏ hơn tôi 9 tuổi, có chế độ lương hưu tốt và cũng rất khỏe mạnh", ông Wang nói.
Trước kia, ông Wang đã thử tìm kiếm người bầu bạn mới qua hẹn hò tại công viên, một kiểu chợ hôn nhân truyền thống phổ biến nhất trên khắp Trung Quốc nhưng không thành công. Thay vào đó, ông học theo chuyện hẹn hò của thế hệ trẻ ngày nay: sử dụng Internet.
"Bà mối kỹ thuật số" cho những người già cô đơn
Ông Wang, người hiện sống một mình vì con trai lớn đã chuyển đến thành phố khác, tìm thấy "một nửa" của mình qua ứng dụng phát trực tuyến Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc).
Giống như ông Wang, ngày càng nhiều người độc thân lớn tuổi ở Trung Quốc chuyển sang tận dụng mạng xã hội hoặc các chương trình truyền hình để tìm kiếm một người gắn bó với mình ở tuổi xế chiều. Giàu có, khỏe mạnh và được giáo dục tốt hơn các thế hệ đi trước, những người cao niên cô đơn này đang tìm kiếm bạn đời theo những cách cởi mở hơn khi thái độ của người Trung Quốc về tình yêu và tình dục của người già thay đổi.
Ông Wang tìm được đối tác tiềm năng thông qua một tài khoản có tên Jiangxin Dates trên Douyin với hơn 384.000 người theo dõi. Đặc biệt hướng đến người cao tuổi, "bà mối kỹ thuật số" này kết nối mọi người trong một câu lạc bộ fan. Ngoài ra, tài khoản cũng hỗ trợ mọi người giới thiệu bản thân với khán giả qua livestream hàng đêm.
Ngoài những nền tảng mạng xã hội, các chương trình hẹn hò trên tivi nhắm đến đối tượng trung niên trở lên cũng trở nên phổ biến trong những năm qua. Những chương trình gây được tiếng vang như Love's Choice (tạm dịch: Sự Lựa Chọn Của Tình Yêu) của Liaoning TV và Serendipity Will Not Come Too Late (tạm dịch: May Mắn Sẽ Không Đến Quá Trễ) của Jilin TV. Chương trình thu hút người xem bởi những khách mời thẳng thắn, bộc trực, thường đưa ra những nhận xét sắc sảo, hài hước.
Ông Wang nói: "Ở giai đoạn này của cuộc đời, chúng tôi biết mình muốn gì và chúng tôi muốn bày tỏ điều đó một cách trực tiếp và chân thành hơn để tránh hiểu lầm".
Xã hội hướng đến ủng hộ người già tái hôn
Đằng sau sự bùng nổ của các dịch vụ hẹn hò dành cho người cao tuổi là số lượng người cao tuổi đang tăng lên nhanh chóng ở Trung Quốc. Theo điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 được thực hiện vào năm 2020, có 19% dân số trên 60 tuổi, trong khi con số này là 13,3% vào năm 2010. Chưa kể tỷ lệ ly hôn nói chung ở Trung Quốc trong những thập kỷ qua cũng gia tăng, từ 0,44/1.000 trường hợp ly hôn vào năm 1985 lên hơn 3/1.000 trường hợp vào năm 2020.
Ông Liu Zongshan, một người mai mối từ Phì Thành, tỉnh Sơn Đông, cho biết ý tưởng về những người độc thân lớn tuổi theo đuổi chuyện tình cảm đang nhận được sự ủng hộ từ công chúng, đặc biệt là con cái. "Xã hội hiện tại đã cởi mở hơn và mọi người có xu hướng ủng hộ thay vì chế nhạo hoặc cản trở nỗ lực tìm kiếm bạn đời của người lớn tuổi như trong quá khứ", Liu nói.
Ông Liu cho biết nhiều người trẻ từng phản đối việc cha mẹ tái hôn vì lo họ sẽ nhận được ít tài sản thừa kế. Nhưng hiện nay, khi nhiều gia đình trở nên giàu có, con cái ít quan tâm hơn đến vấn đề này. Ngoài ra, ông Liu cũng lưu ý thêm nhiều người trẻ muốn cha mẹ tái hôn để có người chăm sóc và gắn kết tình cảm vì họ thường sống riêng với cha mẹ sau khi kết hôn.
Đó cũng là trường hợp của gia đình ông Wang. Cựu cảnh sát 62 tuổi, người đã ly hôn vợ 23 năm trước, làm cha đơn thân từ khi con trai còn nhỏ và chưa bao giờ nghiêm túc bước vào bất kỳ mối quan hệ lãng mạn nào. Wang chia sẻ rằng ông không thể tìm thấy một người phụ nữ mà cả ông và con trai của mình đều quý mến. Ông kể: "Bây giờ con trai đã lập gia đình và mua nhà riêng ở Thượng Hải, con hoàn toàn ủng hộ việc tôi tái hôn, vì vậy tôi không cần lo lắng liệu vợ mới và con có hòa hợp với nhau hay không".