Gia đình trong một thế giới đổi thay

Uyên Nhi
05/02/2022 - 11:14
Gia đình trong một thế giới đổi thay

Thế giới luôn vươn tới hình mẫu gia đình như một ngôi nhà bình đẳng và công lý - nơi mà phụ nữ và trẻ em gái có thể thực hiện quyền tự quyết và cất tiếng nói...

Thế giới luôn vươn tới hình mẫu gia đình như một ngôi nhà bình đẳng và công lý - nơi mà phụ nữ và trẻ em gái có thể thực hiện quyền tự quyết và cất tiếng nói, nơi có an ninh kinh tế và an toàn về thể chất. Tuy nhiên, nhiều gia đình thường xuyên là không gian mà quyền của phụ nữ và trẻ em gái bị vi phạm, tiếng nói của họ bị kìm hãm và là nơi mà bất bình đẳng giới đang diễn ra.
Bất bình đẳng giới dai dẳng

Báo cáo mới nhất của UN Women "Sự tiến bộ của phụ nữ thế giới 2019 - 2020" đã tìm ra từng mảnh ghép bức tranh toàn cảnh đó. Theo ước tính, khoảng 650 triệu trẻ em gái và phụ nữ đã kết hôn trước sinh nhật lần thứ 18.

Sống thử trở nên phổ biến ở một số nơi. Ngay cả khi các mối quan hệ được tự do lựa chọn thay vì được sắp xếp, nam giới có trình độ học vấn cao có xu hướng tìm phụ nữ có trình độ học vấn tương đương. Sự hình thành mối quan hệ hôn nhân nhiều khi củng cố sự bất bình đẳng ở khía cạnh khác, kiểu người da trắng có xu hướng kết hôn với nhau.

Những thay đổi về chuẩn mực xã hội cùng với các phương pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình ngày càng nhiều, càng hiệu quả, giúp phụ nữ kiểm soát tốt hơn vấn đề tình dục và sinh sản của mình. Một số phụ nữ "vô sinh về mặt y tế" bây giờ có thể chọn công nghệ sinh sản hoặc mang thai hộ. Tuy nhiên, công nghệ hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ thương mại được trải nghiệm khác nhau và không bình đẳng. Thường là phụ nữ thuộc các nhóm xã hội nghèo hơn tham gia các thỏa thuận mang thai hộ thương mại quốc tế để sinh con dành cho những người giàu có hơn, những người không thể hoặc không muốn tự mình làm như vậy.

Gia đình trong một thế giới đổi thay - Ảnh 1.

Những thay đổi về chuẩn mực xã hội cùng với các phương pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình ngày càng nhiều, càng hiệu quả, giúp phụ nữ kiểm soát tốt hơn vấn đề tình dục và sinh sản của mình. Ảnh minh họa

Trình độ học vấn của phụ nữ tăng lên, tỷ lệ sinh giảm và những thay đổi trong các chuẩn mực xã hội đã mang lại nhiều cơ hội việc làm có thu nhập, thậm chí thu nhập cao cho phụ nữ. Khả năng tiếp cận các nguồn lực ngày càng tăng của phụ nữ đã tạo ra một số thay đổi quan trọng trong cán cân quyền lực trong gia đình, giúp phụ nữ có tiếng nói hơn trong việc ra quyết định chung. Nhưng vẫn tồn tại nghịch lý khi vai trò trong gia đình của phụ nữ không đi kèm với sự gia tăng tương xứng đóng góp của nam giới đối với công việc chăm sóc không được trả lương trong gia đình.

Ở nhiều nước đang phát triển, phụ nữ đang phải di cư để tìm việc làm nhưng công việc chủ yếu là làm giúp việc gia đình, người chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, người già. Họ có rất ít lựa chọn và phải làm việc với mức lương thấp. Thật đau lòng khi họ đi chăm sóc người khác, phải giao việc chăm sóc con cái của mình cho người thân, thậm chí là người giúp việc gia đình thuê từ các vùng nông thôn nghèo hơn.

Quan hệ trong gia đình khác đi...

Đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến những mối quan hệ trong gia đình theo cả hướng tiêu cực và tích cực. Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong cuộc sống, người lớn bị mất việc hoặc làm việc tại nhà, trẻ em chuyển sang hình thức học online, những tương tác trực tiếp với người ngoài bị hạn chế, làm gia tăng những lo lắng, căng thẳng. Sự khó khăn về kinh tế đã dẫn đến sự gia tăng xung đột hôn nhân. Điều này thể hiện rõ nhất ở sự tăng đột biến tỷ lệ ly hôn, gia tăng bạo lực gia đình.

Một thách thức khác mà các gia đình đang phải đối mặt là gánh nặng chăm sóc. Thường thì người phụ nữ luôn phải quán xuyến một lượng công việc lớn hơn, với sự phân chia không đồng đều trong lao động gia đình.

Song ở một góc nhìn khác, dịch bệnh cũng là cơ hội để chúng ta thêm gắn kết hơn với gia đình của mình. Khi ở nhà nhiều hơn, làm việc ở nhà, ít tương tác với bên ngoài giúp các cặp vợ chồng, cha mẹ có cơ hội suy ngẫm và đánh giá lại những mối ưu tiên trong cuộc sống, công việc, sự nghiệp. Điều này có thể thúc đẩy sự quan tâm, thể hiện tình cảm, chia sẻ trách nhiệm trong gia đình. Ở Mỹ, các gia đình đa thế hệ đang trên đà tăng cao. Thay vì ra ở riêng như trước, nhiều gia đình chọn hợp nhất dưới một mái nhà để tiện chăm sóc người già, trẻ nhỏ, nhất là tiết kiệm hiệu quả.

Gia tăng hẹn hò trực tuyến

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ hôn nhân và gia đình. Việc bùng nổ các thiết bị thông minh khiến cá nhân dễ dàng chìm đắm trong thế giới ảo và giảm giao tiếp trực tiếp, khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người, đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội có thể bị đảo lộn. Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, một mặt mang lại tiềm năng lớn giải phóng sức lao động của con người, mặt khác, tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo, dẫn đến nguy cơ tạo ra một thế hệ trẻ không cần tình yêu, không cần gia đình, không cần con cái. Thực tế, một số quốc gia đã ghi nhận hiện tượng nam giới hẹn hò và cưới robot tình dục hoặc một thế hệ trẻ đắm chìm trong thế giới công nghệ mà lảng tránh đời sống thực.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Dân số Trung Quốc, số người độc thân ở quốc gia này vào khoảng 240 triệu người (năm 2019) và đang không ngừng tăng lên. Công nghệ AI được xem là một giải pháp để giải quyết vấn đề cô đơn đang gia tăng ở quốc gia tỷ dân này. Các chatbot cung cấp cho người dùng "đối tác hoàn hảo" mà họ có thể giao tiếp, hẹn hò và hình thành kết nối thân mật. Tuy nhiên, nếu ngày càng nhiều người hẹn hò với chatbot thay vì người thật, điều này có thể làm tăng thêm xu hướng độc thân ở Trung Quốc.

Nguồn: UN Women, NYT
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm