Gia đình đối diện và thích nghi thế nào với những vấn đề hậu Covid-19

GIA ĐÌNH ĐỐI DIỆN VÀ THÍCH NGHI THẾ NÀO VỚI NHỮNG VẤN ĐỀ HẬU COVID-19

"Chấp nhận, đối diện và thích nghi với những vấn đề hậu Covid-19 là đòi hỏi bắt buộc của mọi gia đình", bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ với PNVN.

+ Có thể thấy, qua đại dịch, các giá trị của gia đình được trân quý hơn. Bà nhìn nhận thế nào về điều này?

Hà Thị Thanh Vân: Gia đình luôn là tổ ấm của các thành viên, nơi khởi nguồn và gìn giữ nhiều giá trị tốt đẹp về lòng yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong đại dịch Covid-19, các giá trị này của gia đình càng được thể hiện rõ hơn, tiếp tục được phát huy theo nhiều cách khác nhau.

Trong đại đa số gia đình, khi thực hiện giãn cách xã hội, thành viên tạm thời không đi làm đã có cơ hội ở bên nhau nhiều hơn, tinh thần đoàn kết, gắn bó thủy chung được khơi dậy, làm cùng nhau nhiều việc hơn, có thời gian lắng nghe nhau, chia sẻ, trao đổi, hiểu nhau hơn; thay đổi một số thói quen bất lợi để thành viên được quan tâm nhiều hơn, gia đình được bình an.

Không chỉ vậy, những giá trị tốt đẹp của gia đình, nhất là tinh thần yêu nước, yêu quê hương từ trong gia đình cũng đã vươn ra xã hội, thể hiện ở sự yêu thương, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, sẻ chia mất mát, động viên tinh thần, hỗ trợ một phần vật chất để cùng xã hội và mỗi gia đình khắc phục khó khăn, bình tĩnh, tự tin vượt qua tình trạng nhiễm bệnh, phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn.

+ Bên cạnh những điều tích cực đó, dịch bệnh cũng mang đến nhiều điều trăn trở. Các gia đình thời kỳ hậu đại dịch đang phải đối phó với những vấn đề gì, thưa bà?

Hà Thị Thanh Vân: Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế, tác động đa chiều, nhiều khía cạnh đến con người. Theo đó, các gia đình cũng chịu rất nhiều vấn đề ngay trong đại dịch, kéo theo những vấn đề phải giải quyết sau đại dịch.

Trong đại dịch bắt buộc phải thực hiện nhiều giải pháp hạn chế tiếp xúc đã khiến không ít gia đình lâm vào tình trạng khó khăn, thể hiện ở việc làm của thành viên gia đình không ổn định hoặc mất việc làm; thu nhập giảm; mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần; chuyển hướng học tập của con từ trực tiếp sang trực tuyến tăng gánh nặng kinh tế trang thiết bị học tập; mâu thuẫn quan hệ vợ chồng trong một bộ phận gia đình tăng do áp lực kinh tế. Đồng thời, do thực hiện giãn cách xã hội nên mọi người ít được đi ra ngoài đi chơi tự do, mối quan hệ xã hội bị thu hẹp, tương tác nhiều hơn trên nền tảng trực tuyến sẽ làm thay đổi thói quen khiến việc điều khiển hành vi trở nên phức tạp hơn, nhất là đối với thành viên gia đình dưới 18 tuổi...

Những vấn đề xảy ra trong đại dịch sẽ là hậu quả, hệ quả phải giải quyết sau đại dịch ở tất cả mọi gia đình, nhất là những gia đình có nhiều khó khăn. Theo đó, các gia đình thời kỳ hậu đại dịch phải đối phó với tất cả các khía cạnh đó, đặc biệt là vấn đề về tâm lý và kinh tế.

Gia đình đối diện và thích nghi thế nào với những vấn đề hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam

+ Bà có thể tư vấn cho các gia đình nên làm gì để giải quyết những vấn đề hậu Covid-19?

Hà Thị Thanh Vân: Về tâm lý, cha mẹ, người lớn tuổi trong gia đình cần dành thời gian để sẻ chia với con, với các thành viên gia đình có khó khăn về tâm lý để giúp họ học cách chấp nhận hoàn cảnh hiện tại, tìm cách vượt qua khó khăn; sẵn sàng đối diện với những áp lực vốn có của cuộc sống; thích nghi với tác động khách quan, sáng tạo cách xử lý. Thực tế đã chứng minh rào cản tâm lý là rào cản lớn nhất, phức tạp nhất đối với những nỗ lực thay đổi của con người. Do vậy, trong trường hợp không chủ động thực hiện được, các gia đình có thể nhờ chuyên gia tâm lý hỗ trợ càng sớm càng tốt, càng để chậm, tháo gỡ càng khó.

Về kinh tế, nếu không có thành viên nào trong gia đình thất nghiệp, cần tính đến việc tự an sinh thông qua hành vi tiết kiệm trong tiêu dùng như mua đồ dùng gia đình và cá nhân; chi tiêu hợp lý theo những mục tiêu đã định sẵn; đề ra kế hoạch tiết kiệm từ các khoản chi và khoản thu nhập có được thực tế. Đồng thời, mỗi thành viên gia đình cần thực hiện tốt việc không cáu giận, luôn vui tươi, làm việc điều độ, phòng ngừa bệnh tật để tiết kiệm tiền chăm sóc sức khỏe; sắp xếp hợp lý, hài hòa các công việc; biết tận dụng lợi thế, liên kết để tiết kiệm chi phí, cơ hội.

Đối với các gia đình có thành viên thất nghiệp, điều quan trọng đầu tiên là ổn định tâm lý, chia sẻ về cách tiếp cận tìm công việc hay nghề nghiệp vì công việc thường mang tính ngắn hạn, có thể thay đổi liên tục nhưng nghề nghiệp mang tính dài hạn, việc chuyển đổi cần nhiều thời gian, tâm sức mới có thể cạnh tranh được để định hướng cách giải quyết tình trạng thất nghiệp.

Nếu bản thân thất nghiệp cần chủ động đăng ký học nghề, giới thiệu việc làm mới; bình tĩnh, hạn chế suy nghĩ tiêu cực; không "giận cá, chém thớt" để không tạo áp lực hoặc bạo lực với thành viên trong gia đình.

Nếu vợ hoặc chồng thất nghiệp, cần động viên, chia sẻ; không cằn nhằn, không cáu gắt, không đổ lỗi; chú ý sử dụng ngôn từ khi nói để tránh mặc cảm; hỗ trợ tìm cơ hội việc làm mới và cùng bàn bạc thay đổi thói quen chi tiêu gia đình

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng cho các gia đình bài học kinh nghiệm quý báu về cách thức tổ chức cuộc sống gia đình trong điều kiện bất thường và vấn đề tiết kiệm, tự an sinh. Theo đó, các gia đình cũng cần quan tâm đến khía cạnh này. Để có thể tự an sinh, gia đình cần thay đổi thói quen quản lý tài chính theo hướng chuyên nghiệp hơn bằng mô hình 1 quỹ thống nhất, ủy thác quản lý thực hiện chi tiêu thực tế; xác định rõ phương thức tiếp cận quản lý thu, chi bảo đảm ngoài chi tiêu thường xuyên cho việc duy trì cuộc sống hàng ngày cần có tích lũy tái đầu tư, tích lũy phòng ngừa rủi ro và chi trả các khoản nợ (nếu có). Đồng thời, xác định cơ cấu chi tài chính gia đình phù hợp; thực hiện đầu tư phòng ngừa rủi ro thông qua việc mua bảo hiểm y tế, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện, bảo hiểm tài sản và các loại hình bảo hiểm phù hợp khác.

+ Xin trân trọng cảm ơn bà!

Trần Lê (thực hiện)