Bà nội nhất quyết không cho tôi gặp em trai sau khi bố mẹ ly hôn

Mạn Ngọc
07/08/2023 - 10:37
Bà nội là người của thế hệ trước nên có lẽ vì vậy không tránh khỏi những suy nghĩ có phần cực đoan.

Tôi đã từng nghĩ bản thân là người may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có kinh tế khá giả. Tôi không phải tuýp người đặt nặng vấn đề vật chất nhưng không thể phủ nhận những thành công trong cuộc sống ngày hôm nay của tôi ít nhiều đều vì được gia đình tạo điều kiện cho.

Ngay từ khi còn nhỏ, mới chỉ lớp 4 lớp 5 tôi đã được bố mẹ mời gia sư đến dạy một kèm một cho tôi ba môn học chính. Đặc biệt với môn ngoại ngữ, bố mẹ thậm chí còn cho tôi học thêm ở một trung tâm tiếng Anh có tiếng và học phí cao ở thành phố lúc bấy giờ.

Học hết lớp 11, tôi nhận được học bổng 80% ở nước ngoài và đương nhiên ngay lập tức, bố mẹ tôi đồng ý sẽ đầu tư cho tôi để con gái có thể lên đường đi du học.

Với nền tảng kiến thức vững chắc và bản thân tôi cũng chịu khó cần cù nên việc học tập ở nơi xứ người diễn ra vô cùng suôn sẻ. Sau khi thành bậc đại học, bố mẹ tiếp tục ủng hộ tôi học thêm thạc sĩ ở chính ngôi trường đó.

Nhiều khi tôi nghĩ rằng, quả thực cuộc đời đã ưu ái cho mình quá nhiều, đó cũng là lý do tôi luôn phấn đấu hơn nữa. Tôi sợ rằng nếu mình không cố gắng hoàn thiện bản thân thì sẽ không xứng đáng với những gì mình đã có được.

Bà nội nhất quyết không cho tôi gặp em trai sau khi bố mẹ ly hôn - Ảnh 1.

Dưới tôi còn một cậu em trai, thằng bé kém tôi 13 tuổi. Thật ra, ban đầu bố mẹ cũng không có ý định sinh thêm nữa, thế nhưng bố tôi là con trưởng, dù thế nào thì vẫn có chút áp lực phải sinh con trai.

Mẹ tôi khi mang thai thằng út cũng đã ngót nghét 40 tuổi nên rất khó mang thai tự nhiên, cuối cùng thì vẫn phải tìm đến phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Thằng bé bị sinh non ở tuần 34 nên sức khỏe không được như các bạn đồng trang lứa.

Khác với tôi, thằng bé không bị bố mẹ đặt áp lực học tập quá nhiều bởi lẽ nó cứ ốm liên miên. Cứ đi học được vài buổi thì không ho hắng cũng cảm cúm, cả nhà chỉ mong nó đừng ốm thôi chứ cũng chẳng bắt nó phải học hành gì nhiều.

Nghỉ học nhiều và phần cũng vì tình trạng sức khỏe nên thằng bé cũng học đuối hơn các bạn khá nhiều, đến thời điểm tôi đi du học thì bố mẹ vẫn đang vật lộn với việc cố gắng kèm cặp nó chỉ cần không đến nỗi đúp lớp là may lắm rồi.

Có lẽ vì là con một quá lâu mới có thằng em nên tôi và thằng bé quý nhau lắm. Thời gian đầu mới đi du học, tôi nhớ em kinh khủng. Hầu như ngày nào tôi cũng phải gọi video call cho mẹ để ngó nghiêng nói chuyện với em trai.

Bố mẹ tôi thì đối xử công bằng với cả hai đứa nhưng mẹ tôi thì hiểu ông bà nội đương nhiên sẽ có phần ưu ái với cháu đích tôn hơn. Ngay từ đầu, mẹ luôn cố gắng nói chuyện để tôi hiểu vấn đề này, bà không muốn tôi bị tổn thương khi thấy có sự phân biệt đối xử. Tôi thì là đứa lớn trước tuổi nên luôn hiểu và không để tâm đến những chuyện đó. Sau này đi du học xa nhà lại càng không phải trực tiếp cảm nhận cái sự nhất bên trọng nhất bên khinh này.

Khi tôi học hết năm cuối đại học thì bố mẹ ly hôn. Nguyên nhân tôi chưa bao giờ hỏi vì đấy là chuyện của người lớn. Họ đã là vợ chồng nhiều năm mà phải đi đến quyết định như vậy thì ắt hẳn đều có lý do riêng của mình.

Thế nhưng tôi vẫn buồn, tôi luôn nghĩ rằng mình có một gia đình hoàn hảo, tôi tự hào và trân trọng nâng niu nó, cuối cùng vẫn là người tính chẳng lại trời tính. Buồn một phần và tôi cũng lo nữa, mới 17 tuổi tôi đã sống xa gia đình nên cũng có phần cứng rắn, mạnh mẽ hơn chứ em trai tôi nó khá mong manh và nhạy cảm.

Bố mẹ ly hôn khi thằng bé đang ở cái độ tuổi mới lớn lại càng khiến tôi không yên tâm hơn nữa. Bởi vậy ngay khi hoàn thành việc học, tôi liền về nước làm việc chứ không tiếp tục ở lại nước ngoài nữa dù cơ hội phát triển sự nghiệp ở đó rất rộng mở.

Về nước, việc đầu tiên là tôi sang nhà nội. Theo quyết định của toà án, em trai tôi sẽ ở với bố, căn nhà bố mẹ mua trong thời gian là vợ chồng bố tôi để lại hết cho tôi và mẹ. Ông dọn về nhà nội ở. Tôi rất ít khi sang nhà nội nhưng vì lo lắng cho em trai nên vẫn tìm đến.

Thế nhưng tôi liên tục bị bà nội ngăn cấm không cho gặp em. Thậm chí ngay cả khi bố tôi lên tiếng thì bà vẫn cấm cản không cho chị em chúng tôi gặp nhau.

Có lần bố tôi đã phải đưa em đến điểm hẹn để chị em tôi gặp nhau nhưng sau đó bà biết chuyện nên đã mắng em tôi một trận khiến thằng bé sợ đến mức lần sau tôi rủ đi chơi chỉ dám nói đi nói lại rằng bà không cho đâu, em sợ bà lắm.

Vậy là từ đó chị em chúng tôi chỉ có thể nhắn tin với nhau, gọi điện thoại mà bà nội biết thằng bé cũng bị bà mắng và đương nhiên là bà cấm tiệt không cho thằng bé sang nhà chơi với mẹ rồi. Mẹ tôi tính hiền lành và không thích phải đôi co nên cũng chỉ dám âm thầm nhắn tin nhờ bố tôi đưa thằng bé đến điểm hẹn nào đó để gặp con cho đỡ nhớ thôi.

Bố mẹ tôi chia tay rất văn minh. Họ vẫn cùng nhau chăm sóc và hỗ trợ con cái nhưng khổ nỗi bà nội lại cực đoan quá. Tôi biết bản thân bố cũng bị đặt vào thế khó khi phải đứng ở giữa mẹ và vợ con. Cũng từ đó tôi phần nào lờ mờ đoán ra lý do bố mẹ không thể tiếp tục với nhau nữa…

Thương em, thương cả mẹ và bố, tôi nên phải làm sao bây giờ?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm