Ba tháng tập huấn SGK mới: Có quá gấp gáp?

Phúc Nguyên
26/12/2019 - 11:38
Ba tháng tập huấn SGK mới: Có quá gấp gáp?
Theo Bộ GD&ĐT, sau khi địa phương thành lập hội đồng và công bố kết quả lựa chọn SGK, từ tháng 3 – 5/2020, các Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng SGK lớp một cho giáo viên. Nhiều ý kiến băn khoăn về thời gian ba tháng tập huấn khá gấp gáp với giáo viên.

Tiếp cận SGK trong 3 tháng

Bộ GD&ĐT cho biết, trước tháng 3/2020, các địa phương phải thành lập hội đồng và công bố kết quả lựa chọn SGK trong danh mục cuốn sách được được thông qua vào tháng 11/2019. Thành phần tham gia hội đồng lựa chọn SGK tại các tỉnh, thành gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt các giáo viên trực tiếp giảng dạy dự kiến sẽ là thành phần chiếm số lượng chủ đạo.

Sau khi lựa chọn xong bộ sách phù hợp, từ tháng 3 đến tháng 5/2020, các sở GD&ĐT phối hợp nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Việc in ấn và xuất bản sách theo lựa chọn của địa phương cũng sẽ được triển khai in ấn, xuất bản song song, dự kiến hạn cuối là tháng 8/2020.

Ba tháng tập huấn SGK mới: Có quá gấp gáp? - Ảnh 1.

Giáo viên cốt cán được tập huấn trước thời điểm công bố bản mẫu SGK. Ảnh: Nguồn MOET

Liên quan đến việc lựa chọn SGK sử dụng tại từng địa phương, Bộ đang xây dựng Thông tư hướng dẫn lựa chọn theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, đồng thời không quy định các địa phương phải chọn tất cả sách giáo khoa của các môn học trong cùng một bộ sách.

Đây được xem là khoảng thời gian tập huấn chuyên sâu, sau khi giáo viên nắm trong tay bộ sách được lựa chọn. Thực tế trước đó, vào tháng 10/2019, đồng loạt việc bồi dưỡng giáo viên cốt cán chuẩn bị cho thực hiện chương trình mới diễn ra trên cả nước. Theo Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 11/2019 đã có 11.000 giáo viên cốt cán được tập huấn. Các đợt tập huấn cho môđun đầu tiên vẫn đang tiếp tục kéo dài tới hết năm 2019.

Tuy nhiên, đợt tập huấn này càng chỉ khiến giáo viên lo lắng, do tập huấn trong bối cảnh… không có SGK. Một giáo viên tham gia tập huấn trong tháng 11, thuộc trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), cho hay,  giảng viên chủ chốt của các trường được chia đi đến từng địa phương để tập huấn tại chỗ. "Chúng tôi thấy bỡ ngỡ, lúng túng khi tiếp cận với chương trình mới vì bây giờ chưa có SGK" – nữ giáo viên chia sẻ.

Sẽ tháo gỡ từng khó khăn của giáo viên

Qua các đợt tập huấn trước đó – thời điểm chưa có SGK, điều mà các giáo viên ghi nhận được chính là sự lo lắng của phụ huynh, họ chưa hình dung được đổi mới chương trình sẽ ra sao. Trong khi đó, vì chưa có sách nên giáo viên cũng chưa có nhiều thông tin để có thể tuyên truyền đến phụ huynh.

Một điểm băn khoăn nữa từ phía giáo viên, đó là thi cử có đồng bộ với chương trình mới không, hay cách bố trí dạy học tự chọn sẽ được định hình như thế nào…

Ba tháng tập huấn SGK mới: Có quá gấp gáp? - Ảnh 2.

Các bộ SGK lớp 1 được Bộ GD&ĐT thông qua vào tháng 11/2019

Nhiệm vụ của những người triển khai tập huấn ở đợt "khai vỡ" này chính là dạy học sẽ bám sát chương trình, các hoạt động quản lý, đánh giá giáo viên, học sinh cũng căn cứ theo chuẩn chương trình, SGK chỉ đóng vai trò là tài liệu dạy học.

Chia sẻ về điều này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành- Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông và chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ tháo gỡ từng lo lắng cụ thể của giáo viên.

Theo ông Thành, ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã chú trọng việc tập huấn giáo viên để đổi mới việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng của chương trình mới.

Theo đó, thay vì dạy phổ thông theo từng tiết 45 phút, giáo viên sẽ được phép sắp xếp lại nội dung bài học trong SGK để tạo thành chủ đề dạy học phù hợp, theo hướng dạy học tích cực. Có nghĩa là căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, nhà trường được quyền xây dựng lại kế hoạch giáo dục, không cần theo từng bài, từng tiết, không cần theo chương trình cứng nhắc của bộ.

Với các đợt tập huấn, theo ông Thành, sẽ có 9 module  tập huấn giáo viên được triển khai dần trong các năm tới. Trong đó dự kiến tới quý 1/2020 sẽ hoàn thành 4 module tập huấn giáo viên quan trọng nhất gồm: tìm hiểu nội dung cơ bản của chương trình phổ thông tổng thể và chương trình môn học; phương pháp dạy học theo yêu cầu mới; phương pháp đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.

Hiện tại, giáo viên cốt cán cả nước đang tập huấn module đầu tiên nên không tránh khỏi lo lắng. Bộ GD&ĐT khẳng định kế hoạch tập huấn sắp tới sẽ khác trước và tiến hành bài bản. Nhiều vấn đề giáo viên đang thắc mắc sẽ được giải đáp qua các môđun như đổi mới thi, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường" – ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm