pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bắc Hà (Lào Cai): Phụ nữ người La Chí gặp nhiều khó khăn vì "rào cản" ngôn ngữ
Rào cản ngôn ngữ đang gây nhiều khó khăn cho những phụ nữ lớn tuổi người La Chí
Người La Chí ở xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai có dân số ít so với các dân tộc khác, nhưng họ có lịch sử cư trú từ hàng trăm năm trên mảnh đất Nậm Khánh.
Tuy nhiên, chỉ mới khoảng vài thập niên trở lại đây, đường giao thông đi lại mới thuận lợi, còn xưa kia, bản làng của người La Chí khá biệt lập, dẫn đến lối sống khá khép kín với thế giới bên ngoài. Điều này đã khiến cho nhiều phụ nữ lớn tuổi gặp những hạn chế với ngôn ngữ tiếng phổ thông.
Cũng chính từ việc gặp "rào cản" ngôn ngữ khiến cho chị em mang tâm lý e dè, ngại giao tiếp với các dân tộc bên ngoài. Họ chỉ sẵn lòng giao tiếp khi người dân tộc khác sử dụng ngôn ngữ tiếng La Chí với họ.
Bà Lý Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Khánh, chia sẻ: "Phụ nữ La Chí ở đây vẫn còn rất nhiều chị em hạn chế trong việc nói tiếng phổ thông. Vì vậy, họ thường có tâm lý e ngại giao tiếp với các dân tộc khác. Họ chỉ giao tiếp với chính cộng đồng dân tộc mình, điều này dẫn đến những hạn chế trong việc tiếp cận với bên ngoài. Chẳng hạn như cán bộ người Kinh đi tuyên truyền tập huấn kinh nghiệm, kỹ thuật làm ăn, thì chị em cũng khó hiểu lắm, vì không nghe nói được tiếng phổ thông".
Chị Lý Thị Hương, là người dân tộc La Chí, ở thôn Nậm Khánh, xã Nậm Khánh, cho biết: "Mặc dù ở đất du lịch Bắc Hà, các dân tộc Mông, Dao, Tày đều tham gia phát triển du lịch khá mạnh, nhưng riêng người La Chí thì lại hầu như không có ai làm du lịch, vì chị em đều ngại giao tiếp với các dân tộc bên ngoài. Khi được hỏi vì sao thì họ nói là ngại vì không biết nói tiếng ngoài (tiếng phổ thông). Vì lẽ đó nên chị em cũng chỉ quanh quẩn với làm ruộng, làm nương là chính".
Ngày nay, thế hệ trẻ trong cộng đồng người La Chí có điều kiện học hành, nên khả năng giao tiếp và nói tiếng phổ thông khá hơn, nhưng nhìn chung thì phụ nữ người La Chí ở Nậm Khánh vẫn mang nặng lối sống khép kín rất nhiều so với các dân tộc khác. Khi không giao tiếp với các dân tộc bên ngoài, đồng nghĩa với việc họ không thể tiếp nhận các thông tin về đời sống xã hội, kinh tế, lao động sản xuất, để tiếp thu học hỏi và vận dụng vào đời sống lao động sản xuất của chính họ, nên thường bị thua thiệt so với các dân tộc khác.
Hiện nay, chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể cũng tích cực tuyên truyền vận động chị em đẩy mạnh "hướng ngoại" với nhiều hình thức, đặc biệt là thúc đẩy họ tiếp cận với thị trường du lịch. Trong đó có phát triển nghề thủ công truyền thống như dệt vải thổ cẩm và sản xuất các mặt hàng lưu niệm cho khách du lịch.
Bà Vũ Thị Trang, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, cho hay: "Nhà nước đã đầu tư mở các tuyến điểm du lịch tới các thôn bản của người La Chí ở Nậm Khánh, nên tương lai chắc chắn địa phương này sẽ phát triển du lịch. Vì vậy điều cần thiết là phải thúc đẩy chị em tham gia vào các dịch vụ du lịch, đồng thời cũng thay đổi tư duy, nhận thức mạnh dạn hơn, vượt qua những định kiến về lối sống khép kín để hội nhập và phát triển. Chỉ có như vậy phụ nữ người La Chí mới vượt qua những rào cản vô hình ấy".