pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bác sĩ thông báo con gái sẽ qua đời, người cha vượt qua cú sốc và cho thấy điều kỳ diệu của tình yêu thương
Gia đình hạnh phúc của Mariam Al-Shehabi hiện tại
Mariam Al-Shehabi sinh năm 1985 ở Bahrain. Cha mẹ Mariam Al-Shehabi nhận ra con gái bị câm điếc từ năm cô một tuổi rưỡi. Đó là khi họ thấy con mình không thể phát âm được một từ nào lúc dạy con học nói. Dẫu buồn nhưng họ không ngừng hy vọng, tìm cách chữa trị cho con. Cha của Mariam tự hứa với mình rằng ông sẽ tìm mọi cách để con gái có thể nghe được. Từ năm 2 tuổi, Mariam Al-Shehabi bắt đầu điều trị bệnh.
30 năm trước, các công cụ hỗ trợ người khiếm thính còn rất thô sơ. Mariam nhớ lại khi đó, người thầy thuốc tới chẩn bệnh cho cô đã nói với gia đình là ông tuyên bố cô sẽ chết vì vào thời điểm đó mọi bác sĩ đều không quan tâm tới các trục trặc về thính lực. Nhưng theo lời kể của Mariam trong bài viết xuất bản ngày 7/5/2020 với báo Asharq Al-Awsat (tờ báo quốc tế Arab uy tín có trụ sở tại London (Anh), cha cô đã vượt qua cú sốc này chỉ trong... nửa giờ sau khi nghe bác sĩ nói.
"Đó là sự kỳ diệu đích thực của tình yêu thương. Cha tôi bắt đầu tìm cách và tìm chỗ để tôi học nói. Ông khao khát được nghe tôi gọi một tiếng "cha"", cô xúc động kể.
Sau một thời gian dài tìm kiếm khắp các nước trong khối Arab, cha cô biết được rằng Ai Cập có một số trung tâm có thể dạy con gái phát âm. Thế là Mariam tới thủ đô Cairo sống cùng mẹ và em trai Saleh. Tuy nhiên, những trung tâm đó không giúp ích được gì. Không nản lòng, cha của Mariam tiếp tục tìm kiếm. Rồi ông tìm được một bác sĩ giỏi ở phòng mạch tư là Muhammad Baraka, người chuyên dạy phát âm cho người điếc bằng phương pháp đọc khẩu hình. Bác sĩ Muhammad Baraka sau đó đã trở thành người có công lớn nhất trong việc giúp Mariam học nói bằng phương pháp này. Mỗi ngày, Mariam học với bác sĩ này 40 phút. Phần thời gian còn lại trong ngày cô bé ở nhà trẻ và ở với mẹ.
Mẹ Mariam là người đã gần gũi và có vai trò to lớn, quyết định với sự phát triển của con gái suốt những giai đoạn khó khăn này. Bà đã dành trọn đời mình giúp con gái vượt qua thử thách của số phận. Sau rất nhiều nỗ lực và kiên trì, Mariam đã có thể nói được chữ đầu tiên là "mẹ''. Mariam nói mẹ cô giống như một chiến binh thầm lặng. "Không lời nào có thể tả được hết tình yêu của mẹ... Bà thực sự là ngọn nến soi đường cho những người khác...", cô nói.
Còn về cha, cô chia sẻ: "Cha tôi, như tôi vẫn thường gọi ông, thực sự là dưỡng khí của đời tôi". Cha Mariam đã viết một cuốn sách có tựa đề "Con gái yêu của tôi...", để chia sẻ lại những cảm xúc, những khó khăn trong hành trình cùng con gái vượt qua số phận.
Trong suốt thời thơ ấu, Mariam luôn bị bắt nạt nhưng cô gái mạnh mẽ này đã vượt qua tất cả bằng tinh thần tự tin và lạc quan về cuộc sống mà cha mẹ đã truyền cho mình. "Mọi khó khăn đều có thể vượt qua khi tình yêu khuất phục mọi trở ngại", cô gái chia sẻ.
Năm lên 6 tuổi, Mariam tới trường như mọi đứa trẻ khác. Lúc đó cô là học sinh duy nhất bị khiếm thính ở trường. Tuy nhiên, thầy hiệu trưởng - giáo sư Bahija Al-Dailami và cả giáo viên chủ nhiệm lớp Fatima Abdel Wahab sẵn sàng đón nhận học sinh đặc biệt. Ở trường, Mariam không chỉ nâng cao khả năng phát âm bằng phương pháp đọc khẩu hình, cô còn khao khát mở rộng thêm kiến thức trong các môn học và ấp ủ những dự định lớn hơn cho tương lai.
Mỗi ngày qua đi là mỗi thách thức khiến Mariam thêm mạnh mẽ và tin tưởng hơn vào khả năng bản thân. "Thách thức trở thành một phần trong cuộc sống của tôi như nước và không khí vậy. Tôi tạ ơn Chúa mỗi ngày vì đã giúp mình thêm tự tin, mạnh mẽ và khiến tôi trở thành nguồn cảm hứng cho những người quanh mình", Mariam nói.
Năm 2010, Mariam tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành tài chính, ngân hàng tại Đại học Bách khoa Bahrain. Kể từ năm 2011 tới nay, cô làm việc ở Cơ quan giám sát tài chính thuộc Ngân hàng Quốc gia Bahrain và đang là bà mẹ của hai cô con gái Yasmine 4 tuổi và Khawla 1 tuổi.
Nhớ lại những gì đã qua, Mariam tin rằng để được trở thành một con người bình thường như hôm nay chính là vì cha mẹ đã luôn đối xử với cô như một đứa trẻ bình thường. Cô kể về tuổi thơ vô cùng hạnh phúc và ấm áp của mình: "Tôi đã không hề nhận ra mình là người khuyết tật tới khi tôi lớn lên và bước chân vào xã hội. Cha tôi đã cố gắng một điều không thể và bất chấp những định kiến cũ để tôi có được mọi quyền bình thường như những đứa trẻ khác".
Trong tương lai, Mariam mơ ước có cơ hội được phục vụ cộng đồng của mình. Cô cũng đã đến Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm bản thân với những gia đình có người khiếm thính.