3 môi trường giáo dục quyết định phát triển con người toàn diện

GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
23/11/2021 - 06:00
3 môi trường giáo dục quyết định phát triển con người toàn diện

Phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ có phần góp sức của nhà trường

Mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và xây dựng con người là mối quan hệ tương hỗ có tính biện chứng. Con người vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa: Con người là chủ nhân sáng tạo ra văn hóa nhưng cũng là sản phẩm của văn hóa, được văn hóa nhào nặn, điều chỉnh. Chính vì vậy, hai công việc phát triển văn hóa và xây dựng con người phải luôn luôn tiến hành đồng thời.

Đây là quan điểm xuyên suốt trong các chủ trương, đường lối của Đảng những năm gần đây. Nghị quyết số 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI nêu rõ: "Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa". Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt con người vào trung tâm của sự phát triển: "Con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển". Một trong những nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2021-2026 là "xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện".

Con người phát triển toàn diện ở đây được hiểu trước hết là những con người phát triển mọi mặt về đức - trí - thể - mỹ. Đó là những con người "có trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao" như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa XV ngày 11/8/2021. Con người phát triển toàn diện còn là con người có sự cân bằng giữa cuộc sống vật chất và tinh thần, hài hòa giữa các nhu cầu kinh tế và đời sống đạo đức, văn hóa. Đó cũng là những người có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, năng lực sáng tạo, giàu lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết để có thể xây dựng thành công một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc.

Để có được những con người như vậy, đóng vai trò quyết định là ba môi trường giáo dục quan trọng: Gia đình, nhà trường và xã hội.

Gia đình là môi trường đầu tiên đưa con người vào quá trình "nhập thân văn hóa" để trở thành những "con người xã hội". Gia đình là chiếc nôi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người. Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào tốt thì xã hội mới tốt. Từ môi trường gia đình tốt mới có những công dân tốt. Vì thế, "xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh" là nhiệm vụ tiên quyết để gia đình thực sự trở thành tổ ấm, bến đỗ bình yên của mỗi người. Bên cạnh việc kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống qua gia phong, gia đạo, nếp nhà, cần bổ sung, tiếp thu những giá trị mới của gia đình hiện đại thời kỳ hội nhập.

Bài 2: Ba môi trường giáo dục quyết định phát triển con người toàn diện - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhà trường cũng đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc tạo dựng con người phát triển toàn diện. Bên cạnh chức năng chính là trang bị kiến thức, phát triển trí tuệ, nhà trường cũng là nơi giáo dục, rèn luyện về đạo đức, thể chất và năng lực mỹ cảm cho thế hệ trẻ. Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta phải đào tạo những con người Việt Nam có các năng lực, phẩm chất của văn hóa công nghiệp, văn hóa đô thị, văn hóa hội nhập, văn hóa phát triển.

Xã hội là môi trường thứ ba có vai trò không kém phần quan thiết trong xây dựng con người. Các thiết chế văn hóa như thư viện, bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, cung văn hóa, sân vận động, trung tâm văn hóa - thể thao... góp phần cung cấp tri thức, nâng cao dân trí; rèn luyện thể lực, thể thao; sinh hoạt văn hóa nghệ thuật; đáp ứng nhu cầu học tập, hưởng thụ, sáng tạo và trao đổi văn hóa của người dân. Các sản phẩm và hoạt động văn hóa giúp nhân dân nâng cao đời sống tinh thần và lành mạnh hóa lối sống, giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Dư luận xã hội, tiếng nói cộng đồng là cơ chế hiệu quả để điều tiết, chỉnh đốn các khuôn mẫu hành vi, văn hóa ứng xử trong quan hệ xã hội.

Trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các Bộ, ngành và ba môi trường văn hóa này để xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Về trí tuệ, cần tích cực thực hiện các giải pháp căn cốt để hiện thực hóa mục tiêu "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam", triển khai "quốc sách hàng đầu" là phát triển khoa học - công nghệ. Phối hợp hiệu quả các hình thức giáo dục trong và ngoài nhà trường, chính quy và không chính quy để nâng cao trí lực, trang bị kiến thức cho người dân đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập suốt đời. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, cần đề cao tinh thần "đổi mới sáng tạo", phát huy trí thông minh, óc sáng tạo của con người Việt Nam.

Về đạo đức, bên cạnh việc "dạy chữ", "dạy nghề", các nhà trường phải chú trọng cả việc "dạy người", "làm người", trong đó tập trung giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách. Cùng với nhà trường, việc giáo dục đạo đức phải được tiến hành ở mọi không gian xã hội để hình thành những con người vừa tôn trọng đạo lý truyền thống, vừa có những phẩm chất đạo đức của thời đại mới. Giáo dục đạo đức không phải chỉ là giáo dục ý thức đạo đức, cảm xúc đạo đức mà quan trọng là phải hình thành và rèn luyện các hành vi đạo đức, thực hành đạo đức, phẩm chất đạo đức, lời nói đi đôi với việc làm, không hô hào suông, không "đạo đức giả".

Về thể lực, cần tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc con người Việt Nam đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh việc tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, phải đẩy mạnh giáo dục thể chất trong nhà trường và ngoài xã hội. Đồng thời với phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao đỉnh cao, phải tăng cường thể thao quần chúng, thể thao cho mọi người, góp phần tăng tuổi thọ và lành mạnh hóa lối sống của người dân.

Về thẩm mỹ, cần phát huy hơn nữa vai trò của văn học nghệ thuật, các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, trình độ cảm thụ thẩm mỹ, kỹ năng biểu đạt văn hóa nghệ thuật của người dân. Tăng cường giáo dục về nghệ thuật trong các nhà trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nâng cao năng lực mỹ cảm, thị hiếu lành mạnh của công chúng. Khuyến khích quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của cá nhân và cộng đồng.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ban, ngành trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, sự chung tay hiệp lực của các gia đình, nhà trường và toàn xã hội, công cuộc phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm