pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ hội nhập, phát triển bền vững đất nước
Ảnh minh họa
Báo PNVN trân trọng giới thiệu loạt bài nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này, thực hiện đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống một cách sinh động.
Bài 1: Xây dựng và củng cố hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị con người làm kim chỉ nam cho sự phát triển
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ về văn hóa - xã hội đã đặt ra những vấn đề cốt lõi. Đó là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa - con người, hệ giá trị gia đình với sự liên thông và mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ nhằm xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới: Thời kỳ hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững của đất nước.
Sự liên thông giữa giá trị quốc gia và giá trị con người
Mỗi quốc gia trong từng thời kỳ lịch sử đều có những giá trị tiêu biểu, cốt lõi, đặc trưng tạo nên diện mạo lịch sử riêng của giai đoạn đó. Những giá trị ấy được hun đúc, tạo dựng từ thực tiễn đấu tranh sinh tồn và phát triển, đôi khi thấm đẫm máu và nước mắt của các dân tộc. Chẳng hạn, bộ ba giá trị nổi tiếng của nền cộng hòa Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái cũng phải được trả giá và xây dựng qua mấy trăm năm tranh đấu từ Cách mạng Pháp năm 1789 đến nay. Tinh thần võ sĩ đạo, ý thức trọng danh dự, tính kỷ luật đến khắt khe, sự tinh tế, cẩn thận đến cầu toàn là những giá trị nền tảng giúp đất nước Nhật Bản đạt được những thành tựu ngoạn mục trong sự phát triển thần kỳ của họ ngày nay.
Khi đã được định hình, các giá trị quốc gia có vai trò to lớn trong việc định hướng mục tiêu, phương thức hành động, cách ứng xử của con người. Về mặt khái niệm, giá trị là những đánh giá của con người về các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những gì có ích, có ý nghĩa, được cộng đồng lựa chọn và cùng nhau chia sẻ. Nói một cách đơn giản, giá trị là tất cả những gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp giúp khẳng định và nâng cao bản chất Người. Nhiều giá trị liên kết với nhau một cách hữu cơ thì tạo thành hệ giá trị. Giá trị có nhiều cấp độ, quy mô và tính chất khác nhau, do vậy mà có giá trị vật chất, giá trị tinh thần, giá trị kinh tế, giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ, giá trị đạo đức, giá trị truyền thống, giá trị đương đại, giá trị gia đình, giá trị dân tộc, giá trị nhân loại... Trong bài viết ngắn này tác giả chỉ xin đi sâu làm rõ mối quan hệ liên thông giữa giá trị quốc gia và giá trị con người.
Giá trị quốc gia là những giá trị mang tính chung, tiêu biểu, đại diện cho cả một đất nước, một dân tộc. Giá trị con người là những giá trị hữu ích, cần thiết, quan trọng đối với mỗi cá nhân với tư cách là một thành viên trong xã hội. Giá trị con người thể hiện những mục đích mà con người vươn tới hay các điều kiện để con người đạt được những mong muốn, nhu cầu, khát vọng, quan tâm của họ. Nếu hệ giá trị quốc gia thường thiên về thể hiện các tính chất, đặc trưng, nguyên tắc, phương châm phát triển của quốc gia, thì hệ giá trị con người thiên về biểu hiện các đức tính, phẩm chất, năng lực, yêu cầu đối với cá nhân trong một tập thể. Một khi các giá trị quốc gia được xác lập, chúng sẽ chi phối mạnh mẽ suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và hành vi ứng xử của cá nhân trong cộng đồng.
Như vậy, mối quan hệ giữa hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị con người là mối quan hệ giữa những giá trị gốc, giá trị chủ đạo, giá trị hạt nhân với những giá trị cụ thể liên quan đến con người. Giá trị quốc gia là tác nhân chi phối và quy định các giá trị con người, giúp định hướng nhận thức, tư duy và hành động của họ. Nói cách khác, giá trị quốc gia tạo thành cơ sở, "mẫu số chung" để điều chỉnh các giá trị con người.
Ở chiều ngược lại, các giá trị quốc gia thường được xây dựng dựa trên nền tảng là căn tính con người, tính cách tộc người, truyền thống văn hóa, tầm vóc và bản sắc dân tộc. Giá trị quốc gia là nơi hội tụ, kết tinh, chưng cất các giá trị tiêu biểu nhất của giá trị con người -những chủ thể của quốc gia đó.
Biến các hệ giá trị thành động lực phát triển
Các nhà nghiên cứu tiền bối (Trần Văn Giàu, Vũ Khiêu, Phan Ngọc, Phạm Xuân Nam, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Quang Ngọc...) đã tổng kết và đưa ra nhiều hệ giá trị dân tộc và văn hóa Việt Nam khác nhau, nhưng về cơ bản đều thống nhất ở những giá trị truyền thống như: Tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, cần cù lao động, đoàn kết, hòa hiếu, nhân nghĩa, trọng đạo lý, yêu chuộng hòa bình... Đối với hệ giá trị con người, các nhà nghiên cứu đi trước (Trần Trọng Kim, Nguyễn Hồng Phong, Phạm Minh Hạc, Vũ Minh Giang, Trần Ngọc Thêm, Lương Đình Hải...) cũng đồng thuận cao ở các giá trị: Yêu nước, anh hùng, hiếu học, cần kiệm, giản dị, nhân ái, lạc quan, nghĩa tình... Những giá trị này đã trở thành hằng số giúp dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách để trụ vững và chiến thắng trong các cuộc chiến chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.
Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập ngày nay, bên cạnh việc củng cố và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chúng ta rất cần kịp thời bổ sung và xây dựng những giá trị mới của thời đại; sàng lọc, loại bỏ những giá trị lỗi thời đã bị lịch sử vượt qua. Đối với giá trị quốc gia, bên cạnh những giá trị tốt đẹp cần kế thừa như: Tinh thần dân tộc, ý chí tự cường, ý thức cộng đồng, trọng đạo lý, đoàn kết, nhân ái... cần bổ sung những giá trị phổ quát của nhân loại như: Tự do, dân chủ, công bằng, bình đẳng, thịnh vượng, hạnh phúc, thượng tôn pháp luật... Đối với giá trị con người, bên cạnh việc giữ gìn và trao truyền những giá trị không bao giờ cũ: Yêu nước, chính trực, ham học, trọng nghĩa, liêm khiết, cần bổ sung các giá trị của thời kỳ đổi mới và hội nhập như: Sáng tạo, tự chủ, trách nhiệm, kỷ cương, tôn trọng cá nhân... Những giá trị vốn được coi trọng trong các giai đoạn trước như: Cần cù, tiết kiệm, giản dị, anh hùng, dũng cảm, khiêm tốn, nhẫn nhịn, cần được mở rộng nội hàm để tương thích với những điều kiện mới của xã hội hiện đại và khoa học kỹ thuật phát triển.
Trong những năm tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế, chúng ta phải chú trọng xây dựng và củng cố hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị con người làm kim chỉ nam cho sự phát triển, biến những hệ giá trị đó thành động lực thúc đẩy hành động của toàn xã hội. Các giá trị này phải đại diện cho những nguyên tắc và khát vọng mà đại đa số thành viên trong xã hội mong muốn và định hướng phấn đấu đạt đến. Đồng thời, các giá trị phải vừa đảm bảo bảo lưu được truyền thống, vừa phải hướng đến hiện đại, hướng ra thế giới và hướng tới tương lai, thì đất nước Việt Nam mới hy vọng bắt kịp bước tiến của nhân loại và thời đại, mới có thể một ngày nào đó "sánh vai với các cường quốc năm châu".