Bài 2: Đẻ tại nhà và những lý giải nguyên nhân từ người trong cuộc

08/08/2018 - 07:35
Liệu có phải do tập tục lâu đời, nhà ở cách cơ sở y tế quá xa, do đang đi làm nương rẫy thì cơn đau đẻ ập đến hay do chưa có nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản… là nguyên nhân khiến cho nhiều phụ nữ ở vùng núi phía Bắc hiện vẫn chọn cách sinh đẻ ngay tại nhà?

Chị Thào Thị Dở sinh năm 1988 là người dân tộc Mông ở bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Căng Chải (Yên Bái). Năm 2006, khi tròn 18 tuổi, chị Dở kết hôn với một chàng trai cùng xã. Sau ngày cưới chừng vài tháng, chị mang bầu đứa con đầu lòng. 3 năm sau, chị mang bầu tiếp đứa con thứ hai. Cả hai lần mang bầu, chị đều chưa một lần tìm đến cơ sở y tế để thăm khám sức khỏe cho mình và cho thai nhi. Hai lần sinh nở, chị đều sinh con tại nhà.

Cũng như rất nhiều phụ nữ Mông trong bản, trong vùng nơi Dở sinh sống, việc phụ nữ tự đẻ, tự sinh con tại nhà vẫn đã và đang được cho là chuyện hết sức tự nhiên, là “tục lệ” hết sức bình thường. Lý giải về “tục” này, chị Dở cho biết: “Cũng có nhiều nguyên nhân!”. Thứ nhất, có lẽ là do phụ nữ Mông nơi đây quen làm việc nặng nhọc. Chị em vận động rất nhiều nên việc sinh đẻ rất dễ dàng. Các cô gái Mông lớn lên rồi lấy chồng luôn trở thành lao động chính trong gia đình. Họ thường phải thức giấc từ 4-5 giờ sáng để dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, cắt cỏ, nấu cám cho lợn, gà, trâu bò ăn... Sau đó, đều đặn các ngày chị em vác gùi, cầm liềm, cầm dao lên nương để miệt mài làm ruộng, cấy lúa, trồng ngô... Khi tối mịt trở về, trên lưng chị em luôn là những chiếc gùi chứa đầy thức ăn cho người và gia súc. Ngay cả khi đang mang bầu thì mọi công việc nặng nhọc vẫn trút lên đôi vai chị em. Với Dở, cả hai lần sắp đẻ, bụng to vượt mặt đến mức nhìn xuống không thấy đường đi nhưng vẫn phải đeo gùi nặng trĩu trên vai... 

thao-thi-do.jpg
Cả hai lần chị Thào Thị Dở sinh đẻ đều là trong tình trạng ban ngày chị đi làm ruộng cả ngày vất vả; buổi tối về chị thấy mệt mệt, đêm cảm thấy đau bụng một tí thôi, thấy dễ dàng quá nên đẻ luôn ở nhà.  

Theo chị Thào Thị Dở việc phụ nữ Mông chọn đẻ tại nhà còn có căn nguyên là do “ngại” và do tập quán. Phụ nữ Mông thường có tính e dè, nhút nhát, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến “thân thể người phụ nữ”. Họ chọn đẻ tại nhà, không tìm đến cơ sở y tế (đặc biệt là trạm xá xã để đẻ) bởi vì nhiều chị em cho rằng việc để cơ thể mình cho người khác nhìn thấy luôn khiến chị em rất xấu hổ. Ngoài ra, có nhiều chị khó nghe, khó nói được tiếng phổ thông. Khi xuống trạm y tế, người ta cứ hỏi bằng tiếng Kinh về việc mang thai, kinh nguyệt, chửa đẻ, về cơ thể, về bệnh phụ khoa mà chị em lại không biết hoặc ngại nói nên cũng cảm thấy không thích... Vì vậy, ngoại trừ một số trường hợp hay đau ốm, cảm thấy ca đẻ khó khăn, họ bắt buộc phải bảo người nhà đưa lên tận huyện, tỉnh để can thiệp; Còn lại, hầu hết phụ nữ ở La Pán Tẩn đều tự đẻ tại nhà. Trong khi đẻ, gia đình cũng thường tuân theo đúng tục lệ là sản phụ thường được đưa vào buồng kín, không được có mặt nam giới, không có mặt người lạ. Trong đấy chỉ có sản phụ với người đỡ đẻ là bà đỡ của thôn/bản hoặc là phụ nữ lớn tuổi trong nhà (bà nội, mẹ chồng...). Trong trường hợp không có những người kia hỗ trợ thì sản phụ sẽ tự đỡ đẻ, tự tay cắt rốn cho con... Với chị Thào Thị Dở, cả hai lần đẻ tại nhà, chị đều được mẹ chồng hỗ trợ và chồng chị cũng chỉ được phép đứng hỗ trợ ở buồng ngoài.

Tương tự, chị Lý Tả Mẩy - dân tộc Dao ở xã Tả Phìn (huyện Sa Pa, Lào Cai) cho biết: “Lý do chị em chọn đẻ tại nhà, đa phần đó là những phụ nữ khỏe mạnh và cơn đau đẻ đến nhanh, chị em cảm thấy không đau nhiều lắm thì sẽ tự đẻ tại nhà”. Cũng theo chị Mẩy: “Có những phụ nữ ở đây, khi mới mang thai, cũng có đi xuống bệnh viện thăm khám, kiểm tra, siêu âm nhưng có thể do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản nên không tính toán được thời gian đẻ. Đến khi bị đau, lại cứ tưởng chỉ là đau bụng thông thường nên không có sự chủ động. Cho đến khi biết là sắp đẻ thì lại không kịp tìm chuẩn bị quần áo, tắm rửa, tìm thẻ bảo hiểm… nên đã đẻ luôn ở nhà. Ngoài ra, tuy chi phí y tế không mất nhiều (do có bảo hiểm) nhưng dù sao việc đi lại, ăn uống cũng tốn hơn. Bệnh viện huyện Sa Pa thì cách nhà khá xa, đến 12 cây số với nhiều đường rừng, đèo, dốc…, việc đi lại cũng rất khó khăn”.

*Trích chia sẻ của chị Lý Tả Mẩy (Tả Phìn, Sa Pa) về lý do chọn đẻ tại nhà:

 
Theo bà Hoàng Thị Hường – Trạm trưởng trạm y tế xã Tả Phìn: “Xã Tả Phìn tuy cách trung tâm thị trấn Sa Pa chỉ có 12km nhưng lại là xã miền núi đặc biệt khó khăn. Xã có hơn 3.000 dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao… đời sống kinh tế, trình độ dân trí vẫn còn nhiều hạn chế. Địa hình trong xã nhiều núi đồi, dân ở thưa thớt nên việc đi lại rất khó khăn. Có những thôn tuy cách trung tâm xã 6 km nhưng chỉ đi xe máy được 2km, còn lại phải đi bộ bằng đường rừng mất ít nhất cũng gần 2 giờ đồng hồ, sau đó lại phải qua 2-3 quả đồi mới đến được 2-3 hộ dân. Ngoài ra, chính sách y tế, dân số cũng còn nhiều bất cập. Tại xã có 2 cô đỡ thôn bản được đào tạo nhưng hiện nay lại không có kinh phí hỗ trợ nên hoạt động khó khăn (hiện một cô đang đi học, một cô trong diện nghỉ đẻ)… Với nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan đã dẫn đến tình trạng hiện nay, tỷ lệ phụ nữ trong xã tự đẻ tại nhà vẫn còn ở mức cao”.

(Còn tiếp): Bài 3 - Đẻ tại nhà và những hậu quả khó lường

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm