Túi nilon rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên nên phải được thu hồi để tái chế. Thế nhưng, tại Việt Nam, thói quen tùy tiện xả rác ra môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa khiến nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe là rất cao.
Tại Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh người dân vô tư xả rác nơi công cộng, trong đó rác thải nhựa là phổ biến.
Tại đoạn đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) một người nữ túi xách lỉnh kỉnh đang đứng chờ xe. Trong lúc chờ, người này có mua một chiếc bánh bao của người bán dạo. Chiếc bánh bao được bọc trong tờ giấy báo và túi nilon. Sau khi ăn xong, người này vô tư vứt bỏ túi nilon và tờ giấy gói bánh vào vệ đường, dù cách đó khoảng 50m là thùng rác.
Tại khu nhà ở HH (khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhiều hộ gia đình tầng 2-3 bức xúc vì các xả rác các hộ tầng trên. Theo phản ánh, sau khi sử dụng, một số hộ dân ở tầng trên thay vì bỏ vào thùng rác và nhà rác đã vứt luôn ra bên ngoài ban công. Rác thải chủ yếu là túi nilon, chai nhựa, thức ăn các loại. “Tầng nào cũng có nhà rác, ngày nào cũng có người thu rác nhưng họ không mang ra nhà rác mà vứt thẳng ra bên ngoài ban công khiến cho những nhà ở tầng dưới lãnh đủ. Tôi không hiểu họ có suy nghĩ không nữa”, chị Nguyễn Thị An, một hộ dân ở tầng 3, tòa nhà HH4, khu đô thị Linh Đàm, chia sẻ.
Không chỉ ở thành thị, tại nông thôn, tình trạng túi nilon vứt bừa bãi tại khu dân cư, đồng ruộng, kênh mương cũng diễn ra phổ biến. Bà Nguyễn Thị Thành (huyện Vụ Bản, Nam Định) chia sẻ: Mỗi năm một thửa ruộng cũng phải phun thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ vài lần. Mà các loại thuốc bảo vệ thực vật phải đựng trong túi nilon, mang ra đến đồng mới pha. Sau khi pha chế thuốc, đa phần chúng tôi bỏ túi nilon lên bờ, hoặc kênh mương vì chẳng vứt xuống đó thì chả nhẽ lại vứt xuống ruộng nhà mình à”.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, nhiều người dân chưa hiểu hết những tác hại của túi nilon với môi trường. Vì vậy, sau khi sử dụng nhiều người vô tư vứt bỏ ra ngoài môi trường thay vì cho vào thùng rác. Thực tế, túi nilon vứt ra sông hồ, kênh rạch, sông ngòi ngoài gây ô nhiễm thì cá ăn phải sẽ chết. Ở trên cạn, túi nilon rơi xuống đất thì vi sinh vật bên dưới không sống được vì bị yếm khí; rễ cây có chui vào không phát triển được vì kín quá… Trong khi đó, sinh vật cần phải tồn tại trong tự nhiên để cân bằng trường.
Còn theo PGS. Trần Hồng Côn (khoa Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) túi nilon rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không có tác động của ánh sáng mặt trời. Khi túi nilon vứt ra đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn, làm cho đất không giữ được nước, ảnh hưởng sự sinh trưởng của cây trồng. Nếu túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng, là nơi phát sinh cho nhiều vi khuẩn gây bệnh. Khi bị đốt cháy, các loại bao bì nilon sẽ tạo nhiều khí độc khiến người hít phải có thể ngất, nôn ra máu, khó thở, gây rối loạn chức năng, giảm khả năng miễn dịch.
Hiện nay trung bình mỗi ngày, Việt Nam xả khoảng 2.500 tấn rác nhựa ra môi trường. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số đó được thu gom, tái chế, còn đa phần để chôn lấp thông thường hoặc bị vứt bỏ khắp nơi. Việc này không chỉ gây lãng phí về kinh tế mà còn là hiểm họa không lường đối với sức khỏe con người và môi trường.