pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bài 3: Ô nhiễm không khí - những hệ lụy ngoài sức khỏe
Thiệt hại hàng tỷ USD
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại tới 5-7% GDP hàng năm. Còn theo nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam, ô nhiễm không khí ở nước ta đã tạo ra thiệt hại kinh tế khoảng từ 9 tỷ USD đến 12 tỷ USD (năm 2013) và tăng lên những năm gần đây.
Chỉ tính riêng Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành ở Hà Nội, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.
Nghiên cứu mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5.000 tỷ USD mỗi năm. Ô nhiễm ozon trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030.
Tại Việt Nam, cũng đã có một số nghiên cứu tính toán số ca tử vong tăng lên do ô nhiễm PM10 từ giao thông còn lớn hơn cả số ca tử vong do tai nạn giao thông. Hoặc khi hàm lượng PM10, PM2.5 (các hạt bụi có kích thước vi mô) tăng lên thì số ca nhập viện liên quan đến đường hô hấp của trẻ em tăng tương ứng.
GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng, nhóm dễ bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí nhất là người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người có sẵn các bệnh lý mạn tính bởi những đối tượng này dễ bị mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, bệnh lý mãn tính dẫn đến chi phí điều trị tăng cao. Thực tế, một nghiên cứu của BV Lão khoa TƯ cho thấy, người 70 tuổi thường mắc 2,6 bệnh lý, còn người từ 80 tuổi trở lên mắc 8 bệnh lý. Do đó, nguồn lực, chi phí để khám chữa bệnh, điều trị cho đối tượng này rất lớn. Tuy nhiên, GS.Đạt cho rằng, về lâu dài thì tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, chứ không phải chỉ riêng những đối tượng nêu trên.
Cũng theo GS.Trần Thọ Đạt, tác động ô nhiễm không khí cũng có sự bất bình đẳng giữa các nhóm thu nhập nhất là ở các nước đang phát triển. Thực tế, người thu nhập cao có khả năng tài chính mua thiết bị phòng ngừa, hạn chế độc hại từ hít thở không khí. Người thu nhập cao cũng có thời gian ở nhà và trong văn phòng tiện nghi nhiều hơn nhất là thời điểm chất lượng không khí xấu. Trong khi đó, người thu nhập thấp ít có điều kiện để mua trang thiết bị bảo vệ mình hơn và phải làm việc ngoài trời nhiều hơn. Trên phương diện quốc gia, tùy vào từng giai đoạn phát triển, mỗi nước có thể đưa ra các tiêu chuẩn không khí cho phù hợp nhằm cân đối tối ưu giữa phát triển kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, cũng có quốc gia chấp nhận đánh đổi môi trường lấy mục tiêu kinh tế, để rồi sau này lại loay hoay xử lý hậu quả.
Gia tăng nguy cơ phạm tội
Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí không chỉ tác động tới kinh tế, sức khỏe mà còn liên quan đến gia tăng tỷ lệ tội phạm. Năm 2018, Sefi Roth, nhà nghiên cứu từ Đại học Kinh tế London (Anh) đã phân tích dữ liệu tội phạm trong hai năm từ hơn 600 đơn vị bầu cử ở London. Ông nhận thấy có nhiều trường hợp phạm tội vặt xảy ra hơn trong những ngày ô nhiễm nặng, cả ở khu vực người giàu lẫn khu người nghèo.
Một nghiên cứu do Jackson Lu từ Học viện Công nghệ Massachussets (MIT) thực hiện đã xem xét dữ liệu thu thập được trong vòng chín năm từ 9.000 thành phố trên toàn lãnh thổ nước Mỹ. Nghiên cứu này nhận thấy, ô nhiễm không khí cho thấy những chỉ dấu về 6 nhóm tội phạm chính. Trong đó, có các tội ngộ sát, cưỡng hiếp, cướp của, trộm xe hơi và hành hung người khác.
Để thu thập quan hệ nhân quả giữa ô nhiễm môi trường và tỷ lệ tội phạm, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Columbia, Viện Kinh doanh Đại học Harvard và Đại học Michigan (Mỹ) đã tiến hành một loạt các thí nghiệm. Trong một thí nghiệm, những người tham gia được cho quan sát hai loại bức tranh về ô nhiễm không khí và bầu trời trong lành. Kết quả là trong mỗi mục nghiên cứu, những người tham gia thí nghiệm khi xem những bức ảnh ô nhiễm không khí có biểu hiện lo lắng hơn, và sau đó có biểu hiện hành vi lừa dối. Tiến sĩ Jackson Lu, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: Kết quả của nghiên cứu này cho thấy, ô nhiễm không khí có thể tiềm ẩn gánh nặng chi phí về đạo đức. Như vậy đây là vấn đề vượt quá phạm vi quan tâm về sức khỏe và môi trường thông thường, bởi ô nhiễm không khí hiện đang được cả thế giới quan tâm.
Chia sẻ về tác động của ô nhiễm không khí, một chuyên gia ở BV Tâm thần TƯ I cho rằng, môi trường độc hại khiến thần kinh con người trở nên căng thẳng, ảnh hưởng đến tâm lý. Ngoài ra, có thể do chất độc hại trong không khí làm thay đổi sinh lý não. Ví dụ, khi hít thở không khí bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến lượng oxy trong cơ thể, gây kích ứng mũi, cổ họng, đau đầu…sẽ ảnh hưởng mức độ tập trung. Đặc biệt, tiếp xúc với các chất ô nhiễm khác nhau còn gây viêm, phá hủy cấu trúc não và các kết nối thần kinh kiểm soát xung động, chức năng tự kiểm soát và điều hành.