pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyện về y bác sĩ chống dịch Covid-19 (Bài cuối): Không đơn độc nơi tâm dịch
Dù công việc vất vả, áp lực nhưng nhân viên y tế làm việc tại vùng dịch vẫn tạo dáng, chụp hình để động viên
Nghĩa tình gửi về tâm dịch
Trong đợt dịch thứ 4 này, Bắc Ninh, Bắc Giang được xem là tâm dịch lớn nhất. Không chỉ bởi số ca mắc tăng nhanh mà còn bởi số ca mắc tập trung chủ yếu là công nhân các nhà máy. Trong khi đó lượng công nhân hai tỉnh này rất lớn với trên 250.000. Đặc biệt, chỉ từ sáng đến chiều ngày 25/5, Bắc Giang đã ghi nhận tới gần 450 bệnh nhân Covid-19. Cũng vì thế, số nhân viên y tế rất vất vả trong lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết, thậm chí thiếu cả bác sĩ điều trị. Với tinh thần tương thân tương ái, nhiều đồng nghiệp từ khắp các tỉnh thành đã về hỗ trợ Bắc Ninh, Bắc Giang.
Dù ở xa, lại là địa phương khó khăn nhưng Yên Bái là một trong những đơn vị sớm cử lực lượng y tế hỗ trợ vùng dịch nhất với 15 y bác sĩ được chi viện. Đoàn có 15 người thì 10 cán bộ làm công tác truy vết, 5 cán bộ còn lại đến các điểm dịch lấy mẫu xét nghiệm. Tuy số lượng không đông, nhưng đây đều là những cán bộ có trình độ, năng lực, tâm huyết với nghề. Các y bác sĩ cũng có nhiều kinh nghiệm trong công tác truy vết, xét nghiệm được tỉnh lựa chọn kỹ càng và sẵn sàng tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ chống dịch.
Mai Dung sinh năm 1997, công tác tại BV Đa khoa tỉnh Yên Bái. Cô bảo, trước khi xuống Bắc Giang đã lường được những gian khổ, hiểm nguy khi vào tâm dịch. Thế nhưng, anh em trong đoàn ai cũng đồng lòng, đồng sức với quyết tâm cao nhất giúp tỉnh bạn sớm khống chế dịch bệnh. Cũng như những cán bộ của CDC Bắc Giang, nhóm nhân viên y tế của Yên Bái làm việc từ sáng đến đêm. Mấy hôm đầu chưa quen nên mọi người có chút mệt, nhưng không hề kêu ca. KTV Mai Thị Dung bảo, các anh chị ở CDC Bắc Giang làm việc từ đầu đợt dịch đến nay mới mệt. Chúng em mới hỗ trợ được ít hôm, đã ăn thua gì đâu.
Ngoài Yên Bái, đến thời điểm này đã có nhiều đoàn y bác sĩ của các tỉnh, thành chi viện nhân sự cho tỉnh Bắc Giang. Chị Nguyễn Thị Hương (SN 1983) là điều dưỡng viên tại Khoa Thận tiết niệu (BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, đoàn nhân viên y tế của Bắc Ninh chi viện cho Bắc Giang từ ngày 15/5. Khi vừa đặt chân đến khách sạn, đoàn chỉ có thời gian nghỉ ngơi khoảng hơn 1 tiếng là bắt đầu lên đường đi lấy mẫu cho công nhân trong Khu công ngiệp Quang Châu. Trong 2 ngày đầu tiên, hôm nào chị Hương cũng phải đi lấy mẫu đến 2h sáng, khi về phòng chập chờn khó ngủ.
Chị Hương bảo, anh xã làm trong nghề xây dựng nên rất bận. Chị là người thường chăm lo cho gia đình từ bữa ăn, giấc ngủ. Tuy nhiên, trong hơn 1 năm qua, khi dịch Covid-19 vào Việt Nam và có nhiều đợt dịch diễn biến phức tạp, chị phải gác lại tất cả để chống dịch. "Con trai lớn nhà tôi thi lên lớp 10 ngày 12/6 tới này. Còn bạn nhỏ thì chuẩn bị vào lớp 1. Dù vậy, vì công việc nên mình cũng phải chấp nhận không thể ở bên con. Hàng ngày, sau giờ làm việc, tôi chỉ biết gọi điện động viên con ôn tốt, thi tốt để mẹ yên tâm và hoàn thành công việc", chị Hương chia sẻ.
Nhiều sinh viên ngành y tình nguyện vào tâm dịch
Không chỉ nhân viên y tế, nhiều trường Đại học khối y dược các tỉnh miền Bắc cũng đã cử sinh viên tham gia hỗ trợ Bắc Giang. Theo đó, Đại học Y Hà Nội đã cử gần 50 cán bộ, sinh viên tới Bắc Ninh phòng chống dịch Covid-19. Tại Bắc Ninh, cán bộ, sinh viên trường Đại học Y Hà Nội sẽ hỗ trợ xét nghiệm, lấy mẫu, truy vết, điều tra dịch tễ, phân tích dữ liệu. GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, những sinh viên đi tình nguyện về Bắc Ninh chống dịch đều học năm cuối, có kinh nghiệm hỗ trợ Hải Dương phòng chống dịch Covid-19 cách đây gần 4 tháng. Theo GS. Tạ Thành Văn, đây là cơ hội đào tạo chuyên môn thực tế, rèn luyện quan hệ xã hội của sinh viên. Nhà trường trân trọng sự tình nguyện vì cộng đồng của các em sinh viên, xứng đáng là những cán bộ y tế tương lai.
Sinh viên Dương Lệ Quyên (SN 1999), Lớp Y Đa khoa 5 cho biết, khi nhận được thông tin từ cán bộ lớp thông báo đi Bắc Giang, Bắc Ninh chống dịch đã rất phấn khởi và đây là điều Quyên chờ đợi đã lâu, bởi Bắc Giang là quê hương em. Lớp Quyên cũng có 23 bạn cùng đi chuyến này. Quyên cho biết, những ngày qua, khi biết quê mình đang là ổ dịch, bản thân Quyên không khỏi lo lắng và gọi điện về nhà hỏi thăm. Cô luôn mong mình sẽ làm được gì đó để hỗ trợ quê hương. Do đó khi có thông báo đi tình nguyện chống dịch, cô đăng ký ngay. "Trước khi đi, Quyên đã gọi điện về cho bố mẹ và được cả nhà ủng hộ nhiệt và dặn dò cẩn thận. Có được sự hậu thuẫn của gia đình, Quyên càng có động lực hơn. "Em nghĩ rằng, đi chống dịch không chỉ là trách nhiệm của người học y mà cũng là đợt đi thực tế quý giá trước khi chúng em ra trường. Bởi đây là đợt học nghề tốt nhất đối với những người học y", Quyên chia.
Không chỉ Y Hà Nội, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Đại Học Y Dược Thái Nguyên cũng đã đưa sinh viên về chi viện tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh phòng chống dịch Covid-19. Nguyễn Thị Ngân, sinh viên năm 4 trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) cho biết, đã về chi viện cho Bắc Ninh được 2 tuần. Tại đây, Ngân được phân công làm việc tại khu cách ly trường mầm non xã Gia Đông (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Công việc hàng ngày của Ngân là đo thân nhiệt, khám kiểm tra cho đối tượng F1, mang suất ăn, cung cấp các vật dụng cần thiết cho họ.
Ngân bảo, qua công việc thực tế, cô thấy rằng không chỉ nhân viên y tế, cán bộ phòng chống dịch căng thẳng mà người bị cách ly cũng có phần mệt mỏi, lo lắng. Thậm chí, có người cả đêm không ngủ. Vì vậy cô phải thường xuyên hỏi han, động viên họ vững tâm, cùng cố gắng vượt qua đại dịch. "Mình mới chỉ về mấy ngày nhưng đã chứng kiến các anh chị nhân viên y tế, lực lượng chống dịch làm việc xuyên ngày đêm rất vất vả, còn người dân cũng lo lắng không kém. Em chỉ mong dịch sớm qua đi để mọi người sớm trở lại bình thường, yên ổn làm ăn", Ngân bày tỏ.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ