pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bàn cách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Ảnh minh họa
Trong khuổn khổ hoạt động của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025, vấn đề nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những nội dung trọng tâm.
Trong bối cảnh hiện tại, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số là nhu cầu và là mối quan tâm của nhiều chị em.
Để thực hiện những nội dung, nhiệm vụ đề ra trong triển khai, thực hiện Dự án 8, Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, TƯ Hội LHPN Việt Nam được phân công phụ trách nội dung: Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong sản xuất và kết nối thị trường các sản phẩm nông sản. Ban đã phối hợp với Chuyên gia xây dựng đề cương Tài liệu "Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số".
"Đề cương tài liệu được xây dựng với mong muốn cung cấp các thông tin, hướng dẫn để các cấp Hội sử dụng, đáp ứng yêu cầu đề ra và trở thành nguồn tài liệu tham khảo cho các bộ, ngành, đơn vị khác. Đề cương cũng được xây dựng thành tài liệu phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương, phù hợp với đặc thù của các vùng miền khác nhau. Đặc biệt, với nội dung ứng dụng khoa học công nghệ, cần thể hiện bằng các hình thức, ngôn ngữ thông dụng dễ hiểu, phù hợp với phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Đây là thách thức khi xây dựng tài liệu nhằm cụ thể hóa nội dung ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ dân tộc tôn giáo. Từ đó thúc đẩy, phát huy quyền năng kinh tế cho họ", bà Phạm Thị Hương Giang, Trưởng ban Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, TƯ Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ tại Hội thảo tham vấn.
Tại chương trình, các đại biểu cũng được nghe chuyên gia Dương Trần Anh Tuấn (Công ty phát triển Xanh - đơn vị đã thực hiện một số giải pháp sáng tạo hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số) chia sẻ về phương pháp xây dựng tài liệu theo cách tiếp cận mới.
Theo chia sẻ của chuyên gia, phương pháp tiếp cận mới dựa trên 3 tiêu chí: Tiên lượng - Thích ứng - Linh hoạt. Đây là phương pháp tiếp cận của Liên hợp quốc, triển khai theo nguyên tắc: Bám chặt mục tiêu, thả lỏng kế hoạch, trao quyền cho cấp dưới. Điểm khác biệt của phương pháp tiếp cận này là trao quyền cho cấp cơ sở, địa phương và người thực hiện; triển khai phù hợp với từng địa phương; điều chỉnh liên tục phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh, dựa trên sự thay đổi của công nghệ, môi trường, xã hội.
Với nội dung "Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số", nhóm chuyên gia cũng đề xuất một số hoạt động của Hội LHPN Việt Nam như: Tổ chức đào tạo, tập huấn, tư vấn kỹ thuật cho Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp; Tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức; Trực tiếp triển khai thí điểm tại một số địa phương; Xây dựng và cung cấp tài liệu hỗ trợ; Tập hợp và nghiên cứu kinh nghiệm thực hiện thành công và tổ chức chia sẻ kinh nghiệm; Vận động, phối hợp, kết nối với các bên liên quan hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện, truyền thông, biểu dương các điển hình tiêu biểu.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tham vấn cùng chia sẻ các ý kiến đóng góp về tên gọi của chương trình, đối tượng sử dụng tài liệu, chương trình gọi vốn đầu tư, các hoạt động hỗ trợ kết nối trên không gian mạng, các hoạt động ứng dụng, hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế, nhân rộng các mô hình điển hình… để phù hợp với nhu cầu và có những hỗ trợ thiết thực cho đối tượng là phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khởi nghiệp người dân tộc thiểu số.