pnvnonline@phunuvietnam.vn
Băn khoăn cách thức thu hút học sinh thành tích cao
Nhiều trường học mong muốn có sự cạnh tranh công bằng trong việc thu hút nhân tài. Ảnh minh hoạ
Tiền tỉ thưởng học sinh đoạt giải quốc tế
Mới đây, để khen thưởng học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, UBND thành phố Hải Phòng đã công bố quyết định mức tiền thưởng lên tới 2,7 tỉ đồng. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng tặng bằng khen và tiền thưởng 500 triệu đồng cho em Nguyễn Sĩ Hiếu, học sinh lớp 12 chuyên Sinh, trường THPT chuyên Trần Phú, với thành tích đoạt huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế.
Nguyễn Thành Duy (học sinh lớp 12 chuyên Lý) đoạt huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế, huy chương Đồng kỳ thi Olympic Vật lý châu Á cũng được nhận số tiền 500 triệu đồng (trong đó 400 triệu đồng cho thành tích đoạt huy chương Bạc và 100 triệu đồng cho thành tích đoạt huy chương Đồng).
Được biết, tổng tiền thưởng của riêng thành phố Hải Phòng chi để khen thưởng cho 4 học sinh đoạt giải quốc tế và khu vực năm nay là 1,5 tỉ đồng và 1,2 tỉ đồng để khen thưởng tập thể ban giám hiệu, giáo viên giảng dạy trực tiếp, tập thể giáo viên tham gia giảng dạy cho những học sinh đoạt giải.
Trước đó, năm 2023, tỉnh Bắc Ninh cũng chi số tiền "khủng" để khen thưởng những giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh giỏi đoạt giải trong các kỳ thi khu vực và quốc tế năm học 2022 - 2023 với số tiền hơn 3,4 tỉ đồng. Trong đó, mỗi học sinh đoạt huy chương Vàng Olympic quốc tế được thưởng 500 triệu đồng.
Trong khi đó, Hà Nội, một trong những địa phương có nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế, lại chưa có cơ chế đặt ra mức tiền thưởng vượt khung như các tỉnh nói trên.
"Năm nay, Hà Nội có 2 học sinh trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam và trường THPT Chu Văn An đoạt huy chương Vàng quốc tế Hóa học và Sinh học. Đây là thành tích rất đáng tự hào khi 3 năm nay, Hà Nội mới được đổi màu huy chương. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của cả học sinh lẫn đội ngũ giáo viên hướng dẫn, kèm cặp các em.
Để xứng đáng với công sức của thầy và trò, cũng là động lực khuyến khích các em nỗ lực hơn nữa, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố phê duyệt khung khen thưởng đặc biệt với thành tích này dù có thể không bằng mức các tỉnh bạn đã tặng thưởng cho các em đoạt thành tích tương tự", Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội Trần Thế Cương cho biết.
Cơ sở giáo dục cạnh tranh "giữ chân" học sinh giỏi
Việc "giữ chân" cũng như tạo nguồn cho các mũi nhọn thành tích trong dạy và học, các tỉnh, thành đang đưa ra các cơ chế khen thưởng lên đến tiền tỉ. Còn đối với các cơ sở giáo dục, cuộc "chạy đua" để hút nhân tài cũng không kém phần sôi động và đang có không ít phản ánh về sự không công bằng trong "cuộc đua" này.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố không được phép ưu tiên học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, khối các trường THPT chuyên trực thuộc đại học lại không phải tuân thủ quy định này và đều đặt ra khoảng 10% chỉ tiêu tuyển thẳng những học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố.
"Hàng năm, trường chúng tôi mất một lượng không nhỏ học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố vào các trường chuyên trực thuộc đại học, trong khi nhà trường lại là nơi đầu tư đào tạo suốt 4 năm THCS", Hiệu trưởng một trường THPT chuyên tại Hà Nội chia sẻ.
Đó là chưa kể, không ít trường THPT tư thục, trường quốc tế, trường THPT công lập tự chủ tài chính có nhiều chính sách đãi ngộ tốt, trải thảm đỏ mời học sinh giỏi.
Đây là vấn đề thực tế khiến giáo viên, học sinh, phụ huynh ở một số địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội, đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ GD-ĐT về việc cần có cơ chế công bằng đối với học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trong kỳ tuyển sinh đầu cấp để động viên, khuyến khích các em cũng như với các cơ sở giáo dục thuộc các loại hình.
Được biết, Bộ GD-ĐT đã tiếp thu và nghiên cứu, đánh giá cụ thể, tính đến những yếu tố ghi nhận kết quả của học sinh một cách bền vững, toàn diện, giúp các em học thật, hình thành năng lực thật, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tế của môi trường giáo dục hiện nay.