Bản người Dao đồng lòng sinh ít con để thoát nghèo

Thanh Vân
24/10/2022 - 19:21
Bản người Dao đồng lòng sinh ít con để thoát nghèo

Vợ chồng bà Lý Thị Chiến luôn vận động con cái sinh ít

Việc sinh đẻ có kế hoạch đã giúp các gia đình người Dao ở bản Hạ Sơn (Yên Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ) có điều kiện lo cho con cái học hành, đồng thời giúp phụ nữ có nhiều thời gian cho gia đình và hoạt động xã hội.

Việc sinh đẻ có kế hoạch đã giúp các gia đình người Dao ở bản Hạ Sơn (Yên Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ) có điều kiện lo cho con cái học hành, đồng thời giúp phụ nữ nơi đây có nhiều thời gian cho gia đình và hoạt động xã hội.

Bản Hạ Sơn nằm lọt thỏm trong thung lũng, bốn bề núi non bao phủ, những nếp nhà người Dao nằm san sát bên triền đồi. Sau gần chục năm tôi mới có dịp trở lại bản này, điều dễ cảm nhận sự thay đổi ở đất này là nhà xây đã nhiều hơn nhà tranh tre vách nứa khi xưa. Đường bê tông, điện lưới quốc gia đã được kéo tới tận bản. Trường học xây dựng khang trang, sự đổi thay ở bản người Dao không chỉ dừng lại ở cơ sở vật chất mà ngay trong nhận thức của bà con về xóa đói giảm nghèo và kế hoạch hóa gia đình trong mỗi gia đình đều có sự tiến bộ rõ rệt.

Vận động con dâu đẻ ít

Chiều vừa buông, gia đình bà Lý Thị Chiến (61 tuổi) vẫn còn tất bật với công việc. Chồng bà ngồi vót đũa để bán. Bà Chiến loay hoay với việc chuẩn bị nồi nước để nhuộm đũa. Chị Triệu Thị Loan – con dâu bà Chiến vừa đi nương về. Trên vai gùi theo một tải khoai môn rõ nặng. Vừa nhìn thấy con dâu bước vào cửa, bà Chiến đã đon đả động viên: "Lần sau con vác nhẹ thôi. Đường trơn mà ngã lại khổ. Thôi con vào chuẩn bị cơm nước cho đám trẻ đi".

Bản người Dao đồng lòng sinh ít con để thoát nghèo - Ảnh 1.

Đời sống của bà con người Dao ở bản Hạ Sơn đã có nhiều thay đổi

Ngày trước mỗi chuyến đi bản cao, điều dễ nhận thấy nhất là vào gia đình nào cũng con đàn cháu đống, nhưng ở gia đình bà Chiến lại cảm thấy neo người. Chị Loan là con dâu thứ ba của bà Chiến. Chị về làm dâu của gia đình đã được hơn chục năm. Chị cũng chỉ sinh 2 đứa con rồi dừng không đẻ nữa. Gia đình nhà chồng cũng không thúc giục mà còn chia sẻ với con dâu về gánh nặng sinh đẻ. Vợ chồng bà Chiến thường bảo các con, thế hệ bố mẹ trước đây đẻ nhiều nên cuộc sống vất vả. Con cái lại không được học hành đến nơi đến chốn. Giờ đây, các con đẻ ít cho đỡ khổ.

Bà Chiến sinh được 5 người con, trong đó có 3 người con trai. Hiện con cái của bà đã lấy vợ, lấy chồng cả rồi. Điều mà bà vui nhất là 3 cô con dâu đều chỉ đẻ 2 đứa con rồi dừng. "Ngày trước thế hệ chúng tôi, ai cũng muốn đông con, nhiều cháu. Nhưng giờ mình phải thay đổi quan niệm đó. Mình đẻ nhiều mà không lo ăn, lo học cho chúng được thì tội lắm", bà Chiến chia sẻ.

Nhà trưởng bản Triệu Văn Hà (SN 1986) nằm cạnh đường cái dẫn vào bản. Ngôi nhà vững chãi được vợ chồng anh xây cách đây cả chục năm. Chị Dương Thị Luyến vợ anh Hà sinh được 2 người con gái. Thay vì "ép" vợ đẻ thêm, anh Hà lại chia sẻ nỗi vất vả với vợ, không sinh thêm con nữa. Vợ chồng anh sinh 2 con gái nhưng gia đình có cuộc sống ấm no và đủ đầy. Anh Hà cũng không nặng nề trong việc cần một đứa con trai để nối dõi tông đường.

Bản người Dao đồng lòng sinh ít con để thoát nghèo - Ảnh 2.

Trẻ em người Dao ở bản Hạ Sơn được bố mẹ chăm lo chuyện học hành

Đẻ ít để con cái được ăn học đến nơi đến chốn

Hạ Sơn có trên 100 nóc nhà, đa phần các hộ dân là người dân tộc Dao. Phụ nữ nơi đây kết hôn đều rất đúng tuổi, chứ không tảo hôn như trước đây. Đời sống kinh tế nơi đây còn nhiều khó khăn, do quá ít đất sản xuất, nhưng gia đình nào cũng hiểu, việc mình sinh ít con, gia đình sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Các gia đình sinh đẻ ít con và còn tạo điều kiện tốt nhất để cho con cái học hành. "Dù là con trai hay con gái, họ đều động viên các cháu đi học. Giờ đây, nhiều cháu gái còn học lên cấp 3 và đại học. Đây là sự thay đổi lớn trong nhận thức của bà con người Dao", anh Hà vui mừng thông báo.

Cách nhà Trưởng bản Hà không xa là trường tiểu học của bản. Giờ tan học, các cháu học sinh ùa ra sân để về bản. Cháu nào cũng ăn mặc quần áo tươm tất, chân đi giày dép gọn gàng. Chị Lý Thị Hằng hôm nay ra tận trường để đón 2 đứa con. Hai đứa nhỏ đến lớp đều đặn và học hành tốt nên chị Hằng rất vui. Chiều nào, chị cũng tranh thủ hoàn thành sớm việc đồng áng, việc nhà để đi đón con cho sớm. Ngày trước, phụ nữ người Dao thường nghỉ học sớm để lấy chồng. Mới 14, 15 tuổi họ đã rời ghế nhà trường để về làm dâu nhà người. Họ học biết được cái mặt chữ là nghỉ. Giờ đây, nhìn thấy 2 con của mình tung tăng đến trường, chị Hằng mới cảm nhận được lựa chọn sinh ít con của mình là đúng đắn. Vợ chồng chị thống nhất sinh ít con, nên chị có nhiều thời gian để chăm sóc chúng.

Bản người Dao đồng lòng sinh ít con để thoát nghèo - Ảnh 3.

Phụ nữ người Dao giờ đều sinh ít con

Không riêng gì chị Hằng, chị Luyến, hầu hết các gia đình trẻ ở bản Hạ Sơn đều đồng lòng sinh đẻ có kế hoạch. Không ai bảo ai, bản thân những người mẹ trẻ cũng đều nhận thấy, đẻ nhiều con như các cụ khi xưa thì khổ lắm. Ở bản Hạ Sơn gần như không có hộ nào sinh con thứ ba. Đây là nét mới trong nhận thức của các gia đình.

Người dân tộc Dao ở Yên Sơn hạ sơn từ cách đây hơn 70 năm. Khi đó, người Dao từ huyện Đà Bắc (Hòa Bình) và huyện Ba Vì (Hà Nội) sống tít trên núi cao đã di cư về xã Yên Sơn. Họ sống rải rác trên những sườn đồi nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Từ năm 2000 đến nay, điện, đường, trường trạm đã về tới bản Dao. Nhờ đó mà đời sống của bà con được nâng lên. Đây là cơ hội để các phong tục tập quán của người Dao được khôi phục và giữ gìn. Người Dao nơi đây đã biết phát huy những mặt tích cực và xóa bỏ những hủ tục còn lạc hậu… Trong đó các gia đình triệt để thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình.                                      

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm