Những biệt phủ của người Dao giữa đại ngàn Thượng Cửu
Nguyễn Cảnh Dũng

Xuất bản ngày 14/10/2022

Từng được mệnh danh là "hoang đảo giữa đại ngàn" với cái đói, cái nghèo ngự trị nhưng chỉ trong ít năm, bản Sinh Tàn của người Dao ở xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã thay đổi đến chóng mặt.

Sinh Tàn, xã Thượng Cửu là bản cao và xa nhất của huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Chỉ ít năm trước, bản Sinh Tàn với hơn 70 nóc nhà của đồng bào người Dao vẫn là "ốc đảo" giữa đại ngàn. Không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại và đường nối bản với trung tâm cũng chỉ là lối mòn như sợi chỉ xuyên rừng.

Ông Đặng Thế Chăn (65 tuổi) cho biết, những người Dao trên bản Sinh Tàn có nguồn gốc từ huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Trước đây, chỉ có mấy hộ lên trên đỉnh núi phá rừng, làm nương rẫy, lầm lũi mưu sinh giữa núi rừng hoang vu.

Sau nhiều lần hạ sơn, cuối cùng những hộ người Dao đã định cư ổn định bên con suối Sinh và suối Tàn và lấy tên là bản Sinh Tàn. Giờ bản đã có hơn 70 hộ dân, cuộc sống đã "sang trang mới".

Những biệt phủ của người Dao giữa đại ngàn Thượng Cửu - Ảnh 2.

Bản làng người Dao hiển hiện trước mắt, trù phú, bình yên trong ánh nắng trong vắt của chiều Thu

Con đường từ trung tâm xã Thượng Cửu vào bản Sinh Tàn giờ được trải bê tông phẳng lỳ. Vắt qua những đồi núi trùng điệp, sau vài chục phút chạy xe, bản làng người Dao đã hiển hiện trước mắt, trù phú, bình yên trong ánh nắng trong vắt của chiều Thu.

Bản Sinh Tàn đổi thay đến mức những người sống ở xã Thượng Cựu cũng kinh ngạc. Còn nhớ, hơn 10 năm trước cả bản gần 70 nóc nhà đều là hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2014, có 3 hộ xung phong thoát nghèo là gia đình trưởng khu hành chính, công an viên và bí thư chi bộ.

Giờ bản đã có hơn 70 hộ dân, cuộc sống đã "sang trang mới"

"Tôi dạy học ở Sinh Tàn 10 năm thì có 5 năm phải đi bộ 9km từ trung tâm xã vào bản. Người lớn đã khổ nhưng trẻ nhỏ đi học càng khổ hơn. Học sinh học hết lớp 4 là phải xa nhà xuống xã học bán trú", cô giáo Bùi Thị Bình nhớ lại.

Những biệt phủ của người Dao giữa đại ngàn Thượng Cửu - Ảnh 4.

Giờ đây, trường học đã có ở bản làng, giúp đường đến trường của trẻ em thuận tiện hơn

Không điện, không sóng điện thoại, đặc biệt giao thông khó khăn đã tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân. Nông sản làm ra không bán được hoặc bán rẻ mạt, trong khi đó, nhu yếu phẩm cần thiết từ hạt muối, lít dầu thắp sáng, chai nước mắm... vào đến bản đều cao ngất ngưởng.

Mọi thứ đã thay đổi khi năm 2017 khi đường bê tông vào bản đã được hoàn thành. Sau đó 2 năm, điện lưới quốc gia cũng đã kéo vào tận nơi. Mới đây, vào tháng 7/2022, VNPT Phú Thọ đã bao phủ bao phủ sóng cho toàn bộ hơn 70 hộ gia đình dân tộc Dao nơi đây.

Những biệt phủ của người Dao giữa đại ngàn Thượng Cửu - Ảnh 5.

Bản Sinh Tàn từ chỗ nghèo khó nhất, giờ giàu nhất xã

Bây giờ, nông sản của người dân làm ra từ hạt lúa, hạt ngô, củ gừng, củ khoai đến ngọn măng lội rừng hái về hay con lợn, con gà đều dễ dàng đưa về xuôi và rất "được" giá. Đặc biệt, là nơi có thế mạnh hàng đầu về trồng rừng, những rừng keo, rừng bồ đề mang về cho nhiều hộ dân ở bản Sinh Tàn tiền tỉ. Ông Hà Văn Nhận – Bí thư xã Thượng Cửu cho biết, bản Sinh Tàn từ chỗ nghèo khó nhất, giờ giàu nhất xã.

Dưới những tán rừng keo, rừng bồ đề, bên con suối Sinh, suối Tàn cả chục căn biệt thự của những gia đình người Dao đã thi nhau mọc lên

Từ trước đến nay, nhắc đến các bản làng vùng cao luôn làm người khác liên tưởng đến đói nghèo, lạc hậu. Hiếm có một bản vùng cao nào giàu có như ở Sinh Tàn. Dưới những tán rừng keo, rừng bồ đề, bên con suối Sinh, suối Tàn cả chục căn biệt thự của những gia đình người Dao đã thi nhau mọc lên.

"Sinh Tàn đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Hộ nghèo và cận nghèo còn rất ít. Trong những năm tới, chắc chắn bản chúng tôi còn phát triển hơn nữa. Nhìn bản làng hôm nay, những người từng trải qua những năm tháng nghèo khó như chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc", ông Đặng Thế Chăn - nguyên Trưởng bản Sinh Tàn - chia sẻ.

Những biệt phủ của người Dao giữa đại ngàn Thượng Cửu - Ảnh 7.

Cuộc sống bình yên của bản Sinh Tàn