Bảo đảm quyền lợi của phụ nữ trong phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

Hải Hoà (ghi)
01/12/2021 - 16:27
Bảo đảm quyền lợi của phụ nữ trong phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại nghị trường

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, chbo biết: "Dưới tác động của đại dịch Covid-19, việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của Việt Nam cũng trở nên khó khăn hơn...".

Năm 2021, Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát thứ tư của đại dịch Covid-19 với biến thể mới, tốc độ lây lan nhanh, mức độ xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, việc làm của người dân. Tính riêng trong Quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... 

Đặc biệt là lao động nữ, người thuộc nhóm yếu thế càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Thực tế cho thấy, phụ nữ chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch, như suy giảm thu nhập, bị hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn tài chính hay các dịch vụ xã hội, gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần... Chính vì vậy, rất cần quan tâm bảo đảm quyền lợi của phụ nữ trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của Việt Nam cũng trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, trong lĩnh vực lao động, việc làm, trong Quý III/2021, tỷ lệ không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên (21,5% so với 17,8%); thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần. Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu, áp lực về kinh tế và tinh thần trong đại dịch Covid-19 cũng dẫn đến xung đột quan hệ giới và làm gia tăng bạo lực gia đình.

Chính vì vậy, để duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được về bình đẳng giới của Việt Nam, chúng tôi đề nghị cần quan tâm tới các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực về kinh doanh, hỗ trợ cơ hội việc làm cho phụ nữ, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch; thúc đẩy quá trình chuyển đổi của phụ nữ từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức. Nhóm phụ nữ có sinh kế bấp bênh, phụ nữ lao động trong khu vực phi chính thức cần được hỗ trợ để họ có thể tiếp cận những việc làm thay thế, có nguồn tài chính ổn định giúp bảo đảm cuộc sống.

Cùng với đó, cần tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho phụ nữ, giúp họ phục hồi hoạt động kinh doanh, cải thiện sinh kế, vay vốn thoát nghèo, vượt qua giai đoạn khó khăn. Hỗ trợ đào tạo cho phụ nữ để kịp thời thích ứng với xu hướng số hóa, tận dụng được nền tảng số để tiếp cận cơ hội việc làm mới.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đã và đang được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trên cả nước tích cực thực hiện nhằm không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị, đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Hướng tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, từ thực tế địa phương, đơn vị, hãy chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và mong muốn của bạn về hướng đi của Hội thời gian tới trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 12/2021.

Mọi ý kiến xin gửi về tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua email: diendanbaopn@gmail.com

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm