Bà Tôn Nữ Thị Ninh: "Cần có các câu lạc bộ từ cấp xã chia sẻ kinh nghiệm tham chính cho phụ nữ"

Đinh Thu Hiền (thực hiện)
06/02/2021 - 08:00
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: "Cần có các câu lạc bộ từ cấp xã chia sẻ kinh nghiệm tham chính cho phụ nữ"

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM, nguyên Đại sứ Việt Nam tại EU và Bỉ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội

Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực bình đẳng giới, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, chúng ta còn nhiều vấn đề cần quan tâm nếu không muốn bị tụt hậu so với các nước. Trao đổi với PNVN trước thềm Xuân Tân Sửu 2021, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã có những chia sẻ về vấn đề này.

PV: Xin chào bà Tôn Nữ Thị Ninh, rất cảm ơn bà đã nhận lời trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam về đề tài đang được quan tâm: Bình đẳng giới và quyền năng phụ nữ. Bà đã từng đặt ra vấn đề, Việt Nam dẫn đầu hay chậm trễ trong lĩnh vực này? Vậy, xin phép hỏi bà: Việt Nam đang dẫn đầu hay chậm trễ?

Tôn Nữ Thị Ninh: Việt Nam đi trước nhưng nay đang về sau. Đi trước, vì chúng ta đưa bình đẳng giới vào Hiến pháp năm 1946, thời điểm đó sớm hơn nhiều so với các quốc gia châu Á khác. Phong trào bình dân học vụ năm 1945, phụ nữ và nam giới đều tham gia.

Tuy nhiên, hiện theo xếp hạng trong lĩnh vực bình đẳng giới, thì đáng buồn rằng, Việt Nam đã "thăng hạng" từ 42 (năm 2007) lên 87. Trong khi đó, Lào hiện nay lại ở vị trí thứ 43 trong lĩnh vực này. Đây là con số rất đáng suy nghĩ. Việt Nam dậm chân tại chỗ, các nước thì lại tiến nhanh hơn, do vậy ta đã bị tụt hậu. Chúng ta có nền kinh tế và kinh doanh phát triển hơn trước rất nhiều, trong đó phụ nữ tham gia và đóng góp nổi bật, nhưng việc tham chính của nhân sự nữ thì lại quá ít, đặc biệt ở kênh hành pháp!

Và vì vậy, theo ý kiến của tôi, cần nhìn nhận lại một cách tỉnh táo để tránh bệnh tự mãn.

PV: Bình đẳng giới, trước giờ luôn được hiểu cần phải để tâm và đối xử công bằng với giới nữ. Thưa bà, điều đó là đúng, là sai, hay là chưa đủ và cần bổ sung?

Tôn Nữ Thị Ninh: Cách đặt vấn đề này không hẳn sai nhưng chưa đủ và mang tính ứng phó. Chúng ta cần có cách nhìn chủ động hơn và mang tính hệ thống. Vì bình đẳng giới thể hiện sự phát triển của toàn xã hội, chứ không phải là chuyện của riêng chị em. Nên việc bất bình đẳng giới chính là sự kìm hãm sự phát triển của toàn xã hội.

Tôi không tán thành ai đó nói rằng, bình đẳng giới là câu chuyện của mấy bà, mấy chị. Hiểu như vậy là chưa được. Đây chính là việc phát triển quyền năng của tất cả mọi người. Vấn đề phải nhìn thẳng vào sự thật. Cần thay đổi tư duy, phải trao quyền cho phụ nữ, mạnh dạn bổ nhiệm phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo để chị em có cơ hội phát huy và thể hiện năng lực và bản lĩnh. Tôi khẳng định phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ 21 làm được. Và không nên giới hạn vị trí lãnh đạo của chị em chỉ ở 2 ngành là Y tế và Lao động-thương binh-xã hội, kiểu như "ốc đảo" dành cho nữ giới. Đặc biệt bên hành pháp, tôi thấy càng ngày càng ít "ghế" cho phụ nữ. Thật khó cho tôi, khi tôi trả lời cho truyền thông nước ngoài về vấn đề này.

Chúng ta vừa có 9 nữ bí thư tỉnh ủy, vậy tại sao lại không thể tính đến như trước đây, là có 3 nữ cấp Bộ trưởng! Lúc trước trong đường hướng vĩ mô cấp nhà nước đã từng đề cập tới vấn đề đề bạt, ưu tiên nữ. Vậy thì giờ chúng ta nói thì đã làm chưa?!

Tôi từng đề cập vấn đề tuổi nghỉ hưu dành cho nữ. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu đã và đang điều chỉnh. Nhưng vẫn có bất cập. Vì sao nam 62 tuổi - mà nữ lại 60 tuổi? Chênh lệch số tuổi không nhiều nhưng đó chính là tâm lý vẫn so sánh giới. Nghĩa là đàn ông là cần hơn cho xã hội hay sao?! Việc quy hoạch tuổi của phụ nữ được tiếp tục làm việc cũng ở tình trạng này, khác với nam giới. Phụ nữ sinh đẻ và nuôi con nhỏ, thì cần dành cho họ thêm thời gian để phát triển sự nghiệp. Chứ sao lại cắt ngắn cơ hội của họ như vậy! Nếu thật sự tạo điều kiện cho phụ nữ thì hãy cho chị em tự đăng ký tuổi nghỉ hưu giữa 55 và 62. Chị em phụ nữ không cần "chiếu cố" và dứt khoát nên loại bỏ từ này ra khỏi lĩnh vực bình đẳng giới.

Tạo cơ hội cho phụ nữ nhảy xuống nước, thì họ sẽ bơi tốt!

PV: Đã chứng kiến, trải nghiệm và theo dõi sự phát triển của xã hội Việt Nam trong nhiều thập niên, cá nhân bà cho rằng quyền năng của người phụ nữ có thực sự xây dựng được nền móng phát triển hay chưa? Và có hay không là vì lý do gì?

Tôn Nữ Thị Ninh: Khách quan, phụ nữ Việt Nam đã được tạo điều kiện tốt và thể hiện được năng lực của mình khi công cuộc đổi mới mở rộng ra không gian kinh tế tư nhân. Họ đã thực hiện công việc lãnh đạo trong kinh doanh rất ngoạn mục. Chị em đứng đầu lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tỉ lệ cao. Đường lối chủ trương đổi mới dù còn trong khuôn khổ và cơ bản nhất nhưng cũng mở ra không gian cho phụ nữ phấn đấu một cách mạnh dạn, chủ động, như tôi vừa trao đổi, đặc biệt trong kinh tế tư nhân.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: "Cần có các câu lạc bộ từ cấp xã chia sẻ kinh nghiệm tham chính cho phụ nữ" - Ảnh 2.

"Cần có các câu lạc bộ từ cấp xã chia sẻ kinh nghiệm tham chính cho phụ nữ", bà Tôn Nữ Thị Ninh cho biết

Tuy nhiên, ở cách nhìn khác, trong khu vực kinh tế công, phụ nữ chưa thật sự ngồi ở vị trí cao. Trong 12 tập đoàn nhà nước, trước đây tôi quan sát chỉ có 1 nữ là thành viên trong Hội đồng Thành viên của Vietnam Airlines. Thời gian sau, tôi kiểm tra lại thì thấy vị trí duy nhất này cũng đã không còn nữa.

Chẳng lẽ đây là "vùng cấm", là vùng có vẻ còn dành riêng cho nam giới?!

PV: Theo bà, phụ nữ Việt Nam đã đi qua giai đoạn "giỏi việc nước, đảm việc nhà", để hòa nhập dễ dàng hơn vào kỷ nguyên số hay vẫn cần yếu tố quan trọng này rồi uyển chuyển thay đổi cho đỡ "shock"?

Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi vừa nói các ý mang tính vĩ mô. Câu hỏi này tôi sẽ trả lời qua lăng kính của 1 người phụ nữ.

Vấn đề cần cân nhắc nhất ở điểm này, chính là yếu tố "đảm việc nhà". Nghĩa là ngay từ trong tư duy, nhiều người vẫn cho rằng công việc nhà và duy trì hạnh phúc gia đình cũng vẫn đổ lên vai người phụ nữ. Sống trên đời, ai cũng mưu cầu hạnh phúc, cả nam và nữ. Việc chỉ cho rằng người phụ nữ phải "đảm việc nhà" thì gia đình mới hạnh phúc cần phải định danh lại. Cả vợ lẫn chồng nên cho rằng, việc nhà phải thuộc về cả hai. Tôi cũng không chủ trương công việc nhà chia ra 50-50, như vậy thì quá cực đoan. Cuộc sống chứ không phải toán học. Đây là trách nhiệm chung, cả 2 vợ chồng phải cùng nhau vun vén. Khi người vợ sinh con, thì chồng cần làm việc nhà phụ giúp nhiều hơn, chứ đong đếm sao được. Khi người chồng đang học thi hoặc cần có giai đoạn tập trung cao điểm cho sự nghiệp, thì vợ cáng đáng việc nhà nhiều hơn. Như vậy, thì nên "cùng đảm việc nhà". Tôi nhấn mạnh là Cùng, chứ không phải Chia đôi.

Thực sự, phụ nữ cũng có sở trường khéo léo hơn, phù hợp hơn. Tuy nhiên, ai có sở trường nào thì cùng nhau thực hiện, có trách nhiệm chung, không ỉ lại. Tôi lấy ví dụ như anh trai tôi sống tại Paris, anh ấy nấu ăn rất ngon, còn vợ ảnh thì lại nấu không giỏi bằng. Bù lại, chị dâu tôi là người chăm sóc và sắp xếp gia đình rất ổn thỏa, nhà cửa lúc nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ. Cuộc sống chung trong gia đình, người này bổ sung cho người kia, sẽ trở thành một thể hoàn hảo.

PV: Giữa những xáo trộn rất mạnh mẽ, giữa các tác động khó tránh của thời số hóa, theo bà, người phụ nữ Việt Nam cần ứng phó thế nào trong việc gìn giữ nét Á Đông mà vẫn theo kịp sự biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc? Và người phụ nữ cần thể hiện ra sao, để "nửa thế giới" còn lại "tâm phục, khẩu phục", thưa bà?

Tôn Nữ Thị Ninh: Ngày nay nhiều khi có những trường đại học, phụ nữ lại đông hơn nam giới. Tôi quan sát, ở các thành phố, đô thị lớn, tỉ lệ nam - nữ học đại học số lượng ngang bằng nhau. Tuy nhiên thời nay, phụ nữ cần phải năng động hơn vào các ngành nghề khoa học công nghệ, trở thành các doanh nhân, chính trị gia có trình độ về khoa học công nghệ. Như vậy mới hiểu rõ được cách phát triển như vũ bão của thời đại số. Và tất nhiên, họ cũng cần mang hoài bão và tham vọng trong cuộc sống.

Tôi rất tôn trọng Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Sơn Kova, GS-TS Nguyễn Thị Hòe. Bà ấy là một trong những nữ giới làm khoa học, mang các lý thuyết từ phòng thí nghiệm ứng dụng thành công ra thực tế. Khoa học cần mang hơi thở cuộc sống và điều này thì cần bước thay đổi nhảy vọt. Tôi mong Việt Nam có nhiều chị em phụ nữ khác như GS Hòe.

PV: Là người phụ nữ có điều kiện tiếp cận với nhiều nền văn hóa văn minh trên thế giới, bà có sự đồng cảm như thế nào với cuộc sống của đa số người phụ nữ Việt trong nước? Tâm thế, tư duy nào của họ cần được bảo tồn, và những điều gì không nên cứng nhắc cố nắm giữ?

Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi cho rằng, các nhân tố về văn hóa vô cùng quan trọng, thể hiện trong lối sống đời thường, đặc biệt là trong các gia đình. Hiện giờ chúng ta đang đi vào hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt giới trẻ. Các cô gái được đi học tại các nước phát triển, đặc biệt ở phương Tây, thì việc hấp thụ sự văn minh tại các nền văn hóa này không có gì khó khăn. Văn hóa Việt Nam thì vốn cởi mở và uyển chuyển, nên cũng dễ dung nạp.

Nhưng, tôi thấy rằng cần phải dung hòa những điều hay, điều tiến bộ trên thế giới của xã hội phương Tây với việc xác định, khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam. Các tập tục xưa cũ, lạc hậu không nên duy trì nhưng các tập quán, lối sống, kiểu Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng mà đẹp và tốt thì phải giữ gìn và thích nghi trong khuôn khổ cuộc sống hiện đại.

Tôi coi các phim trên VTV thấy luôn mô tả cuộc sống mẹ chồng - con dâu mâu thuẫn nhau, theo motif rất cũ, tôi thấy không ổn chút nào. Tại sao lại cứ xoáy sâu vào mối quan hệ này theo cách nhìn rập khuôn đó, phương Tây họ coi thì họ sẽ thấy xã hội Việt Nam cổ lỗ quá, lạc hậu quá.

Từ chuyện này, chúng ta cần hiện đại hóa mối quan hệ giữa thế hệ trước và sau trong gia đình, trong cách khai thác của truyền thông và phim ảnh.

Như vậy thì quay trở lại gốc là giáo dục trong gia đình. Nhiều gia đình chỉ muốn cho con theo học quốc tế, việc đó là lựa chọn cá nhân, tôi không can thiệp. Nhưng thực sự đây không phải là chìa khóa đảm bảo một tương lai xuất sắc cho đứa trẻ. Tôi vẫn đùa rằng, đây là việc "học tiếng Anh giá cao".

Tôi đi thang máy, nhiều lần chứng kiến thấy 2 anh em trong gia đình hàng xóm nói chuyện hoàn toàn bằng tiếng Anh với nhau. Các con là người Việt (không phải Việt kiều), mà lại nói tiếng Anh với nhau trong giao tiếp hàng ngày mà cha mẹ không hề lên tiếng. Đây là sự dễ dãi của phụ huynh. Tôi cũng nghĩ không ít người dị ứng như tôi với hiện tượng cha mẹ tự "Việt kiều hóa" con cái mình.

PV: Câu hỏi cuối cùng, thưa bà, xã hội cần có các thay đổi như thế nào, từ các chính sách vĩ mô của nhà nước và phụ nữ Việt Nam cần nỗ lực thêm như thế nào, để người phụ nữ phát triển được tốt nhất quyền năng, cũng như sự đóng góp của họ cho sự phát triển trong 1 xã hội hiện đại?

Tôn Nữ Thị Ninh: Về mặt chính sách nhà nước trong việc sử dụng nhân lực nữ giới, tôi đã đề cập tới. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Sự quan tâm với nữ giới tại Việt Nam là cần ghi nhận.

Tuy nhiên trong văn hóa chính trị, thì nên tránh hình thức. Hình thức là đàn ông rất chăm tặng hoa phụ nữ ngày 8/3 và 20/10. Nhưng các giải thưởng dành cho phụ nữ làm khoa học giống như giải Kovalevskaia thì vẫn còn quá ít. Chúng ta cần có các câu lạc bộ để chị em từ cấp xã, huyện trở lên chia sẻ kinh nghiệm tham chính với nhau. Và xã hội cần mạnh dạn đề bạt phụ nữ, việc này hiện nay vẫn còn rất dè dặt...

Phụ nữ Việt Nam rất mạnh mẽ về năng lực và nghị lực, khách nước ngoài cũng thường nhận xét với tôi như vậy. Nhưng về cơ hội thì chưa đồng đều, chị em cần mạnh dạn hơn nữa. Chị em cần quan tâm thêm về tham chính chứ không chỉ hướng chủ yếu về kinh doanh. Ý này hiện ít người chú ý, đặc biệt là phụ nữ trẻ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm