Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (giữa) khẳng định, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội không đứng ngoài cuộc trước những vấn đề báo chí nêu lên. Ảnh: Trung Thành |
Tại Hội nghị giao ban công tác thông tin, tuyên truyền giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ngày 12/4, nhiều ý kiến của đại diện các tổ chức chính trị xã hội, lãnh đạo các tờ báo trong hệ thống Mặt trận đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tiễn để công tác thông tin, tuyên truyền đạt hiệu quả cao trong năm 2017.
Đánh giá về kết quả công tác phối hợp tuyên truyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII diễn ra tháng 3 vừa qua đã nhận được sự tuyên truyền sâu rộng của báo chí, đặc biệt là khối báo chí MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc tiêu cực, bức xúc được báo chí tập trung phản ánh như vấn đề khai thác cát trái phép, xâm hại tình dục trẻ em, lạm thu ở một số địa phương... khiến các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý đã củng cố niềm tin trong các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cũng nêu lên một thực tế là có những nơi thông tin từ cấp cơ sở phản ánh không kịp thời, chính xác, thậm chí cá biệt có nơi giấu thông tin dẫn đến sự việc không được cấp trên nắm bắt, xử lý kịp thời. Vì vậy, đề nghị MTTQ Việt Nam nghiên cứu có cơ chế để cán bộ cơ sở nắm và phản ánh thông tin.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung Thành |
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của lãnh đạo Trung ương các đoàn thể chính trị-xã hội và lãnh đạo các cơ quan báo chí đề cập tới sự khó khăn về kinh tế của các tòa soạn; việc không tuân thủ quy chế cung cấp thông tin cho báo chí, việc chậm trễ hoặc thờ ơ trong giải quyết các vụ việc báo chí nêu lên của các cơ quan chức năng...
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, thời gian qua, báo chí đã vào cuộc mạnh mẽ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhưng cần đánh giá chính quyền đã phản ứng như thế nào với những vấn đề báo chí nêu lên. Đối với những vụ việc mà báo chí phản ánh thì Mặt trận không thể đứng ngoài cuộc. Địa phương nào có hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí thì Mặt trận các cấp phải biết và phải cùng vào cuộc.
"Hàng tuần, Mặt trận các tỉnh/thành phải biết các báo viết về vụ việc ở địa phương báo đã đăng. Nếu chỉ có báo đăng mà không có người tác động xử lý thì vụ việc sẽ rơi vào im lặng. Mặt trận và các tổ chức thành viên cần tích cực tham gia các vụ việc này để giải quyết đến cùng hiện tượng báo chí phản ánh", Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.