Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn số 4894/BHXH-CSXH ngày 26/11/2018 hướng dẫn thực hiện điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ.
Công văn nêu: Thực hiện Nghị định số 153/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, BHXH Việt Nam gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân triển khai, tổ chức thực hiện một số nội dung như sau:
Đối với BHXH các tỉnh, thành phố
Thứ nhất, thực hiện điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định số 153/2018/NĐ-CP đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý, bao gồm các trường hợp đã được BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân giải quyết hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến trước ngày Nghị định số 153/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Thứ hai, tiến hành chi trả tiền truy lĩnh phần lương hưu chênh lệch tăng thêm giữa mức lương hưu trước và sau khi thực hiện điều chỉnh đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến trước ngày nhận lương hưu mới theo quy định tại Nghị định số 153/2018/NĐ-CP.
Thứ ba, lập báo cáo kết quả đối tượng được điều chỉnh và tổng quỹ chi trả lương hưu tăng thêm của năm trước theo Mẫu số 01-NĐ153, gửi đến Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) trước ngày 10/1/2019.
Đối với BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân
Thực hiện giải quyết điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định số 153/2018/NĐ-CP đối với trường hợp thuộc thẩm quyền quản lý bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân kịp thời phản ánh về BHXH Việt Nam để nghiên cứu, hướng dẫn.
Theo quy định tại Luật BHXH 2014, từ 1/1/2018, công thức tính lương hưu đối với cả lao động nam và lao động nữ đều thay đổi theo hướng tăng số năm đóng BHXH để đạt tỷ lệ lương hưu tối đa (75%). Luật quy định lao động nam sẽ tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng tối đa 75% từ đủ 30 năm lên đủ 35 năm; lao động nữ tăng từ đủ 25 năm lên đủ 30 năm. Theo BHXH Việt Nam, việc thay đổi này là phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo sát hơn nguyên tắc đóng - hưởng, hướng tới bảo đảm khả năng chi trả bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất.
Tuy nhiên, trong khi quy định này có lộ trình thực hiện đối với lao động nam thì lao động nữ lại không có lộ trình và áp dụng ngay từ 1/1/2018 dẫn đến có một số lao động nữ khi nghỉ hưu trong thời điểm này bị giảm tỷ lệ hưởng lương hưu từ 1 đến 10% so với thời điểm nghỉ hưu tại năm 2017.
Để đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ, ngày 7/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 153/2018/NĐ-CP quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng. Nghị định quy định cụ thể tỷ lệ điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ đã có thời gian đóng BHXH từ 20 năm đến dưới 30 năm. Mức điều chỉnh được áp dụng từ năm 2018 đến năm 2021.
Đối với lao động nữ đã bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến trước ngày được nhận lương hưu mới theo quy định tại Nghị định 153 thì được truy lĩnh phần lương hưu chênh lệch tăng thêm giữa mức lương hưu trước và sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định tại Nghị định này.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 12 năm 2018. Kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ được đảm bảo từ Quỹ bảo hiểm xã hội.