pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu trong chiến tranh”
Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên cùng Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận hiện vật từ các cựu chiến binh trao tặng
Sáng 22/12, nhân dịp Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, CLB Trái tim Người lính phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam, NXB Thanh niên đã tổ chức Lễ ra mắt Trái tim Người lính. Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết, Anh hùng LLVTND – Thiếu tướng Đào Trọng Hùng, Anh hùng LLVTND – Trung tướng Nguyễn Kim Quy cùng nhiều cựu chiến binh.
Tại sự kiện, hàng chục kỷ vật có giá trị đã được các tướng lĩnh và cựu chiến binh trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam . Có thể kể đến những lá thư trong thời chiến của Anh hùng LLVTND, Trung tướng Nguyễn Kim Quy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công an và phu nhân. Là cuốn sổ ghi chép những lá thư bố gửi con, thư tình, thư con gửi bố trong chiến tranh của gia đình bác sĩ quân y Ngô Thế Sơn. Là mảnh dù, ví thư của chồng thời chiến được PGS.TS Nguyễn Thị Phượng trao lại…
Cùng với trao tặng hiện vật, cuốn sách Trái tim Người lính (tập 1) cũng chính thức được ra mắt độc giả. Tác phẩm gồm hơn 40 bài viết của hơn 40 tác giả với chủ đề Tình yêu trong chiến tranh, góp phần làm sống lại nhiều số phận nhân vật những người lính đã đi qua đạn bom khói lửa.
Các hiện vật được trao tặng cùng với cuốn sách Trái tim Người lính là hoạt động tiếp nối Cuộc vận động viết và sưu tầm kỷ vật mang tên Tình yêu trong chiến tranh trong 3 năm (2020 - 2022) do CLB Trái tim Người lính và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp thực hiện. Đây là cuộc vận động được thực hiện với hình thức xã hội hóa theo ý tưởng đề xuất của Đại tá, nhà văn cựu chiến binh Đặng Vương Hưng nhằm phát hiện những câu chuyện hay, những mối tình đẹp, lãng mạn và cảm động trong kháng chiến dành độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền biên giới – hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng trong sự kiện được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào sáng 22/12, CLB Trái tim Người lính công bố thành lập Công ty CP Truyền thông Trái tim Người lính. Đây là động thái để CLB Trái tim Người lính hoạt động chính danh và hợp pháp; được phép tổ chức bản thảo, liên kết xuất bản sách tư liệu chiến tranh, được phép tổ chức các sự kiện Gặp mặt Đồng đội của các cựu chiến binh…
Ban Vận động "Trái tim Người lính" được thành lập vào tháng 12/2016. Từ đó, nhóm đã thực hiện nhiều hoạt động để "truyền lửa" cho các cựu chiến binh và thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Nhóm đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo khoa học Những lá thư thời chiến Việt Nam với Lịch sử, Truyền thống và Văn hóa dân tộc; tiến hành biên soạn và giới thiệu cuốn sách Những người đi giữ biên cương, cuốn sách Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) – Góc nhìn Báo chí… Đặc biệt là phối hợp với Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" tổ chức bản thảo bộ sách đồ sộ Nhật ký thời chiến Việt Nam.
Trái tim người lính cũng là tên một nhóm Diễn đàn trên mạng xã hội Facebook, được hình thành từ cuối năm 2019 và phát triển rất nhanh khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Hiện nhóm có hơn 40.000 thành viên với nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần, khắp mọi miền đất nước và cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhóm không chỉ kết nối các cựu chiến binh từ nhiều phía mà còn hướng tới các đối tượng là những nhà nghiên cứu, giáo viên phổ thông, những người trẻ tuổi, những người đã, đang, hoặc sẽ mặc áo lính; những người thân của lính, cùng những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới; nhằm góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng và ngoại giao nhân dân.
Một điều thú vị, trong các sự kiện "Gặp mặt Nhân chứng lịch sử" do nhóm Trái tim Người lính tổ chức thường có rất nhiều Tướng lĩnh, cán bộ cao cấp quân đội và công an được mời tham gia Hội đồng Cố vấn. Nhưng Ban điều hành chủ trương tôn vinh những người lính, nên nhóm thường trực đã quyết định không đeo quân hàm, để tất cả những cựu chiến binh đều cảm thấy bình đẳng như nhau.