Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

PV
13/12/2024 - 16:40
Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ là một trong những lễ hội xuân đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn.

Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ được ghi vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Nhằm phát huy và từng bước nâng tầm giá trị di sản văn hóa độc đáo này, những năm qua, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp tích cực.

Lễ hội xuân đặc sắc của xứ Lạng

Lạng Sơn nằm ở cửa ngõ phía Bắc Tổ quốc, là một địa phương tiêu biểu thuộc vùng văn hóa Đông Bắc Việt Nam. Trải qua thăng trầm lịch sử, Lạng Sơn hiện sở hữu kho tàng văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, chứa đựng nhiều nét độc đáo.

Song song với đó, Lạng Sơn còn sở hữu hệ thống đa dạng các danh lam thắng cảnh, các di tích tâm linh tín ngưỡng như núi Mẫu Sơn, chùa Tam Thanh, thành nhà Mạc, chùa Thành, đền Kỳ Cùng, đền Bắc Lệ...

Lạng Sơn hiện có 9 di sản đã được Bộ Văn hoá,Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia (trong đó phần lớn là những di sản của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Một trong số này là Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ- Ảnh 1.

Đoàn rước kiệu tại Lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ.

Lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng hàng năm, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ chính của lễ hội tập trung chủ yếu vào 2 ngày (22 và ngày 27 tháng Giêng), trong đó có lễ tế khai hội, đón rước và lễ an vị, lễ tạ. Đúng vào giờ Ngọ ngày 22 tháng Giêng, lễ rước kiệu đặt bát hương quan lớn Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng sang đền Tả Phủ được thực hiện trang nghiêm, long trọng. Đến ngày 27 tháng Giêng lại rước quan lớn Tuần Tranh về lại đền Kỳ Cùng.

Theo ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, mối liên hệ và sự gắn kết giữa 2 đền thông qua truyện kể về nỗi oan khuất của quan lớn Tuần Tranh được Hán quận công Thân Công Tài, chứng minh và giải oan. Vì vậy để báo đáp công ơn của Hán quận công Thân Công Tài, hằng năm trong dịp Lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Cùng, bát hương quan lớn Tuần Tranh được Nhân dân rước từ đền Tả Phủ (nơi thờ Hán quận công Thân Công Tài) để dự hội Đầu pháo và tạ ơn người giải oan.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ- Ảnh 2.

Nhiều người tham gia tranh cướp đầu pháo tại Lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ.

Đó chính là sự liên quan, gắn kết trong lễ hội truyền thống giữa 2 di tích đền Kỳ Cùng và đền Tả Phủ, tuy là 2 di tích nhưng có chung một lễ hội gọi là Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ hay Lễ hội truyền thống đền Tả Phủ - Kỳ Cùng.

Về phần hội, Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ bao gồm những nghi thức rước kiệu và các trò chơi, như: Cướp đầu pháo, cờ tướng, kéo co, đấy gậy, võ thuật, lễ hội ẩm thực, hát sli, lượn, quan họ... được diễn ra với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân và du khách thập phương.

Trong Lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ, đặc sắc nhất phải nói đến màn tranh cướp đầu pháo vào sáng ngày 27 tháng Giêng. Ông Dương Văn Biên, Phó Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, trước khi diễn ra lễ hội, đầu pháo sẽ được thờ cúng quanh năm theo đúng phong tục. Người dân quan niệm, nếu ai tranh được đầu pháo trong ngày hội mang về nhà thờ thì trong năm và cũng như những năm về sau, gia đình và dòng tộc sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt.

Bảo tồn gắn với phát triển du lịch

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, trên cơ sở xác định rõ lợi thế so sánh, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch, bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa bảo tồn di tích lịch sử văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế; tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cụ thể, những năm qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án và triển khai các hoạt động để phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, hướng dẫn các huyện, thành phố đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền sâu rộng nội dung các văn bản pháp luật như: Luật Di sản văn hóa Việt Nam; nghị quyết về bảo tồn, phát huy DSVH của tỉnh cùng nhiều văn bản liên quan khác đến cộng đồng dân cư để người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo tồn di sản văn hóa.

Từ năm 2016 đến nay, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang tiến hành triển khai thực hiện gần 20 dự án, đề án bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Tiêu biểu là các loại hình như: Lễ hội, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, các làn điệu dân ca truyền thống…

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ- Ảnh 3.

Tỉnh Lạng Sơn chú trọng đến việc bảo tồn các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể thường xuyên được lưu giữ, trao truyền và phát huy giá trị. Nhờ đó đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có 9 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc được quan tâm đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo riêng biệt, thu hút du khách khi đến Lạng Sơn. Trong đó phải kể đến nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch thường xuyên được tổ chức hằng năm trên địa bàn tỉnh.

Đối với Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ, trong những năm qua, ngành Văn hóa và chính quyền các cấp trong tỉnh Lạng Sơn đã có một số giải pháp bảo tồn và phát huy như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực di tích, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ di tích; tham mưu lập và thực hiện "Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ"; bảo quản tu bổ, phục hồi một số di tích: Đền Kỳ Cùng, đền Cửa Đông, đền Cửa Tây, đình Vằng Khắc, đền Mẫu Thoải… gắn với việc duy trì các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa tâm linh tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng.

"Việc phục dựng và duy trì Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, nhất là thế hệ trẻ, đồng thời tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với Xứ Lạng…", ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Minh chứng là trong khoảng 5 năm trở lại đây, không chỉ du khách trong tỉnh mà rất nhiều du khách ngoài tỉnh và khách quốc tế đã lựa chọn Lạng Sơn là địa điểm trải nghiệm dịp đầu năm. Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, ước tính tổng lượng du khách đến Lạng Sơn đạt trên 760.000 lượt, (tăng 13,3% so với cùng kỳ 2023), trong đó khách quốc tế đạt 22.000 lượt, khách trong nước đạt 739.000 lượt, doanh thu ước đạt 539 tỷ đồng, (tăng 15,7% so với cùng kỳ 2023).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm