Gia Lai: Phục dựng lễ hội bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch

Gia Hân
11/12/2024 - 12:46
Gia Lai: Phục dựng lễ hội bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch

Lễ cưới truyền thống của người Jrai được tái hiện tại quảng trường Đại Đoàn Kết (Gia Lai)

Việc tổ chức phục dựng, tái hiện các lễ hội, nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai không chỉ giúp hồi sinh những giá trị văn hóa mà còn trở thành nguồn lực quý báu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khi thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn (DTTS) với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đời sống văn hóa tinh thần của các DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai như được tiếp thêm được nguồn sinh khí mới.

Cụ thể, thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các địa phương tổ chức phục dựng, tái hiện hàng chục nghi lễ truyền thống của đồng bào các DTTS như: Lễ mừng lúa mới, Lễ mừng nhà rông mới, Lễ cúng bến nước, Lễ cầu mưa, Lễ bỏ mả, Lễ cưới truyền thống… Việc bảo tồn và phát huy các nét văn hóa đặc sắc này đã trở thành động lực để thu hút du khách, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương. Nhờ đó, các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ được gìn giữ mà còn trở thành nguồn lực quý báu để phát triển kinh tế - xã hội.

Để các nghi lễ được tái hiện với vẻ nguyên sơ vốn có từ ngàn đời nay, các già làng, trưởng thôn đã huy động sự tham gia của các thành viên trong làng, hướng dẫn dân làng chuẩn bị đầy đủ các lễ vật và trực tiếp thực hiện các nghi lễ. Vì vậy, khi được tham gia tái hiện nghi lễ, các thành viên đều cảm thấy tự hào với nguồn cội văn hoá của dân tộc mình.

Một trong những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo luôn được đồng bào Jrai đặc biệt coi trọng chính là lễ cúng mừng nhà rông mới. Theo quan niệm của người Jrai, nhà rông là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng chung của cộng đồng. Nhà rông không chỉ là nơi sinh hoạt, hội họp, lễ hội của cả cộng đồng mà còn là chốn linh thiêng, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh.

Già làng Siu Nú (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai) cho hay: "Ở các ngày hội của tỉnh, các nghệ nhân của làng đã tham gia phục dựng nhiều nghi lễ, trong đó có lễ mừng nhà rông mới - một trong những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo luôn được đồng bào Jrai đặc biệt coi trọng. Lễ mừng nhà rông mới có ý nghĩa cảm tạ thần linh đã luôn giúp đỡ dân làng, mong khi về nhà rông mới, thần sẽ tiếp tục phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, bình an".

Gia Lai: Phục dựng lễ hội bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch- Ảnh 1.

Nghi thức cúng nhà rông mới được thực hiện dưới mái nhà rông làng Plei Ốp.

Theo già làng Siu Nú, lễ vật để cúng nhà rông mới bao gồm: Cây nêu, thịt heo, thịt gà, cơm lam, rượu ghè... Theo phong tục của đồng bào Jrai, bước đầu tiên của nghi lễ mừng nhà rông mới là phải dựng cây nêu trước nhà rông. Tiếp đó, thầy cúng làm lễ dưới nhà gần chân cầu thang của nhà rông. Đây là lễ xua đuổi thần xấu, thần không tốt còn bám trên cây gỗ để làm nhà.

Sau khi cúng dưới nhà, thầy cúng và già làng lên nhà rông bàn bạc các công việc, bà con trong buôn tiếp tục chuẩn bị các lễ vật cho lễ cúng. Khi lễ vật đã chuẩn bị xong, thầy cúng cầu xin Yàng tiếp tục giúp đỡ để cả cộng đồng được mạnh khỏe, bình yên và có những mùa vụ sắp tới tốt tươi.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND phường Hoa Lư (Pleiku, Gia Lai) cho biết: "Việc tổ chức phục dựng các nghi lễ truyền thống của cộng đồng dân tộc Jrai có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Từ các sự kiện phục dựng, người dân có cơ hội quay lại, thực hành các nghi thức, lễ hội có nguy cơ mai một. Qua đó, thế hệ trẻ sẽ được tận mắt nhìn thấy, cảm nhận về một phần văn hóa của dân tộc, thêm yêu mến, có ý thức giữ gìn những nét riêng độc đáo của văn hóa truyền thống".

Nếu như lễ mừng nhà rông mới có ý nghĩa cảm tạ thần linh đã luôn giúp đỡ dân làng thì lễ cưới truyền thống của người Jrai lại phản ánh vai trò của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ và thể hiện nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người Jrai. Các nghi lễ, nghi thức trong lễ cưới có những quy ước rất chặt chẽ. Theo đó, người con gái Jrai khi đến tuổi trưởng thành thường chủ động tìm cho mình một chàng trai để yêu thương, gắn bó. Sau lễ cưới, chú rể sẽ đưa cô dâu mới về thăm nhà chồng vài ngày để làm tròn bổn phận dâu con trong gia đình… Sau đó cả hai vợ chồng mới xin phép đưa nhau về ở hẳn bên nhà vợ. 

Theo truyền thống của người Jrai, chàng trai sẽ ở rể nhà vợ và con cái sẽ theo họ mẹ. Hôn nhân của người Jrai không đơn thuần chỉ là việc kết duyên của đôi lứa mà còn mang tính nhân văn, truyền thống đạo lý của dân tộc, giáo dục về tình nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc. Qua đó góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong xã hội hiện đại và cả các thế hệ mai sau.

Gia Lai: Phục dựng lễ hội bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch- Ảnh 2.

Chương trình phục dựng Lễ cúng bến nước của đồng bào Ba Na ở huyện Kbang (Gia Lai).

Ông Nguyễn Xuân Hà - Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin TP Pleiku (Gia Lai) thông tin: "Trong những dịp tổ chức ngày hội văn hoá du lịch, thành phố đã tổ chức cho đồng bào các làng DTTS phục dựng lại một số nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Qua việc tổ chức phục dựng các nghệ nhân, các già làng, trưởng thôn có dịp trao truyền lại cho lớp trẻ những kiến thức, nghi lễ phục dựng các lễ hội. Trong quá trình phục dựng, các nghệ nhân cố gắng giữ nguyên bản sắc văn hoá dân tộc, để quảng bá và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm