Bất bình đẳng giới ảnh hưởng lớn đến phụ nữ các vùng dân tộc thiểu số

11/07/2019 - 15:40
Khảo sát quốc gia về kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số đã chỉ rõ rằng bất bình đẳng trong các nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) còn lớn và tồn tại dai dẳng. Vùng DTTS đang gặp phải những vấn đề giới nghiêm trọng hơn so với các vấn đề giới nói chung ở Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc làm và thu nhập, chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản.

Ngày 11/7, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến rà soát quốc gia về 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện toàn diện nhất của thế giới về bình đẳng giới và trao quyền của phụ nữ. Hội thảo tập trung ưu tiên đóng góp những vấn đề bất bình đẳng giới đối với người dân tộc thiểu số.

 
 
2.jpg
Hội thảo đóng góp ý kiến rà soát quốc gia về 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh

 

Khảo sát quốc gia về kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số đã chỉ rõ rằng bất bình đẳng trong các nhóm DTTS và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh còn lớn và tồn tại dai dẳng. Vùng DTTS đang gặp phải những vấn đề giới nghiêm trọng hơn so với các vấn đề giới nói chung ở Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc làm và thu nhập, chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản. Tình trạng tảo hôn và bạo lực gia đình tại vùng DTTS vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong cộng đồng người DTTS, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực, do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ, giới hạn họ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình. Sự đan xen của nhiều hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính và dân tộc có ảnh hưởng phổ biến nhất.
 
Trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc với nguyên tắc “Không bỏ ai ở lại”, những vấn đề DTTS và bình đẳng giới ở vùng DTTS rất cần được quan tâm đặc biệt. Do đó, tiếng nói và sự tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số và các bên liên quan trong triến trình chuẩn bị báo cáo quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong quá trình rà soát tại Việt Nam.
 
1.jpg
Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh phát biểu

  

Tại hội thảo, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh phát biểu: “Là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề dân tộc thiểu số, chúng tôi mong muốn các thành tựu, khó khăn và thách thức trong việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số sẽ được phản ánh đầy đủ trong báo cáo quốc gia, qua đó đóng góp vào việc xác định những ưu tiên của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam”.
 
Năm 2020, thế giới sẽ kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và 5 năm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã có kế hoạch đệ trình báo cáo quốc gia đến Liên hợp quốc năm 2019 để tích cực tham gia vào rà soát kiểm điểm cấp vùng châu Á-Thái Bình Dương sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam xây dựng báo cáo 25 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, UN Women tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng, thực thi và giám sát thực hiện các chính sách luật pháp về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm