Bất bình đẳng giới trong tuyển dụng tại Trung Quốc

09/11/2018 - 16:37
Theo các nhà nghiên cứu về bình đẳng giới, nữ công chức Trung Quốc phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, quấy rối tình dục và 1/5 thông tin tuyển dụng trong nước đều chỉ rõ công việc “chỉ dành cho nam giới”.

Tổ chức Giám sát nhân quyền cho thấy, 19% các thông tin tuyển dụng trong danh sách tuyển dụng công chức dân sự năm 2019 chính phủ Trung Quốc vừa được ban hành đều nêu rõ ưu tiên hoặc yêu cầu người ứng tuyển là nam giới.

Các thông tin tuyển dụng này thường viết như “công việc thường xuyên phải làm thêm giờ”, “khối lượng công việc lớn” và “phải đi công tác thường xuyên”, đây đều là lý do khiến người ửng tuyển nữ thường bị loại.

Giám đốc của Tổ chức Giám sát nhân quyền tại Trung Quốc, Sophie Richardson, cho biết: “Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố duy trì luật pháp Trung Quốc, nhưng chính quyền của ông thậm chí không bảo vệ phụ nữ khỏi sự phân biệt đối xử thái quá. Chính quyền Trung Quốc cần chấm dứt điều này trong việc tuyển dụng công chức dân sự ngay lập tức”.

bat-binh-dang-gioi-trong-tuyen-dung-tai-trung-quoc.jpg
Tổ chức Giám sát nhân quyền đã chỉ ra sự bất bình đẳng giới trong tuyển dụng tại Trung Quốc

Phong trào đấu tranh bình đẳng giới #MeToo đã làm rung chuyển xã hội Trung Quốc. Theo bà Richardson: “Phụ nữ Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với những rào cản không công bằng khi tham gia vào dịch vụ dân sự, mà còn bị quấy rối tình dục khi làm việc trong khu vực đó. Chính phủ Trung Quốc cần gửi một thông điệp rõ ràng đến lực lượng lao động của mình rằng hành động quấy rối tình dục sẽ không được tha thứ”.

Tổ chức Giám sát nhân quyền cũng đã tìm thấy rất nhiều bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc và các diễn đàn trực tuyến, nơi các nữ công chức giấu tên kể về việc họ bị quấy rối tình dục và mong nhận được lời khuyên về cách đối phó với việc bị quấy rối tình dục, đặc biệt là khi người quấy rối là cấp trên.

“Tôi đang bị quấy rối tình dục bởi thư ký trong đơn vị của tôi. Có cách nào giúp tôi khiến anh ta bị sa thải không? Tôi đã làm việc rất chăm chỉ để có được công việc này… Tôi không muốn bỏ việc vì loại người như thế này. Một trong những người nên bị xa thải lại là lãnh đạo”, một nữ công chức phàn nàn về tình trạng quấy rối.

Chính phủ Trung Quốc đã công bố danh sách các vị trí tuyển dụng dân sự năm 2019 vào tháng 10 vừa qua. Đây đều là những vị trí có mức độ cạnh tranh cao nhất cả nước do được trả lương khá tốt và có nhiều đặc quyền khác. Hơn 1,4 triệu người đã đăng ký tham dự kỳ thi tuyển vào cuối năm nay để giành chưa tới hơn 14.500 vị trí tuyển dụng.

Trong số gần 10.000 thông tin tuyển dụng trong danh sách trên, Tổ chức Giám sát nhân quyền phát hiện có tới 14% thông tin xác định ưu tiên người ứng tuyển là nam giới và 5% xác định người ứng tuyển là nam giới.

Một ví dụ được trích dẫn bởi Tổ chức Giám sát nhân quyền là thông tin tuyển dụng tại Cục Quản lý Dịch vụ Bưu điện Thiên Tân liên quan đến “giám sát và quản lý ngành bưu chính”. Thông tin này nếu rõ, người ứng tuyển “cần thực hiện công việc giám sát và thực thi pháp luật và chịu được khối lượng công việc lớn, phù hợp với đàn ông. ”

Bên cạnh đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền cũng chỉ ra không có bất kỳ thông tin tuyển dụng nào ưu tiên hoặc yêu cầu ứng viên phải là nữ.

Trong một báo cáo vào tháng 4 về phân biệt giới trong thông tin tuyển dụng ở Trung Quốc, Tổ chức Giám sát nhân quyền đã báo cáo, 13% thông tin tuyển dụng trong danh sách tuyển dụng dân sự năm 2017 và 19% trong danh sách này năm 2018 chỉ định người ứng tuyển phải là “nam giới”, “ưu tiên nam giới” hay “phù hợp với nam giới”.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thứ hạng bình đẳng giới của Trung Quốc đã giảm từ vị trí thứ 57 vào năm 2008 xuống vị trí 100 vào năm 2017.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm