pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bất động sản chưa hết ảm đạm, hàng loạt nhân sự ngành nghề phụ trợ mất việc, giảm thu nhập
Ảnh minh họa
Giải tán công ty, giám đốc chật vật đi xin việc làm thuê
Trần Thu Phương là giám đốc của một công ty chuyên về marketing - truyền thông trong lĩnh vực bất động sản. Giai đoạn trước dịch Covid-19, công ty có hơn 20 nhân sự. Thời điểm đó, cả ê-kíp làm ngày đêm không hết việc.
Với vai trò là giám đốc, chị Phương đảm nhận việc thương thảo, lấy hợp đồng về, chỉ đạo triển khai kế hoạch marketing. Một dự án lớn với mức đầu tư cả nghìn tỉ đồng, chi phí marketing - truyền thông thường cả chục tỉ đồng. Công ty của chị Phương bao gồm các nhân sự phụ trách thiết kế, chụp ảnh, làm content chạy Facebook, quay phim dựng clip, viết bài quảng cáo báo chí, quan hệ báo chí truyền thông, quan hệ khách hàng...
Năm 2020, chị Phương phải từ chối vài dự án do không đủ sức để làm, liên tục phải tuyển thêm nhân sự. Với 1 dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, 1 dự án tại Hòa Bình, sau khi thực hiện xong, công ty của chị thu về 4 tỉ đồng. Giai đoạn dịch, dự án vẫn còn, vẫn chạy, tất cả các nhân sự làm việc online nhưng vẫn duy trì cường độ cao. Mỗi nhân sự khi đó nhận mức lương từ 15 đến 30 triệu đồng và khi kết thúc dự án còn được thưởng thêm vài chục triệu.
Tuy nhiên, sau giai đoạn dịch, khoảng từ cuối 2021 trở đi, thị trường bất động sản rơi vào ảm đạm. Hàng loạt các dự án bất động sản đình trệ, hiếm dự án mới được triển khai, công ty của chị Phương không còn việc để làm. Một vài dự án gọi, chị Phương mang hồ sơ đi làm việc với khách hàng và sau đó bị ăn cắp ý tưởng. Có những thương vụ tưởng "khớp" được đến nơi, phía chị Phương đã giảm giá hết mức với mục đích "lấy việc về để làm" thì phút cuối khách hàng báo tạm dừng do dự án vướng pháp lý, thiếu hụt dòng tiền nên không triển khai nữa. Không có việc, không có nguồn thu, chị Phương buộc phải cắt giảm lương của toàn bộ nhân sự trong ê kíp của mình.
Tình trạng kéo dài qua hơn 2 năm, nữ giám đốc còn thiếu hụt cả tiền thuê văn phòng, liên tục phải bỏ tiền túi ra chi trả. Cuối năm 2023, chị buộc phải thông báo công ty sẽ tạm dừng hoạt động. "Nhân viên của mình, người về đi làm quảng cáo Tik Tok, người đi làm content thuê... Tất cả động viên nhau cố gắng, khi nào thị trường ấm trở lại, lại có dự án thì mình sẽ gọi lại để làm. Ngay cả mình, sau đó cũng mang hồ sơ đi xin việc, mà rất khó kiếm việc với vị trí quản lý cùng độ tuổi của mình, nhiều bên đã cắt giảm nhân sự marketing - truyền thông trong thời gian qua", chị Phương chia sẻ.
Nhân sự nhiều ngành nghề liên quan đến bất động sản mất việc
Thị trường bất động sản ảm đạm kéo theo sự khó khăn cho rất nhiều những ngành nghề liên quan.
Lĩnh vực nào cũng có những công ty hoặc nhân sự chuyên biệt, quen mặt quen việc, nhiều quan hệ. Chị Ngọc Linh là một "bầu sô" quen thân của chị Phương và các đơn vị làm truyền thông bất động sản. Với các sự kiện ra mắt, động thổ xây dựng, mở bán, chị Linh sẽ thầu lại gói làm sự kiện, bao gồm hàng loạt các công việc, hạng mục: thiết kế, xây dựng sân khấu, âm thanh loa đài, gọi MC, ca sĩ, người mẫu... Trước đây, mỗi tháng chị Linh có 1-2 show kiểu này, chạy không hết việc. 2 năm trở lại đây, chị Phương không có việc, và chị Linh cũng lâm vào tình trạng không có show. Chị cho biết, vẫn hay gọi các em sinh viên ngành truyền thông đi làm thêm thời vụ, chạy sự kiện để có thêm kinh nghiệm lẫn thu nhập, nhưng hiện tại rất ít việc để làm.
Một ca sĩ có tiếng cho biết: "Giai đoạn trước, tôi liên tục có các show đi hát tại các sự kiện liên quan đến bất động sản. Các show diễn ra khắp cả nước, đôi khi tôi đi biểu diễn kết hợp với nghỉ dưỡng luôn. Hai năm trở lại đây, không hiểu thị trường này thế nào nhưng không còn thấy có show kiểu này nữa, cũng bị giảm thu nhập khá nhiều".
Anh Tạ Đức làm giám đốc một công ty chuyên về vệ sinh, làm đẹp, hoàn thiện cảnh quan cho các công trình xây dựng. Lĩnh vực ngách này trước đây làm không hết việc, lúc cao điểm nhất anh Đức phải tuyển thêm vài chục nhân sự. "Năm ngoái, không có công trình, không còn tiền, tôi buộc phải cho nghỉ nhiều nhân sự đã gắn bó với mình lâu năm. Đặc điểm của bên tôi là nhiều lao động chân tay, có những cô những chú già rồi, giờ mất việc, họ không biết phải làm gì. Tôi vẫn giữ liên lạc, có chú thì đi xin làm tạm bảo vệ công trình xây dựng, lương rất thấp; có cô về đi phụ vữa, bốc gạch, vất vả mà thu nhập thấp lắm. Nghe họ nói, tôi rất áy náy, mà mình cũng chẳng biết phải làm sao. Tiền công trình đã hoàn thiện cho mấy bên từ các năm trước, hiện tôi vẫn chưa đòi được", vị giám đốc chia sẻ.
Anh Hồ Hoàng Hải được biết đến là tấm gương khởi nghiệp với mái hiên di động và thương hiệu ảnh kỹ thuật số Phú Thành trước đây. Sau đó, doanh nghiệp của anh Hải chuyển qua lĩnh vực chiếu sáng các công trình xây dựng, tòa nhà cao tầng. Anh Hải chia sẻ, đã 2 năm qua anh đau đầu với việc duy trì doanh nghiệp, đi đòi nợ nhiều bên vẫn chưa được. Doanh nghiệp của anh cũng phải thu hẹp hoạt động trong giai đoạn khó khăn này.