pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bất động sản TPHCM vẫn thiếu hụt nguồn cung, phân khúc cao cấp lên ngôi

Thị trường bất động sản Quý 2/2025 còn nhiều khó khăn khi nguồn cung tiếp tục thiếu hụt. (Ảnh: Khánh Ly/Vietnam+)
Trong buổi họp báo ngày 16/7, Savills Việt Nam công bố thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh trong quý 2/2025 tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, đặc biệt ở phân khúc nhà ở giá vừa túi tiền.
Theo Savills Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ghi nhận 1.600 căn hộ chung cư mới trong Quý 2/2025, tăng 38% so cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng nguồn cung chỉ đạt 6.800 căn, thấp hơn 24% so với mục tiêu 235.000 căn giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, phân khúc cao cấp chiếm ưu thế 100% dự án mới ra mắt thuộc phân khúc cao cấp (giá từ 90 triệu đồng/m²), khiến thị trường mất cân đối. Điển hình là các dự án như: The Metropole Thủ Thiêm, Empire City tăng giá 10-20% nhờ vị trí đắc địa và hạ tầng đồng bộ. Trong khi đó, phân khúc nhà ở xã hội "đóng băng” với 4.100 căn nhà ở xã hội được xây dựng từ 2021-2025, đạt 11.7% kế hoạch, khiến người thu nhập thấp khó tiếp cận thị trường.

Số liệu thống kê cho thấy thị trường được cải thiện về nguồn cung nhưng không đáng kể. (Ảnh: Khánh Ly/Vietnam+)
Đối với phân khúc bất động sản thương mại, được đánh giá là ổn định nhờ hạ tầng và FDI. Trong đó, tổng nguồn cung văn phòng đạt 2.9 triệu m², tỷ lệ lấp đầy 88% nhờ nhu cầu từ ngành công nghệ, tài chính. Giá thuê trung bình 43.000 đồng/m²/tháng, dự kiến tăng nhẹ khi các dự án hạng A gia nhập thị trường cuối năm 2027. Bán lẻ cho thuê đạt 1.6 triệu m², tỷ lệ lấp đầy 93%. Các thương hiệu quốc tế như Zara, H&M mở rộng hoạt động, phản ánh sự phục hồi của tiêu dùng nội địa.
Cũng theo Savills Việt Nam, phân khúc khách sạn và căn hộ dịch vụ phục hồi khá chậm, công suất phòng chỉ đạt 60%, thấp hơn Hà Nội (72%) do lượng khách quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn. Giá phòng trung bình 77 USD/đêm, tập trung ở phân khúc 4-5 sao. Tỷ lệ lấp đầy căn hộ dịch vụ là 80% với giá thuê 20 USD/m²/tháng, hưởng lợi từ dòng vốn FDI (2,7 tỷ USD vào Thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2025).
Thị trường thành phố Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn "lưỡng cực" khi phân khúc cao cấp tăng trưởng mạnh nhờ hạ tầng và FDI, trong khi nhà ở giá rẻ gần như biến mất. Để phát triển bền vững, thành phố cần đẩy nhanh cải cách hành chính và cân bằng cơ cấu sản phẩm, đặc biệt ưu tiên nhà ở xã hội và trung cấp. Với làn sóng đầu tư hạ tầng (metro, vành đai) và sáp nhập địa giới hành chính, triển vọng dài hạn vẫn được giới chuyên gia đánh giá tích cực.