Bắt giữ 80 người và thu hơn 3.000 liều vaccine Covid-19 giả bằng nước muối

PV
02/02/2021 - 18:05
Bắt giữ 80 người và thu hơn 3.000 liều vaccine Covid-19 giả bằng nước muối
Cảnh sát Trung Quốc đã ập vào một số địa điểm ở thủ đô Bắc Kinh và nhiều thành phố khác ở các tỉnh Giang Tô và Sơn Đông, thu giữ hơn 3.000 liều vaccine Covid-19 giả. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 80 người, xóa sổ các cơ sở gia công và tiêu thụ thuốc giả.

Bộ Công an Trung Quốc đã phát động một chiến dịch đặc biệt nhằm truy quét việc sản xuất, buôn bán trái phép vaccine giả mạo, buôn lậu, tiêm chủng bất hợp pháp và các tội phạm khác liên quan đến vaccine. Vụ triệt phá vừa rồi là kết quả hành động phối hợp của các đơn vị cảnh sát đến từ nhiều địa bàn khác nhau gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và tỉnh Sơn Đông.

Hoạt động phi pháp bắt đầu từ tháng 9/2020. Những kẻ bất lương đã bơm nước muối sinh lý thông thường vào các lọ thủy tinh để làm vaccine giả và bán với giá cao. Tuy không công bố số lượng vaccine giả có thể đã được đưa đi tiêu thụ nhưng cảnh sát Trung Quốc khẳng định, đã truy được các địa điểm mà những vaccine này được đưa đến.

Các đối tượng được cho là có ý định tuồn vaccine giả ra nước ngoài để tiêu thụ. Theo Global Times, có thể các nghi phạm bị bắt còn có kế hoạch đưa vaccine sang châu Phi trước đây nhưng không rõ làm cách nào họ có thể rời được Trung Quốc.

Trung Quốc - vaccine Covid-19 - vaccine giả

Tiêm vaccine Covid-19 ở Trung Quốc

Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường năng lực sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Cảnh sát Trung Quốc sẽ trừng phạt mạnh các vụ phạm tội liên quan đến việc sản xuất và bán vaccine giả, cũng như thủ đoạn bán thuốc trái phép và gian lận dưới vỏ bọc vaccine.

Người dân ở Trung Quốc được yêu cầu cảnh giác cao độ và chỉ nên tiêm vaccine tại các trung tâm tiêm chủng được cấp phép, cũng như báo ngay cho cơ quan chức năng về các trường hợp lừa đảo.

Kể từ khi dịch bùng phát hồi cuối tháng 12/2019, Trung Quốc đã bắt giữ hàng nghìn đối tượng có hành vi phạm pháp trong thời gian dịch bệnh như lan truyền thông tin giả mạo hoặc không tuân thủ quy định phòng dịch.

Nguồn: Xinhua, Global Times
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm