Bất thường vụ ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên: Đột ngột hủy biện pháp khẩn cấp tạm thời

27/05/2019 - 12:13
Như PNVN đã thông tin, vừa qua, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có văn bản gửi một số cơ quan chức năng, đề nghị xem xét bản án sơ thẩm của TAND TPHCM về vụ ly hôn của vợ chồng bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Nhìn lại quá trình thụ lý xét xử vụ án ly hôn này, có thể thấy nhiều điểm bất thường.

Trước đó, bà Thảo có đơn kêu cứu gửi nhiều nơi vì cho rằng cấp sơ thẩm có nhiều sai sót, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của mình. Các sai sót của cấp sơ thẩm không chỉ diễn ra trong những ngày xét xử công khai, mà còn cả quá trình kể từ ngày tòa án này thụ lý vụ kiện. Vậy đâu là căn cứ để bà Thảo tố cáo TAND TPHCM vi phạm trong suốt quá trình thụ lý vụ án này?

Cuối năm 2013, sau khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ kết thúc 49 ngày thiền định và nhịn ăn tại trang trại M’drak (Đắk Lắk), Tập đoàn Trung Nguyên bắt đầu rơi vào vòng xoáy kiện tụng với nhiều biến cố.

Đầu tiên vào tháng 4/2015, Tập đoàn Trung Nguyên đột ngột ra quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Tập đoàn này. Quyết định bãi nhiệm đó đã đẩy bà Thảo ra khỏi cương vị của người đồng quản lý và điều hành của Tập đoàn.

 

a1.jpg
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo

 

Cũng từ thời điểm này, mọi hoạt động hàng ngày của Trung Nguyên đều được ông Vũ ủy quyền cho cấp dưới quản lý. Sự bất thường này làm dấy lên những hoài nghi về năng lực hành vi của ông Vũ cũng như sự thao túng của thế lực khác nhằm vụ lợi khối tài sản của Trung Nguyên.

Cuối năm 2015, với lý do để bảo vệ Tập đoàn và tài sản của gia đình, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nộp đơn xin ly hôn đối với ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Sau đó, TAND TP HCM đã phân công thẩm phán Nguyễn Thành Vinh thụ lý vụ án.

Thông qua việc xin ly hôn, bà Thảo đã đề nghị Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời: “Cấm thay đổi hiện trạng, giữ nguyên cơ cấu tổ chức quản lý điều hành tại các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên; và Cấm chuyển dịch, tặng cho đối với số cổ phần đứng tên ông Vũ tại các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên cho đến khi có quyết định khác của Toà án” để nhằm ngăn chặn sự thất thoát, bảo vệ tài sản, sản nghiệp của gia đình.

 

b11.jpg
HĐXX sơ thẩm vụ án này

Thế nhưng sau này, không hiểu vì lý do gì mà TAND TP HCM đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời nói trên, từ đó làm phát sinh những sự việc nghiêm trọng.

Từ việc thay đổi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, các tranh chấp bắt đầu diễn ra ngày càng phức tạp và cũng từ đó một nhóm người lấy danh nghĩa ông Vũ đứng tên cổ đông lớn đối với số lượng cổ phần thuộc sở hữu chung của vợ chồng Trung Nguyên, người đại diện theo pháp luật của các công ty trong Tập Đoàn Cà phê Trung Nguyên nhằm loại bỏ bà Thảo ra khỏi các chức danh quản lý, điều hành tại các công ty trong Tập Đoàn và liên tục có nhiều hành vi xâm phạm đến hoạt động bình thường của các công ty trong Tập Đoàn Cà Phê Trung Nguyên, gây thiệt hại đến khối tài sản chung của hai vợ chồng bà Thảo.

Tiếp đó, vào đầu tháng 05/2017, mặc dù không thuộc những trường hợp phải thay đổi người tiến hành tố tụng nhưng TAND TP HCM vẫn quyết định thay đổi thẩm phán giải quyết vụ kiện (từ thẩm phán Nguyễn Thành Vinh sang thẩm phán Nguyễn Văn Xuân). Việc thay đổi này không được thông báo cho các bên đương sự. Bất thường nữa là thẩm phán Xuân đã nhận bàn giao hồ sơ từ thẩm phán Vinh một cách rất gấp gáp trong vòng 2 giờ đồng hồ, nghĩa là chưa đến một ngày và chưa kịp đọc hồ sơ, nhưng ngay sau đó đã đã vội vàng ban hành Quyết định số 207 để tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện.

Về phía bà Thảo chỉ nhận được thông tin từ Luật sư của bà tại Singapore thông báo vào ngày 05/5/2017 TAND TP HCM có ban hành quyết định số 207/2017/QĐST-TĐC do thẩm phán Nguyễn Văn Xuân ký với nội dung tạm đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn vì lý do: “Cần đợi kết quả giải quyết của Toà án Tối cao nước cộng hoà Singapore vụ kiện số HC/S 1206/2015 về việc xác định quyền sở hữu số cổ phần và quyền tài sản tại Công ty Trung Nguyên International (Singapore)”.

Quyết định số 207 này đã được phía ông Vũ nhận và nộp cho Toà án Tối cao Singapore ngay trong sáng thứ 2 ngày 08/5/2017, trong khi đó đến tận sáng ngày 17/5/2017, người nhà của bà Thảo mới nhận được bản photo của Quyết định với những khác biệt cả về nội dung và hình thức một bất thường như: Bản Quyết định photo bà Thảo nhận chỉ có 2 trang, trong khi đó Quyết định do phía ông Vũ nhận có 3 trang. Tại phần cuối Quyết định được dán các con tem thể hiện ngày giờ cũng khác (Quyết định photo thì đề ngày “08/05/2017 14:18”, còn Quyết định phía ông Vũ nhận lại đề “05/05/2017 15:38”).

Theo tố cáo của bà phía Thảo, Quyết định số 207 do thẩm phán Nguyễn Văn Xuân ký một cách không rõ ràng, bất minh, mang tính vội vàng, không đúng căn cứ quy định tại Điều 214 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Vì tại thời điểm đó, vụ kiện số HC/S 1206/2015 về việc xác định quyền sở hữu số cổ phần và quyền tài sản tại Công ty Trung Nguyên International (Singapore) đã được Toà án Tối cao nước Cộng hoà Singapore giải quyết bằng quyết định số HC/ORC 6254/2015 ngày 11/8/2016 về việc đình chỉ xét xử giải quyết cho đến khi có phán quyết cuối cùng của vụ kiện ly hôn đang được xét xử tại Việt Nam…

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm