Bầu cử Tổng thống Pháp: Căng thẳng tới phút chót

06/05/2017 - 22:08
Căng thẳng, bất ngờ và gay cấn là đặc điểm nổi bật bao trùm toàn bộ những gì diễn ra trước vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp ngày 7/5 giữa ứng cử viên độc lập theo đường lối trung lập Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen.
Kể từ khi hai ứng cử viên chính thức lọt vào vòng 2 đó là khoảng thời gian của những diễn biến đầy căng thẳng, bất và gay cấn do tính chất sống còn của chặng cuối cuộc đua. Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy ông Macron đang dẫn trước. Trong số những người dự định đi bỏ phiếu, có 63% cho biết sẽ bầu cho ông. Còn tỷ lệ ủng hộ bà Le Pen thấp hơn so với ông Macron, khoảng 26%. Tuy nhiên, trong trường hợp tỷ lệ cử tri đi bầu thấp, cuộc cạnh tranh được cho là sẽ sát sao, do bà Le Pen có được nền tảng ủng hộ chắc chắn hơn so với đối thủ Macron.
emmanuel-macron-marine-le-pen-1.jpg
Sự đối đầu gay cấn giữa hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen
Ứng cử viên Emmanuel Macron nổi lên như một nhân vật mới theo đường lối trung dung của Pháp. Chính sách đối nội của ông dựa trên việc phủ nhận những đối kháng trước đây trong chính trường Pháp. Ông chủ trương đường lối kinh tế - xã hội tự do. Về đối ngoại, ông cam kết Pháp ở lại Liên minh châu Âu (EU). Thời gian qua, ứng cử viên Macron đã nhận được sự ủng hộ của nhiều lãnh đạo chính quyền đương nhiệm, lãnh đạo nhiều đảng phái cùng những ứng cử viên tổng thống bị loại tại vòng 1.

Tuy nhiên, cuộc chiến nhằm chinh phục lá phiếu cử tri đối với ông Macron không hề đơn giản trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy mà đảng Mặt trận quốc gia (FN)  của bà Le Pen là đại diện đang mạnh lên tại châu Âu và nhiều nơi trên thế giới. Ngoài ra, những chính sách của ông Macron còn bị coi là một "bản sao" của Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande và chính phủ hiện tại, vốn bị đánh giá là hoạt động kém hiệu quả. Do đó, mọi dự đoán đều cho rằng Emmanuel Macron sẽ trở thành Tổng thống mới của Pháp nhưng cơ hội của bà Le Pen vẫn còn nguyên.
emmanuel-macron-marine-le-pen-3.jpg
Ông Emmanuel Macron
Nhanh chóng từ chức Chủ tịch đảng FN để "toàn tâm toàn ý" cho cuộc đua, nữ ứng cử viên Le Pen đã có nhiều quyết định và việc làm thể hiện mình là người dẫn dắt nhịp độ cuộc đua, khiến đối thủ Macron, người giành số phiếu nhiều hơn tại vòng 1, nhiều phen bị bất ngờ, thậm chí có phần rơi vào tình thế bị động. Những động thái đó khiến cuộc đua ngày càng trở nên gay cấn, căng thẳng và hồi hộp.
Bằng kinh nghiệm chính trường, bà Le Pen đã có sự khởi động hoàn hảo ngay từ phút đầu, với trọng tâm tập trung vào nhóm đối tượng cử tri là người lao động, vốn bị bỏ rơi trong quá trình toàn cầu hóa và ít được nhắc đến trong các tranh luận và phát biểu trước truyền thông của các ứng cử viên trong suốt nhiều tháng qua. Hình ảnh bà Le Pen trò chuyện thân mật với công nhân, ca ngợi những người đã dám “kháng cự lại quá trình toàn cầu hóa hỗn loạn” đã góp phần "ghi điểm" cho bà Le Pen trong mắt người lao động.
emmanuel-macron-marine-le-pen-2.jpg
Bà Le Pen được công nhân lao động ở nhà máy Whirpool đón nhận
Bà cũng ký thỏa thuận liên minh với ông Nicolas Dupont-Aignan, Chủ tịch đảng Nước Pháp đứng lên (DLF), nguyên ứng cử viên tổng thống Pháp với cam kết sẽ bổ nhiệm ông này làm Thủ tướng nếu bà chiến thắng tại vòng 2. Đằng sau thỏa thuận liên minh này, rõ ràng bà Le Pen muốn tranh thủ cử tri đã bỏ phiếu cho ông Dupont-Aignan tại vòng 1.
 
Liệu sẽ có một cú lội ngược dòng như đã từng xảy ra trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 năm ngoái khi ông Donald Trump thắng áp đảo dù mọi dự đoán trước đó đều nghiêng hẳn về phía đối thủ Hillary Clinton? Trong cuộc điều tra của tổ chức IFOP đầu tháng 4/2017, khoảng 30% cử tri trẻ trong lứa tuổi 18-24 có ý định bầu cho bà Marine Le Pen. Sự thay đổi lớn này bắt nguồn từ các biến động xã hội sâu sắc tại Pháp trong hơn một thập kỷ qua. Kinh tế khó khăn, thất nghiệp tràn lan, tình trạng phân biệt đô thị-ngoại ô, các mâu thuẫn về tôn giáo, sắc tộc… khiến giới trẻ Pháp trở nên thờ ơ hơn với chính trị và nếu có quan tâm thì lại mang nhiều ác cảm với các đảng phái chính trị truyền thống vốn bị dán mác là cũ kỹ, giáo điều và bảo thủ. Tiếp đến, ngày 23/4 vừa qua có đến 51% cử tri trong lứa tuổi 18-24 bỏ phiếu cho Jean Luc Melenchon và Marine Le Pen, một ứng cử viên cực tả và một ứng cử viên cực hữu.
marine-le-pen.jpg
Bà Marine Le Pen liệu có lội ngược dòng?
 Từ sau ngày 23/4, bất chấp mọi chỉ trích và đi ngược cả với thói quen không khoan nhượng bao năm qua với Marine Le Pen và đảng FN, thủ lĩnh đảng “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélenchon liên tục từ chối đưa ra khuyến nghị các cử tri ủng hộ mình nên bỏ phiếu cho ai. Chiến thuật “ni-ni” (không người này-không người kia) của Mélenchon tạo nên một ẩn số khó lường cho vòng 2. Các cuộc thăm dò và phân tích cho thấy, đa số đảng viên và cảm tình viên của đảng “nước Pháp bất khuất” không ủng hộ Emmanuel Macron và lại nằm trong số nhóm cử tri dễ bị FN lôi kéo nhất. Vì thế, bất cứ kịch bản nào trong chuỗi “không ủng hộ - không đi bỏ phiếu – bỏ phiếu trắng – bỏ phiếu cho Marine Le Pen” đều mang lại rủi ro lớn cho Macron. Một phép tính đơn giản: Jean-Luc Mélenchon đã giành đến 20%, tương đương gần 7 triệu phiếu bầu ở vòng 1 và chỉ cần 1/2 số này chuyển lá phiếu cho Marine Le Pen, khoảng cách an toàn hiện nay giữa Macron với Le Pen sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
 
Trong một xã hội đang có rất nhiều đổ vỡ và dịch chuyển dữ dội ở tầng lớp bình dân như nước Pháp, chiến lược gieo rắc sự sợ hãi và tức giận của Marine Le Pen có thể sẽ mang lại kết quả bất ngờ. Bà Le Pen đang tiến gần tới nhiệm kỳ tổng thống Pháp hơn bao giờ hết khi bà nắm bắt sự thất vọng ngày càng tăng đối với toàn cầu hóa và nhập cư của các cử tri thuộc tầng lớp lao động. Ngay cả khi bà thua cuộc, bà dường như cũng sẽ trở thành một nhân vật đối lập quyền lực trong nền chính trị Pháp trong chiến dịch bầu cử quốc hội sắp tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm