pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bé 4 tuổi mắc bệnh hiếm viêm đa rễ dây thần kinh sau điều trị viêm họng 10 ngày
Bệnh nhi bị viêm đa rễ dây thần kinh thì tay và chân mất phản xạ
Ngày 4/12, bác sĩ Nguyễn Đức Long, Khoa Cấp cứu (Trung tâm Sản Nhi, BV Đa khoa Phú Thọ) cho biết, BV vừa tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Anh T. (4 tuổi, quê huyện Phù Ninh, Phú Thọ) bị viêm đã rễ dây thần kinh. Đây là bệnh rất hiếm gặp và bệnh nhi là trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc bệnh này mà BV đã gặp.
Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng yếu 2 chân, hai chi trên bình thường; bệnh nhi tỉnh táo, không sốt, nhịp tim đều tuy nhiên vận động, đi lại rất khó khăn.
Gia đình cho biết, trước đó bệnh nhi bị viêm họng và đi điều trị tại một cơ sở y tế. Tuy nhiên, sau khi điều trị viêm họng 10 ngày, bệnh nhi xuất hiện tình trạng trên kèm theo biểu hiện ăn, nuốt kém nên gia đình đưa đến BV thăm khám.
Tại BV, sau khi thăm lâm sàng và tổng hợp kết quả điện cơ, phân tích dịch não tủy và chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị mắc hội chứng Viêm đa rễ dây thần kinh. Hiện tại, bệnh nhi đang được theo dõi và điều trị tại BV.
Theo bác sĩ Long, viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính là một bệnh tự miễn do tự thân cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại cơ thể, chống lại các tế bảo thần kinh cơ làm yếu cơ, liệt cơ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp, sặc phổi do rối loạn chức năng nuốt, hay do các rối loạn thần kinh thực vật nghiêm trọng.
Mặc dù cho đến nay nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được xác định rõ nhưng bệnh thường xuất hiện sau tình trạng nhiễm khuẩn vài ngày hoặc vài tuần do vi khuẩn, virus hoặc sau dùng một số thuốc, sau can thiệp ngoại khoa…
Các biểu hiện sớm của bệnh thông thường là rối loạn cảm giác tê và ngứa các vùng da kèm theo yếu hoặc liệt vận động tăng dần từ 2 chân hoặc tứ chi, đi lại khó khăn. Đồng thời bệnh nhân có thể bị đau cơ, rối loạn thị lực, liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt), nhắm mắt không kín, ăn uống rơi vãi, khó nuốt, dễ bị sặc khi ăn uống. Nặng hơn là các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật đòi hỏi sự đánh giá tỉ mỉ của các bác sĩ.
Để điều trị hội chứng bệnh này, các bác sỹ phải dùng thuốc đặc trị để trung hòa kháng thể chống lại chính tế bào cơ thể. Khi qua được giai đoạn nguy hiểm, đa số các trường hợp đều hồi phục hoàn toàn sau 6 tháng đến 1 năm, tuy nhiên, khoảng 10% các trường hợp để lại di chứng về vận động hoặc cảm giác.
Bác sĩ Long cũng cho biết, việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa quan trọng cho khả năng hồi phục của bệnh. Do đó, ngay khi bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện, triệu trứng bệnh như tê, ngứa các vùng da kèm theo yếu hoặc liệt vận động tăng dần từ 2 chân hoặc tứ chi, đi lại khó khăn, ăn uống rơi vãi, khó nuốt, dễ bị sặc khi ăn uống,…người bệnh cần đến khám tại các chuyên khoa thần kinh hoặc hồi sức cấp cứu để được chẩn đoán điều trị kịp thời.