Bé trai bị ném bom xăng ở Bình Dương sẽ phải chịu di chứng nặng nề

Nguyệt Minh
29/05/2020 - 17:56
Bé trai bị ném bom xăng ở Bình Dương sẽ phải chịu di chứng nặng nề
Bé Nguyễn Thành C. (3 tuổi) - một trong những nạn nhân trong vụ ném bom xăng ở Bình Dương có thể sẽ phải chịu những di chứng nặng về sau, nhất là sẹo co rút vùng bàn tay, bàn chân.

Liên quan đến sức khỏe của hai bé trai là nạn nhân trong vụ ném bom xăng ở xảy tại khu nhà trọ ở phường Thuận Giao (TP. Thuận An, Bình Dương), vào ngày 28/5, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã tiến hành cắt lọc cắt mô da hoại tử cho bé Nguyễn Thành C. (3 tuổi). Dự hậu của bé là còn phải tiếp tục cắt lọc và ghép da nếu vết phỏng tiến triển xấu hơn.

Ngoài ra, các di chứng sau này, nhất là sẹo co rút vùng bàn tay, bàn chân sẽ là một thách thức đối với y bác sĩ và bản thân bé cùng gia đình.

Trước đó, vào ngày 18/5, C. và anh trai là Nguyễn Thành Đ. (9 tuổi) bị bỏng xăng nặng, được nhập vào Khoa cấp cứu và chuyển sang Khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị tích cực. Bé Đ. có nhiều vết phỏng, chiếm khoảng 10% diện tích cơ thể. Bé đã bình phục và xuất viện sau hơn 1 tuần điều trị.

Bé trai bị ném bom xăng ở Bình Dương sẽ phải cắt lọc mô da hoại tử và ghép da - Ảnh 1.

Bé Công có thể còn phải tiếp tục cắt lọc và ghép da nếu vết phỏng tiến triển xấu hơn.

Trong khi đó, bé C. bị bỏng ở vùng mặt, 2 tay, 2 chân và vùng bụng với diện tích khoảng 25% với mức độ phỏng sâu độ II gây đau đớn và nhiễm trùng nặng.

Theo gia đình bệnh nhân, C. gặp nạn ngay trong đêm sinh nhật 3 tuổi của mình. Từ ngày nhập viện, mỗi đêm bé chỉ ngủ chập chờn được 1-2 tiếng, còn lại bé thường quấy khóc vì đau.

Phỏng là một chấn thương đối với da và mô do nhiều nguyên nhân, trong đó phỏng do nhiệt (lửa) là một những loại bỏng nặng. Điều trị phỏng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết bỏng.  Các biến chứng thường gặp nhất của bỏng thường liên quan đến nhiễm trùng và sẹo co rút.

Trung bình mỗi ngày, Khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận 3-5 ca bỏng ở nhiều mức độ khác nhau và thường xuyên thực hiện các ca cắt lọc, ghép da bỏng điều trị cho các bệnh nhi.

Có những trường hợp sau cắt lọc phải truyền máu, truyền dịch, có những trường hợp bỏng quá nặng, bệnh nhi không qua khỏi, có những trường hợp có di chứng co rút sau bỏng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm