Nguyễn Thuý Kiên, 33 tuổi, ở Hà Tĩnh buồn bực tâm sự: “Thật sự chuyện không to tát gì, nhưng đến hôm nay tôi vẫn rất ức chế, cảm thấy bị tổn thương kinh khủng khi bị bố chồng xông vào tát và đấm tới tấp con dâu, trước mặt con gái tôi hôm ấy. May có chồng tôi ở nhà can ngăn kịp thời, không thì không biết tôi sẽ ra sao?”.
Thuý Kiên kể: Tôi về làm dâu ông bà 6 năm nay. Vợ chồng tôi có một con gái 5 tuổi. Con bé sinh thiếu tháng nên hay ốm yếu, thường phải đi viện. Nhất là thời gian 3 năm đầu đúng là một hành trình vật lộn nuôi con thơ khổ ải. Tiền lương công nhân của 2 vợ chồng tôi dường như đều nướng vào bệnh viện và thuốc thang cho con bé. Thương con, 2 vợ chồng tôi ra sức chăm sóc con, để nó có sức khoẻ, bớt đi những trận đau ốm. Nhưng từ khi con lớn hơn, đỡ bệnh tật hơn thì con lại vô cùng lười ăn. Con đi mẫu giáo, lớp nào cô cũng kêu ca, phàn nàn chuyện con khó ăn. Cứ ăn là ngậm lúng búng trong mồm, nhất định không chịu nhai, nuốt.
Vợ chồng tôi bế con đi khám dinh dưỡng, thuốc bổ, thuốc kích thích các kiểu, để con bớt sài đẹn, còi cọc và chịu ăn hơn, nhưng đâu vẫn đóng đấy. Nếu không đôn đốc, quát tháo thì con nhịn luôn cũng được.
Hôm ấy, cũng như thường ngày, chồng tôi bón cho con gái ăn, sau một hồi nịnh con, quát con, nó vẫn mãi không chịu nuốt. Cả giờ đồng hồ, con chỉ ăn được vài miếng cơm. Quá sốt ruột, tôi bảo chồng đi ăn cơm, để tôi bón nốt cho con.
Tôi cũng vẫn phải vừa nịnh, vừa dỗ, vừa quát, con bé mới được vài thìa cơm. Bực mình lấy cái roi để cạnh, thi thoảng đập đập xuống sàn nhà, cạnh chỗ con ngồi để đe con phải ăn nhanh hơn, nhưng con bé khóc ré lên, oẹ hết chỗ cơm vừa ăn ra nhà. Quá bực mình, tôi tát con một cái rồi bảo: “Con không chịu ăn mà ốm ra lại phải đi bệnh viện, bố mẹ hết tiền nuôi con rồi. Con giờ đã lớn, sắp đi học lớp 1 rồi, sao ăn uống phải có người xúc cho, mà vẫn không chịu nuốt?”.
Đang mắng con, thì bố chồng tôi từ trên gác xuống lôi con bé ra sau ông, vừa tiện tay tát tôi một cái trời giáng và bảo: “Mày nuôi dạy cháu tao kiểu gì vậy? Sao có bát cơm cho con bé ăn mà mày không làm nổi thì làm mẹ làm gì?”.
Thấy tôi choáng váng vì cái tát của bố, chồng tôi đang ngồi ở bàn uống nước gần đó chạy ra can ngăn, giữ tay ông lại, nhưng ông càng nóng hơn, cố xông tới đấm đá túi bụi vào tôi: “Mày còn dụ dỗ cả con trai tao bênh mày thì hôm nay tao đánh cho mày nhừ đòn luôn. Có mỗi đứa con không nuôi nổi, làm khổ cả nhà tao…”.
Nước mắt tôi chan chứa, con gái tôi chứng kiến ông đánh mẹ, nó sợ quá ôm chân bố khóc gọi: “Mẹ ơi, bố ơi…”, khiến tôi càng đau nhói con tim. Mẹ chồng tôi cũng chạy xuống nói thêm: “Mày thấy chưa? Mày thấy mày dại chưa? Động vào cháu nội ông ấy thì không xong đâu?”.
Tôi quá uất ức, tôi là mẹ nó, đẻ nó ra, nhẽ nào tôi không xót con tôi? Nghe mẹ chồng nói, tôi vùng chạy ra cổng, mẹ chồng tôi nói theo: “Mày giỏi thì cuốn xéo luôn, bố chồng dạy bảo mà còn làm mình làm mẩy…, dễ vợ chồng mày muốn làm loạn cái nhà này à?”.
Chồng tôi chạy theo túm tay vợ lại: “Em không phải đi đâu cả, cứ lên phòng để anh nói chuyện với bố mẹ sau”. Tôi không muốn quay lại nhìn bố mẹ chồng lúc này, nên cứ thế bắt xe ôm về nhà bố mẹ đẻ, cách nhà chồng 20 km ngay tối hôm ấy”.
Hôm sau, chồng tôi về nhà ngoại xin lỗi bố mẹ vợ vì chuyện xảy ra, xin lỗi vợ… Gia đình bên ngoại động viên 2 vợ chồng tôi nên thuê nhà ra ngoài sống một thời gian. Vậy là 2 vợ chồng đi tìm nhà trọ, rồi chồng tôi về đón con gái đến ở.
Có lẽ bố mẹ chồng tôi nghĩ, 2 vợ chồng tôi chỉ giận dỗi bỏ nhà đi ít hôm, nhưng cả tháng không thấy vợ chồng tôi quay về, ông bà thi thoảng tìm tới nhưng không phải để thăm con cháu, mà tiếp tục chửi bới, hạ nhục con dâu: “Mày là loại con dâu mất nết. Ngoài kia đầy đứa bị chồng đánh gần chết, bị đuổi đi cũng không dám bỏ đi. Đằng này bố mẹ chồng mới dạy bảo, mày đã lên mày lên mặt với nhà chồng…”.
Chồng tôi nhiều lần kéo mẹ vào nhà, để không làm ầm ĩ hàng xóm, nhưng bà cứ đứng ở cổng chửi bới. Lần nào chồng tôi cũng động viên vợ, đừng suy nghĩ nhiều và bỏ qua cho ông bà già khó tính. Tôi thực sự biết chồng con rất yêu thương mình, rất muốn gia đình hoà thuận, êm ấm, nhưng nghĩ đến những câu nói của bố mẹ chồng, đến trận đòn hồi nọ, tôi lại khó chịu, ấm ức vì bị tổn thương ghê gớm.
Vì thương chồng con, tôi không muốn anh cứ phải đứng giữa cuộc chiến của bố mẹ và vợ, tôi đã cố gạt mọi buồn bực sang một bên để chăm sóc cho mái ấm nhỏ của mình. Có thể, một ngày nào đó, bố mẹ chồng tôi hiểu hơn, sẽ có những suy nghĩ nhẹ nhàng hơn với con cháu, để cả đại gia đình được vui vẻ, sống hoà thuận bên nhau.