Bệnh đái tháo đường - "Sát thủ" thầm lặng của phụ nữ mang thai

An Khê
23/11/2024 - 09:42
Bệnh đái tháo đường - "Sát thủ" thầm lặng của phụ nữ mang thai

Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Hoàng Bảo (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) tư vấn cho người bệnh

Mang thai ở tháng thứ 2, chị Bùi Thị Lệ (31 tuổi, ở tỉnh Hưng Yên) đã tăng 8kg so với tháng đầu tiên. Được người nhà động viên “ăn cho 2 người”, chị ăn uống thoải mái. Chị Lệ luôn có cảm giác thèm ăn, khát nước, đi tiểu nhiều lần trong ngày nhưng lại được người quen giải thích rằng, điều đó là bình thường, là biểu hiện của “nghén ăn”.

Đến tháng thứ 4 của thai kỳ, chị Lệ mới đến bệnh viện khám và siêu âm thai. Lúc này, chị bị sốc khi bác sĩ cho biết, chị đã mắc đái tháo đường.

Theo bác sĩ Chuyên khoa I. Lê Hoàng Bảo (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), số ca bệnh đái tháo đường tại Việt Nam đang tăng nhanh chóng và trở thành một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại. 

Ước tính, có khoảng 5 triệu người tại Việt Nam mắc đái tháo đường, trong đó đa số thuộc tuýp 2. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) dự báo đến năm 2045, con số này có thể tăng lên đến 7,7 triệu người, nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Theo đánh giá của WHO, đái tháo đường đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt ở khu vực đô thị, nơi lối sống và chế độ ăn uống thiếu lành mạnh góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh. 

Đối với phụ nữ, theo ước tính, khoảng 5%-7% phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành ở Việt Nam mắc đái tháo đường. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh có thể cao hơn ở nhóm tuổi từ 45 trở lên và những người có yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Việt Hà (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội) cho biết, bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt; đồng thời làm tăng nguy cơ sảy thai và thai chết lưu, tăng tỉ lệ sinh mổ và trẻ có thể cần được chăm sóc đặc biệt sau sinh bởi sức đề kháng yếu. 

Tuy nhiên, nếu biết cách kiểm soát tốt đường huyết trước và trong khi mang thai, phụ nữ mắc đái tháo đường có thể sinh con khỏe mạnh. Trong thai kỳ, thai phụ bị đái tháo đường nên có một chế độ ăn đặc biệt để có thể kiểm soát tốt lượng đường trong máu mà vẫn có thể đảm bảo thai nhi được phát triển khỏe mạnh. 

Chế độ ăn này cần được tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị và chuyên gia tư vấn dinh dưỡng. Lưu ý, nên ăn một lượng protein vừa phải, ăn nhiều chất xơ, hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo và không nên ăn ngọt. 

Bên cạnh đó, thai phụ cần chú ý không được bỏ bữa sáng, hãy chia tổng lượng thức ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ, khoảng 6 bữa/ngày và không ăn quá nhiều vào bữa chính. Nếu đường huyết cao, có thể chọn các loại gạo giàu chất xơ hơn như gạo lứt, yến mạch thay cho cơm trắng.

Phụ nữ trong thời gian mang thai sẽ phải tăng cân nhưng chỉ nên tăng ở mức độ vừa phải. Trước khi có ý định mang thai thì nên giảm cân nếu đang trong tình trạng thừa cân, béo phì. Những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với bà bầu sẽ giúp điều tiết lượng đường huyết rất tốt. Mỗi ngày nên dành 15-20 phút để tập thể dục.

Trong thời gian mang thai, cơ thể thường xuyên mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi, không nên làm việc quá sức. Trong trường hợp chế độ ăn và tập luyện chưa giúp mẹ bầu kiểm soát tốt lượng đường trong máu, có thể điều chỉnh bằng việc bổ sung insulin định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Thai phụ bị đái tháo đường cũng cần được theo dõi cẩn thận và thường xuyên thực hiện những xét nghiệm để biết rõ tình hình sức khỏe của mẹ và thai nhi, kịp thời đưa ra những giải pháp khi xảy ra bất thường. 

Một chế độ ăn uống cân bằng là "chìa khóa" để kiểm soát bệnh đái tháo đường thai kỳ đúng cách.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm