Những thói quen của cha mẹ làm hư con

31/07/2015 - 17:14
Nhiều bậc cha mẹ mong muốn giúp đỡ và bao bọc con mình, song trên thực tế việc làm của họ lại dễ làm hư trẻ.

Không giao việc nhà cho con

Ngay từ khi con đang ở độ tuổi chập chững biết đi, cha mẹ đã có thể dạy trẻ biết chịu trách nhiệm bằng cách tự dọn dẹp đồ chơi của mình. Dần dần, trách nhiệm của trẻ sẽ tăng lên tùy theo độ tuổi. Dọn giường, cho thú cưng ăn, sắp xếp và lau dọn bàn ăn khi con còn nhỏ và lúc trẻ lớn hơn thì có thể giúp đỡ cha mẹ cọ rửa nhà vệ sinh, lau chùi cửa sổ…

Có thể nói, làm việc nhà ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ ý thức được về trách nhiệm, hình thành tính cách đúng đắn và sẽ là hành trang cho trẻ tiến bước xa hơn để trở thành công dân biết tuân thủ pháp luật, biết bảo vệ mội trường, sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Vì thế, nếu cha mẹ không giao việc nhà cho con sẽ hình thành trong trẻ thói quen ỷ lại, lười nhác.

Quyết định thay trẻ

Một người phụ nữ chia sẻ rằng con gái chị đã phàn nàn là mẹ quá nghiêm khắc. Con bé kể, bạn bè của cháu được phép chọn lựa những bộ phim mà chúng muốn xem, những kiểu váy chúng thích mặc… trong khi mẹ cháu thì luôn can thiệp và đưa ra ý kiến của mình trong tất cả những việc như vậy. Vậy người mẹ ấy có thực sự quá nghiêm khắc không?

Giúp đỡ và bao bọc con mình trên thực tế lại dễ làm hư con. Ảnh minh họa

Trên thực tế, tâm lý chung của các bậc cha mẹ là vậy. Họ sợ con mắc phải sai lầm khi tự quyết định một mình nên luôn dõi theo và tham gia ý kiến, thậm chí đôi khi là quyết định thay con hoàn toàn. Tuy nhiên, đây không phải là một ý tưởng tốt. Chúng ta cần cho phép con cái được chủ động lựa chọn nhiều hơn đối với những vấn đề ít quan trọng, ví dụ vấn đề không liên quan đến sự an toàn hay khiêm tốn. Ở độ tuổi “giao thời” giữa trẻ con và trẻ vị thành niên, con bạn cần không gian và cơ hội để tự mình tìm hiểu, khám phá cuộc sống. Có thể trẻ sẽ mắc sai lầm nhưng chính nhờ thế, trẻ sẽ trưởng thành hơn. Trẻ cần sự tự chủ và chính cha mẹ sẽ quyết định xem con mình có thể tự chủ ở mức nào theo mỗi quá trình phát triển.

Quá tự do

Ngược lại, nếu để con “tự bơi” trong thế giới đầy cám dỗ bằng cách cho trẻ quá nhiều sự tự do cũng là một phương pháp nuôi dạy con không tốt. Trẻ cần các quy tắc và ranh giới. Thực tế, trẻ cảm thấy an toàn hơn trong một môi trường có ranh giới. Dù có tỏ ra khao khát tự do và tự chủ đến đâu đi chăng nữa thì trẻ thực sự vẫn cảm thấy sợ hãi, mất phương hướng khi được trao cho quá nhiều sự tự do. Bằng trực quan, trẻ luôn hiểu rằng chúng cần có sự hướng dẫn và chỉ bảo của người lớn.

Ít dõi theo trẻ

Bạn không nên để con đang ở độ tuổi chập chững biết đi tha thẩn đi lại mà không có sự giám sát của người lớn. Với trẻ lớn hơn và trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên, mặc dù đã có thể bảo vệ mình tốt hơn nhưng chúng vẫn cần một phạm vi an toàn. Nếu không được yêu cầu báo cáo về những nơi lui tới thì trẻ có thể cảm thấy rằng bố mẹ không quan tâm tới những gì trẻ đang làm.

Biết con đang giao lưu với ai và ở đâu sẽ giúp chúng ta yên tâm hơn, đồng thời đảm bảo rằng trẻ không liên quan đến việc gì mờ ám. Phụ huynh có thể giải thích với con rằng sự an toàn của trẻ là ưu tiên hàng đầu với cha mẹ.

Thiếu bài học đồng cảm

Trẻ em vốn luôn tự cho mình là trung tâm của thế giới và sự quan tâm dành cho người khác là một phẩm chất chỉ có được nhờ học tập. Khi sự quan tâm luôn tập trung vào việc mua một bộ đồ chơi mới, đôi giày thời trang… thì trong trẻ đã dần hình thành cảm giác về quyền được hưởng những đặc lợi. Trẻ luôn muốn thỏa mãn các nhu cầu cá nhân, do đó sự quan tâm dành cho những người khác trở nên mờ nhạt và thậm chí hoàn toàn không tồn tại.

Hãy dạy cho trẻ về tình yêu và lòng vị tha thông qua việc giúp đỡ mọi người, biết chia sẻ thời gian và đồ đạc của bản thân... Chẳng có đứa trẻ nào hoàn hảo và cũng không có phụ huynh nào hoàn hảo. Nhưng chúng ta có thể giúp hình thành và lan tỏa những thói quen tốt để trưởng thành và sống lành mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm