Bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn: Có những lúc đã ngấp nghé cửa tử

Đông Quân
12/09/2020 - 11:41
Bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn: Có những lúc đã ngấp nghé cửa tử

Vợ chồng anh Tâm - chị Tuổi tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Ảnh: BVCC

Sau 25 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), bệnh nhân bị con rắn hổ mang chúa dài gần 3m, nặng 4,6kg cắn đã ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới. Đây là trường hợp bị rắn hổ mang chúa cắn dẫn đến nguy kịch nặng nhất mà BV này tiếp nhận trong suốt 16 năm qua.

Ngày 19/8, anh Phan Văn Tâm (38 tuổi, ngụ Tây Ninh) thấy con rắn to nên tìm cách bắt. Nhưng không may, con rắn hổ mang chúa quay lại tấn công, cắn vào đùi phải của anh Tâm. Anh được người dân phát hiện đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh rồi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).

Bệnh viên Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân Tâm trong tình trạng có vết thương lớn ở đùi, liệt tứ chi, đồng tử giãn, mất phản xạ do rắn cắn. Xác định bệnh nhân có biến chứng nhiễm độc thần kinh nặng do rắn hổ mang chúa cắn nên các bác sĩ nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên Khoa Bệnh nhiệt đới điều trị.

Bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn: Có những lúc đã ngấp nghé cửa tử - Ảnh 1.

Anh Tâm bị con rắn hổ mang chúa cắn vào đùi phải - Ảnh: CTV

Bệnh nhân được sử dụng 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Sau khi sử dụng huyết thanh, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu phản ứng, cử động được tay chân và hồi tỉnh. Tuy nhiên, 12 tiếng sau, bệnh nhân có biểu hiện viêm cơ tim và rối loạn nhịp tim, các bác sĩ buộc phải đặt máy tạo nhịp hỗ trợ.

Theo bác sĩ Kiều Ngọc Dũng, Phó Trưởng Khoa Điều trị rối loạn nhịp - Bệnh viện Chợ Rẫy, thời điểm này nhịp tim bệnh nhân rối loạn nghiêm trọng, có thể tử vong trên đường đến phòng phẫu thuật nên các bác sĩ phải đặt máy tạo nhịp cấp cứu ngay tại giường bệnh.

Bệnh nhân ổn định được vài tiếng sau khi đặt máy tạo nhịp, sau đó tiếp tục có dấu hiệu mệt mỏi, lừ đừ. Tiên lượng bệnh nhân có thể chuyển biến nặng, các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân đến Khoa Hồi sức cấp cứu.

Bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn: Có những lúc đã ngấp nghé cửa tử - Ảnh 2.

Bệnh nhân Tâm được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: BVCC

Chỉ vài giờ sau khi chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân Tâm bắt đầu chuyển biến nặng, tri giác lơ mơ, chỉ số nhiễm trùng huyết tăng dần, bạch cầu giảm thấp, vết cắn ở đùi có xu hướng hoại tử lan rộng ra cả phần đùi, hông, tầng sinh môn… Đặc biệt, có thời điểm bệnh nhân đe dọa tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Lý Minh Duy, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, ngay trong đêm, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên tục với các chuyên khoa khác để tìm cách cứu bệnh nhân. Bệnh nhân được lọc máu liên tục, sử dụng kháng sinh liều cao, các loại thuốc kích thích hệ miễn dịch. May mắn, đến sáng hôm sau bệnh nhân ổn định trở lại.

Sau khi bệnh nhân ổn định dần, độc tố trong cơ thể được trung hòa, vết thương rắn cắn được xử lý không còn hoại tử lan rộng, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình để cắt lọc, tạo hình lại vết thương.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy, đánh giá, bệnh nhân Tâm đã trải qua quá trình điều trị hết sức phức tạp, từ thở máy sang cai được máy thở rồi lại phải quay trở lại thở máy. Diễn tiến bệnh chuyển biến nhanh, liên tục chỉ trong vài giờ, thậm chí có những lúc tưởng chừng đã gần đến cửa tử.

"May mắn là chúng tôi có được cơ số thuốc điều trị đầy đủ, tiên lượng được từng chuyển biến của bệnh nhân để có hướng điều trị kịp thời", bác sĩ Hùng chia sẻ. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân Tâm đã ổn định và có thể sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Chị Bùi Thị Ngọc Tuổi - vợ bệnh nhân Tâm - chia sẻ, anh chị kết hôn 11 năm trước và có 2 con, bé trai đầu 9 tuổi và bé gái hơn 2 tuổi. Trước kia, anh Tâm làm rẫy. Gần đây, anh bất ngờ bị tai nạn giao thông khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, không thể làm được việc nặng. Cũng từ đó, cuộc sống gia đình vốn dĩ đã khốn khó càng trở nên khó khăn hơn. Chi tiêu trong gia đình chủ yếu dựa vào công việc làm mướn hết sức bấp bênh của chị Tuổi.

Chị Tuổi kể, khi đưa chồng nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, trong túi chỉ chỉ còn một số tiền rất ít. Sau đó, khi biết được câu chuyện của chồng chị cùng hoàn cảnh khó khăn của gia đình, nhiều mạnh thường quân đã trực tiếp đến Bệnh viện Chợ Rẫy ủng hộ hơn 800 triệu đồng.

Với số tiền này, chị Tuổi đã đóng viện phí cho chồng hơn 500 triệu đồng. Khi nghe hoàn cảnh của một bệnh nhân nghèo trong tình trạng nguy kịch đang điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, vợ chồng anh chị đã quyết định chia sẻ 80 triệu đồng để bệnh nhân này tiếp tục điều trị, lo ăn uống. Số tiền còn dư, chị Tuổi dự định sẽ dùng để tiếp tục lo chi phí điều trị và chăm sóc chồng khi xuất viện.

Bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn: Có những lúc đã ngấp nghé cửa tử - Ảnh 3.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Chợ Rẫy, trao thư cảm ơn của Bệnh viện cho chị Tuổi với hành động nhân văn. Ảnh: BVCC

Theo chị Tuổi, khi vợ kể lại câu chuyện của bệnh nhân nghèo trong tình trạng nguy kịch, anh Tâm đồng ý chia sẻ ngay. "Khi nghe tôi kể xong thì anh nói ủng hộ liền cho người ta, mình sẻ chia cho người ta đi, hiện giờ mình cũng ổn rồi", chị Tuổi nói.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, việc vợ chồng anh Tâm - chị Tuổi trao tặng 80 triệu đồng cho một bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viên Chợ Rẫy là một hành động rất nhân văn và bệnh viện ghi nhận sự chia sẻ này.

Mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận từ 800-1.000 trường hợp bị rắn cắn, trong đó tỉ lệ tử vong khoảng 2%. Đa số các ca tử vong do không nhập viện ngay mà tự điều trị tại nhà, đến khi nhập viện đã bị biến chứng quá nặng. Riêng bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn, đơn vị này tiếp nhận 8 trường hợp trong 16 năm qua. Bệnh nhân Phan Văn Tâm là trường hợp bị rắn hổ mang chúa căn nặng nhất mà đơn vị tiếp nhận điều trị.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm