pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới tái nhiễm Covid-19: Chuyên gia nói gì?
Nhân viên y tế BV Bệnh Nhiệt đới TƯ chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh minh họa: Linh Trần
Mới đây, Hồng Kông đã ghi nhận trường hợp đầu tiên tái nhiễm virus SARS-CoV-2 sau hơn 4 tháng khỏi bệnh. Đó là một nam giới (33 tuổi) bị nhiễm COVID-19 đã được chữa khỏi và xuất viện vào giữa tháng 4/2020. Đến nay, bệnh nhân lại được xác định dương tính với COVID-19.
Thông tin trên đã khiến dư luận lo lắng, bởi trước đây, các chuyên gia đều nhận định, nếu bệnh nhân đã khỏi COVID-19 thì cơ thể đã có kháng thể, ít nhất 2 năm sau không thể mắc lại.
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, cho biết, tái dương tính là tình trạng người mắc đang trong diễn biến của bệnh. Bệnh nhân từng có giai đoạn xét nghiệm cho kết quả âm tính, sau đó dương tính. Tái nhiễm là tình trạng bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau đó một thời gian nhiễm lại bệnh lần thứ 2.
Theo bác sĩ Cấp, với những trường hợp sau khi khỏi bệnh trong khoảng một thời gian mà có xét nghiệm dương tính với COVID-19, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm kiểm tra kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus. Ngoài ra, bác sĩ sẽ xem xét cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ để xác định bệnh nhân bị tái dương tính hay tái nhiễm.
Bác sĩ Cấp cho biết, sau khi mắc bệnh, cơ thể thường sinh ra kháng thể với virus. Tuy nhiên, cơ thể có giữ được mức độ kháng thể để bảo vệ cơ thể lâu dài hay không thì phải tùy theo từng loại virus và cơ địa từng người bệnh. Có những loại virus cơ thể tạo thành kháng thể miễn dịch suốt đời như sởi, đậu mùa, quai bị… nhưng có những loại virus thì cơ thể chỉ tạo được kháng thể trong thời gian ngắn. Thậm chí, cơ thể có kháng thể nhưng không diệt sạch được virus như viêm gan C, HIV,… Đó là lý do vì sao khi tiêm vaccine thì có loại phải tiêm nhắc lại hàng năm (cúm) nhưng có những loại chỉ tiêm một mũi duy nhất.
Hiện nay, virus SARS-CoV-2 là chủng mới xuất hiện. Vì vậy, các chuyên gia vẫn chưa nghiên cứu được ca tái nhiễm virus SARS-CoV-2 là do đặc tính chung của virus này hay do đặc điểm miễn dịch riêng của người đó. Hơn nữa, đây cũng là ca đầu tiên trên thế giới tái nhiễm nên chưa thể khẳng định người tái nhiễm có khả năng lây lan virus hay không; diễn biến của bệnh tiến triển có như lần đầu hay khác. Do đó, để điều trị, các bác sĩ sẽ căn cứ vào diễn biến cụ thể của bệnh nhân để đưa ra phương án cụ thể phù hợp.
Bác sĩ Cấp cũng cho biết, tại Việt Nam thời gian qua đã xuất hiện một số trường hợp bệnh nhân tái dương tính với COVID-19 sau khi xuất viện. Tuy nhiên, các tái dương tính tại Việt Nam tương tự nhiều nước trên thế giới khi xét nghiệm đều cho kết quả có kháng thể bảo vệ. Do đó, những ca này tái dương tính chứ không phải tái nhiễm, bác sĩ Cấp khẳng định.