Bệnh nhân ghép phổi đã tự ăn, tự thở, sắp xuất viện

28/03/2018 - 21:18
Trước khi được ghép phổi, bệnh nhân Hanh bị phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối, phải thở máy, oxy liên tục. Sau khi được khi được ghép, đến nay chức năng hô hấp của bệnh nhân đã ổn định, tự ăn, tự thở và chuẩn bị được xuất viện.
Thông tin trên được bác sĩ Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV TƯ Quân đội 108 chia sẻ tại Hội nghị đánh giá thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên, được tổ chức chiều ngày 28/3.

Theo bác sĩ Bàng, bệnh nhân được nhận phổi là ông Trần Ngọc Hanh (56 tuổi, huyện Xuân Trường, Nam Định). Trước đó, bệnh nhân Hanh bị tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Bệnh nhân bị suy hô hấp thường xuyên phải cấp cứu tại BV, có những đợt phải thở máy, oxy liên tục, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Cơ hội duy nhất để bệnh nhân tiếp tục sống là được ghép phổi.

Ngày 26/3, một thiếu tá quân đội (45 tuổi, huyện Yên Mô, Ninh Bình) đã bị chết não do tai nạn giao thông. BV đã động viên và được gia đình đồng ý hiến tạng. Ngay sau đó, BV đã tiến hành làm các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Theo đó, BV đã triển khai đồng thời 4 phòng mổ, vừa lấy - ghép phổi và các tạng khác. Sau gần 8 giờ, dưới sự hỗ trợ của 2 chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp, một chuyên gia ghép tạng đến từ Bỉ và hơn 60 bác sĩ, phẫu viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng của BV đã thực hiện thành công ca ghép phổi.
bn-1522222773-width640height427.jpg
Sau khi được ghép phổi, sức khỏe bệnh nhân Hanh đã ổn định

Hiện bệnh nhân được ghép phổi đã tự đi lại trong phòng bệnh, tự ăn, tự thở, chức năng hô hấp ổn định, khí huyết tốt. Hiện bệnh nhân được hỗ trợ phục hồi chức năng để tự thở bằng phổi của người khác. Dự kiến 1 tháng nữa bệnh nhân sẽ được xuất viện.

Ngoài bệnh nhân Hanh được ghép phổi, còn có 5 bệnh nhân khác được ghép tạng (1 người ghép tim, 2 người ghép thận, 2 người ghép giác mạc). Theo đó, người được ghép tim trong TP.HCM cũng đã ổn định, chức năng tim tốt. Còn 2 bệnh nhân được ghép thận cũng đã phục hồi và được ra viện. 2 bệnh nhân được ghép giác mạc thị lực gần như bình thường và cũng đã được ra viện.

Theo bác sĩ Bàng, trong số những ca mà BV ghép thì ca ghép phổi gặp nhiều khó khăn nhất. Cũng bởi, tình trạng rất khẩn cấp, yêu cầu phải hồi sức đảm bảo giữ phổi nguyên vẹn mới có thể ghép phổi. Trong một thời gian rất ngắn, ca ghép phức tạp rồi tất cả các vấn đề từ gây mê, sau phẫu thuật, hồi sức phức tạp. Khó khăn hơn khi trong trường hợp này phải ghép đồng thời 2 phổi. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các chuyên gia, bác sĩ, ca ghép đã thành công.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao kết quả ca ghép mà BV TƯ Quân đội 108 đã thực hiện. Theo Bộ trưởng Tiến, đến thời điểm này, Việt Nam đã thực hiện thường quy các kỹ thuật ghép tạng như ghép tim, gan, thận, giá mạc, ghép tế bào gốc, máu ngoại biên, cuống rốn… và giờ có ca ghép phổi từ người cho chết não. Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu ghép tụy, ghép tử cung, ghép ruột.

Cũng theo Bộ trưởng Tiến, cách đây 8 năm, GS. Phạm Gia Khánh, cũng chủ trì đề tài cấp nhà nước ghép tạng từ người cho chết não nhưng không thực hiện được vì không có người hiến. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã nhanh chóng thẩm định các cơ sở có khả năng ghép tạng và sau đó, BV Việt Đức, BV Chợ Rẫy… đã thực hiện nhiều kỹ thuật ghép tạng. Sau này, ngành y tế đã thành lập Trung tâm điều phối ghép tạng, Hội vận động hiến tạng để tuyên truyền vận động người dân đăng ký hiến tạng.

"Một vấn đề khó khăn đối với người ghép tạng là kinh phí. Hiện nay, BHYT đang chi trả 80% chi phí các ca ghép, còn lại do người ghép chi trả. Tuy nhiên, với 20% còn lại, cũng không phải nhiều người có thể chi trả được bởi có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Hơn nữa, sau ghép bệnh nhân cũng gặp nhiều khó khăn về chi phí thuốc men. Vì vậy, Bộ Y tế đang vận động để xây dựng Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ghép tạng", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm