Bệnh nhân tá hỏa với đơn tư vấn toàn TPCN của bác sĩ da liễu

13/07/2017 - 21:49
Nhiều người bệnh khi đi khám tại bệnh viện Da liễu TƯ, ngoài đơn thuốc còn có đơn tư vấn của bác sĩ kê. Trong đơn tư vấn, phần lớn là thực phẩm chức năng với chi phí cả triệu đồng mỗi loại khiến bệnh nhân tá hỏa vì giá quá cao.
Theo phản ánh của nhiều bệnh nhân, khi đi khám tại BV Da liễu TƯ, ngoài kê đơn thuốc, nhiều bác sĩ ở đây còn kê thêm đơn tư vấn và khuyên bệnh nhân mua và sử dụng. Trong đơn tư vấn, hầu hết là bác sĩ kê thực phẩm chức năng (TPCN) với chi phí lên đến vài triệu đồng.

Bà Bùi Thị M. (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: Sau khi đi khám tại đây, bác sĩ chẩn đoán bà bị bệnh bạch biến. Ngoài đơn thuốc, bác sĩ còn kê đơn tư vấn gồm cao quả kiwi cứng, Crystallne cellulose, Hydroxypropylmet lylclelllose, Magnéium sterate. Theo hướng dẫn, sau khi uống hết thuốc nếu có bất thường thì đến BV khám lại hoặc gọi cho bác sĩ.

Sau khi nhận đơn của bác sĩ, bà M. ra quầy thuốc của bệnh viện để mua. Tổng chi phí cho cả 2 đơn hết hơn 2,7 triệu đồng. Trong số tiền này chỉ có khoảng 700 ngàn là tiền thuốc, còn lại là TPCN trong đơn tư vấn.

“Tôi cũng đâu có biết đó là TPCN. Bác sĩ kê đơn thế nào thì tôi mua thế, có tốn tiền cũng phải chịu chứ biết làm thế nào được”, bà M. nói.

don-tu-vantpcn.jpg
Bà M. trao đổi với PV

 

Tương tự, chị Đỗ Thị Thanh Hương (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết, bé nhà chị là Nguyễn Minh Tiến được xác định bị mày đay mạn tính. Sau khi khám, bác sĩ kê đơn thuốc và đơn tư vấn. Chị ra mua cho cả 2 đơn hết hơn 3 triệu đồng.

“Sau này tôi mới biết đơn tư vấn là TPCN. Dù biết TPCN cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị nhưng bác sĩ cũng nên nói rõ để bệnh nhân hiểu và có quyết định mua hay không. Bởi chi phí mua TPCN rất cao, không phải ai cũng có điều kiện”, chị Hương chia sẻ.

don-tu-van-1.jpgĐơn tư vấn của bà M.

 

Trước thông tin BV lạm dụng kê đơn có TPCN, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Da liễu TƯ, cho biết: Đúng là tại BV, sau khi thăm khám bác sĩ có kê 2 đơn. Đơn thứ nhất là đơn thuốc. Đơn thứ hai là TPCN và BV đã ghi chú “không phải là thuốc chữa bệnh”.

Theo bác sĩ Thường, da liễu có nhiều bệnh, trong đó 1/3 nguyên nhân là do thiếu hụt vitamin. Nếu không cho bệnh nhân dùng thêm thì hiệu quả điều trị không cao. Hơn nữa, trong bệnh da liễu phải có các loại thuốc vitamin liều cao, ở nước ngoài vẫn gọi là thuốc, nhưng Việt Nam gọi là TPCN.

“Việc BV kê đơn là đúng với Thông tư 05. Tuy nhiên, theo quy định bác sĩ phải tư vấn, giải thích kỹ cho bệnh nhân, không ép bệnh nhân mua, nếu mua thì tốt hơn. Việc phản ánh của bệnh nhân là đúng. Nhưng vì đông bệnh nhân nên bác sĩ chưa giải thích kỹ. Chúng tôi nhận lỗi sai sót này và ngay ngày mai sẽ yêu cầu các bác sĩ phải giải thích kỹ cho bệnh nhân để họ quyết định có mua TPCN hay không”, bác sĩ Thường nói.
20045775_1767058586689726_625860440_n.jpg
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Da liễu TƯ trao đổi với PV

Lí giải việc bán TPCN trong các nhà thuốc của BV, bác sĩ Thường cho biết rất nhiều doanh nghiệp đều vào viện xin bán ở nhà thuốc. Tuy nhiên, việc bán này phải có hợp đồng rõ ràng, trong đó quy định rõ BV được hưởng bao nhiêu phần trăm trong doanh số bán được. Vì quy định rõ như vậy nên cùng một loại TPCN, giá ở đây thường thấp hơn các hiệu thuốc bên ngoài. Vì vậy, việc kê đơn tư vấn cho bệnh nhân nhưng không ép họ mua. Họ có thể tham khảo giá ở bên ngoài rồi quay lại BV mua cũng được, bác sĩ Thường cho biết thêm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm