“Bệnh” quên tiếng Việt - Bài 4: Ngôn ngữ quảng cáo phải theo luật và có văn hóa

PV (Thực hiện)
21/06/2023 - 15:19
“Bệnh” quên tiếng Việt - Bài 4: Ngôn ngữ quảng cáo phải theo luật và có văn hóa

PGS. TS Phạm Văn Tình - nguyên Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học.

Trả lời phỏng vấn Báo Phụ nữ Việt Nam, PGS. TS Phạm Văn Tình (nguyên Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học) cho rằng, tiếng nước ngoài đang được sử dụng một cách tùy tiện trên thị trường Việt Nam. Theo ông, việc sử dụng thương hiệu quốc tế trên mặt hàng, sản phẩm là phù hợp nhưng những thông tin quảng bá thì phải “nhập gia tùy tục” và chấp hành quy định của pháp luật.

PV: Thưa PGS.TS Phạm Văn Tình, là một chuyên gia về ngôn ngữ, ông nhìn nhận thế nào về tình trạng sử dụng tràn lan tiếng nước ngoài trên các cửa hàng, biển hiệu trên thị trường Việt Nam hiện nay?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Tiếng nước ngoài (nhất là tiếng Anh) đang được sử dụng tùy tiện tại thị trường Việt Nam. Nó đặc biệt bị lạm dụng quá mức trong các hoạt động quảng cáo mà biểu hiện rõ nhất là các biển hàng, biển hiệu ngoài đường phố.

Sử dụng từ ngữ nước ngoài trong các sản phẩm và hoạt động giao dịch thương mại là chuyện bình thường và là điều cần thiết (tiếng Việt, chữ Việt cũng có mặt ở các siêu thị châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Vấn đề là việc sử dụng tiếng nước ngoài ở Việt Nam thế nào cho hợp lí.

 PV: Có những ý kiến cho rằng đã là thương hiệu quốc tế nên không cần tiếng Việt. Vậy phải chăng họ đang nhầm lẫn hay đánh đồng thương hiệu quốc tế với quy định về nhãn hàng, biển hiệu trong quảng cáo (trên báo chí hay nơi công cộng) cần phải ghi tiếng Việt, ví dụ Mixue là nhãn hiệu quốc tế nhưng trên biển hiệu cửa hàng thì không thể có mỗi chữ Mixue? 

PGS.TS Phạm Văn Tình: Rất nhiều công ti, mặt hàng, sản phẩm… của nước ngoài đã rất nổi tiếng và trở thành thương hiệu quốc tế (Coca Cola, McDonald, Apple, Mercedes, Toyota, Daewoo…). Thương hiệu các hãng này được nhận ra trên logo (hình ảnh tượng trưng) hay slogan (biểu ngôn) của họ. Nếu nhãn hiệu Mixue được thể hiện bằng logo (đã được quốc tế hóa) thì họ có thể đưa hình ảnh này trước tiên. Tuy nhiên, sau đó phải có những dòng thông tin quảng bá thì họ phải chấp hành các quy định của Việt Nam, cụ thể là phải tuân thủ Luật Quảng cáo.

“Bệnh” quên tiếng Việt - Bài 4: Ngôn ngữ quảng cáo phải theo luật và có văn hóa - Ảnh 1.

Tiếng nước ngoài bị lạm dụng quá mức trong các hoạt động quảng cáo mà biểu hiện rõ nhất là các biển hàng, biển hiệu ngoài đường phố.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Luật Quảng cáo của nước ta (được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012), trong điều 18,  phần "Tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo" có ghi rõ:

"1. Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:

a) Nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;

b) Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.

2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài."

Như vậy, mỗi hàng hóa đưa ra quảng bá thị trường cần có ít nhất 2 thứ tiếng thì  phải ghi tiếng Việt lên trước, tiếng nước ngoài sau với yêu cầu kích cỡ và định dạng phù hợp.

PV: Theo ông, giải pháp cho vấn đề này là gì?

PGS.TS Phạm Văn Tình:  Mọi đối tác nước ngoài hoạt động, giao dịch ở Việt Nam phải tuân thủ mọi điều khoản quy định trong đó có Luật Quảng cáo. Nhưng dù không có (hoặc chưa) có luật thì theo lẽ thường "nhập gia tùy tục", họ phải tôn trọng dân bản địa, như phong tục, tập quán và đặc biệt, là tôn trong ngôn ngữ của họ. Đi bán hàng cho người Việt thì chữ Việt phải ưu tiên chứ. Có như vậy, các đối tác này mới gây được thiện cảm, được người Việt Nam chấp nhận và được coi là những người có văn hóa.

PV: Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Văn Tình!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm