pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bị ngứa da sau khi tắm: Nguyên nhân và cách khắc phục
Vào mùa đông, sau khi tắm xong da bạn thường có cảm giác ngứa ngáy và căng. Tình trạng này thường biến mất sau vài phút hoặc sau khi bạn thoa kem dưỡng ẩm giúp giảm nhanh cảm giác căng và khô da.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì ngứa da sau khi tắm là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó. Điều quan trọng là bạn phải theo dõi các triệu chứng kèm theo như bong tróc da, da phát ban, nổi mẩn đỏ, mụn...
1. Nguyên nhân gây ngứa da sau khi tắm
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến và ít phổ biến gây ngứa da sau khi tắm cũng như dấu hiệu cho thấy bạn cần thăm khám bác sĩ sớm.
1.1. Xerosis
Xerosis là một thuật ngữ y tế dùng để chỉ tình trạng da rất khô đặc biệt vào những tháng mùa đông. Khi điều kiện môi trường khiến da tạo ra ít chất nhờn (lớp dầu) hơn khiến da bị mất đi hàng rào bảo vệ lipid tự nhiên, nước dưới da cũng bốc hơi nhanh hơn và gây ra khô da nghiêm trọng.
Biểu hiện của da khô vào mùa đông ngoài tình trạng da đặc biệt khô căng thì còn bị ngứa ngáy, bong tróc và mẩn đỏ thậm chí là bị nứt nẻ tại bàn tay và bàn chân.
Tình trạng này phổ biến nhất ở các vùng có khí hậu lạnh, khô và có thể xuất hiện ở mọi người ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên thì người lớn tuổi có nhiều nguy cơ phát triển hơn. Và, mặc dù khô da thường xảy ra vào mùa đông nhưng nếu bạn bị khô da quanh năm thì khô da trở thành bệnh mãn tính được gọi là bệnh chàm.
Nhìn chung thì nếu bạn bị khô da khiến bạn bị ngứa sau khi tắm thì một số biện pháp tự chăm sóc da tại nhà như dưỡng ẩm, mặt nạ cho da có thể giảm nhẹ triệu chứng. Bạn cần đọc kỹ nhãn sản phẩm để loại bỏ các thành phần có thể gây kích thích da hoặc dị ứng. Nếu nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng thuốc dạng kem bôi có chứa corticosteroid.
1.2. Bệnh đa hồng cầu (Polycythemia Vera)
Bệnh đa hồng cầu (PV) là một bệnh mãn tính, một dạng ung thư máu hiếm gặp và có trong danh mục bệnh ung thư thuộc loại tăng sinh tủy ác tính với máu đặc và nguy cơ bị đông máu cao.
Người bị PV có thể gặp tình trạng ngứa da, đặc biệt là sau khi tắm bồn nước nóng hoặc tắm vòi hoa sen. Nguyên nhân được giải thích là do cơ thể giải phóng nhiều tế bào miễn dịch tạo ra histamine gây ra phản ứng dị ứng.
Ngoài ngứa da thì người bị PV cũng có thể gặp các triệu chứng khác chẳng hạn như nhức đầu; chóng mặt; chảy máu; gan và lá lách to; da nổi mẩn đỏ; có cục máu đông ở chân, phổi hoặc bộ phận khác; suy tim xung huyết hoặc viêm họng; bị gout; viêm khớp...
Để giảm tình trạng ngứa ngáy, người bị PV có thể tránh các nguyên nhân trực tiếp gây ngứa da như không tắm nước nóng lâu hay ở trong các môi trường có nhiệt độ cao. Nếu tình trạng ngứa da nghiêm trọng hơn, không có dấu hiệu thuyên giảm với các biện pháp trị ngứa da tại nhà thì có thể bạn cần sử dụng thuốc.
Các bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamine như cetizine...
1.3. Phản ứng với các sản phẩm tẩy rửa, chăm sóc da
Nhiều người có thói quen sử dụng sữa rửa mặt, xà phòng tắm hay các sản phẩm chăm sóc tóc có mùi thơm. Tuy nhiên những sản phẩm hóa học này có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người, gây ngứa và các triệu chứng khác có thể gọi là viêm da tiếp xúc.
Giải pháp là bạn nên thay thế các sản phẩm này bằng những sản phẩm lành tính hơn, không có mùi thơm đặc biệt và theo dõi xem tình trạng ngứa có giảm bớt không.
Tương tự như vậy các sản phẩm giặt ủi đồ cũng có thể gây ra tình trạng tương tự.
1.4. Mề đay cholinergic (cholinergic urticaria)
Đây là một dạng phát ban ngoài da do nhiệt độ cơ thể tăng lên. Dạng nổi mề đay vật lý này thường xuất hiện khi bạn tắm nước nóng, tập thể dục, ăn thức ăn cay hoặc đắp quá nhiều chăn, mặc quần áo quá ấm vào ban đêm khiến thân nhiệt tăng.
Mề đay dạng này thường nhỏ hơn vết muỗi đót nhưng có thể tụ lại thành các mảng lớn. Người bị mề đay cholinergic đôi khi có thể gặp các triệu chứng hen suyễn hay huyết áp thấp.
Các loại thuốc kháng histamine thường có hữu ích trong trường hợp này do không khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi.
1.5. Mề đay do nước (Aquagenic Urticaria)
Mề đay do nước là một dạng mề đay hiếm gặp thường xảy ra khi một người tiếp xúc với nước. Các nốt mề đay xuất hiện trong vòng vài phút kể từ khi nước tiếp xúc với da ở bất kỳ nhiệt độ nước là bao nhiêu.
Nguyên nhân của mề đay do nước vẫn chưa được xác định, có các giả thuyết rằng tình trạng này do nước phản ứng với lớp dầu trên da và tạo ra một hợp chất có khả năng gây phản ứng dị ứng.
Để đối phó với tình trạng này, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamine không có thành phần an thần hoặc kem/thuốc bôi chống thấm nước; quang trị liệu...
1.6. Dị ứng nước vô căn (Idiopathic Aquagenic Pruritus)
Dị ứng nước vô căn là một tình trạng hiếm gặp khiến da của một người bị ngứa sau khi dính nước nhưng khác với mề đay do nước, dị ứng nước vô căn không kèm theo phát ban.
Các phương pháp điều trị có thể bao gồm: Corticosteroid như triamcinolone, thuốc kháng histamin không an thần, kem bôi capsaici,n thuốc chẹn beta, bổ sung B-alanine (axit amin)...
2. Biện pháp khắc phục tại nhà
Ngoài việc xác định nguyên nhân gây tình trạng ngứa da sau tắm để có biện pháp điều trị thích hợp thì có một số biện pháp có thể giúp bạn giảm tình trạng này:
- Hạn chế tắm nước nóng quá lâu bởi điều này có thể làm khô da, mất lớp dầu tự nhiên. Bạn có thể cân nhắc thêm dầu khi tắm để giúp giữ ấm cho da
- Hạn chế gãi khiến da bị kích ứng, tổn thương và tình trạng ngứa trở nên tồi tệ hơn
- Tránh sử dụng khăn lau, tẩy tế bào chết hoặc khăn tắm thô ráp khiến da bị kích ứng
- Chỉ tắm một lần một ngày bởi tắm nhiều hơn có nghĩa là lớp dầu tự nhiên cũng sẽ mất đi. Vào mùa lạnh, trẻ em có thể tắm khoảng 2 - 3 lần mỗi tuần
- Làm khô da bằng cách vỗ nhẹ,hạn chế chà xát da bằng khăn. Nếu có khăn bông mềm thì bạn nên thấm nhẹ nhàng
- Thoa kem dưỡng ẩm hoặc thuốc mỡ không có mùi thơm sau khi da đã được vỗ khô
- Sử dụng máy bù ẩm, nhất là trong điều kiện thời tiết khô lạnh
- Tránh các sản phẩm xả vải, nước giặt có mùi thơm
- Tránh sử dụng các sản phẩm có chứa retinoids (retinol, adapalene, tretionin), alpha-hydroxy (AHA) hay chất tạo bọt bởi chúng có thể khiến da khô và kích ứng hơn
- Uống nhiều nước và nghỉ ngơi đầy đủ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Thông thường thì nếu ngứa nhẹ, các biện pháp kể trên có thể giảm nhẹ và tình trạng ngứa sẽ biến mất. Tuy nhiên với các trường hợp ngứa không liên quan tới da chẳng hạn như các tổn thương thần kinh, bệnh đa xơ cứng có thể khiến các dây thần kinh trên da hoạt động quá mức dẫn tới ngứa không phát ban hoặc các nguyên nhân không rõ ràng khác.
Ngứa do tình trạng sức khỏe liên quan tới dây thần kinh thường kèm theo kích ứng da, ngứa gãi liên tục hoặc những vết thương nhỏ dẫn tới nhiễm trùng.
Nếu bạn nghi ngờ các tình trạng sức khỏe này thì cần thăm khám bác sĩ sớm để được điều trị kịp thời.