pnvnonline@phunuvietnam.vn
9 điều cần biết về chứng ngứa da
1. Ngứa da là gì?
Da là hàng rào của cơ thể. Ở da chứa đầy các tế bào đặc biệt của hệ thống miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi virus, vi khuẩn các các mối đe dọa khác. Các tế bào miễn dịch có thể phản ứng với các tác nhân chạm vào da, phản ứng khi bị nhiễm trùng toàn thân hoặc cơ thể bị bệnh tật. Các phản ứng này có thể dẫn đến ngứa.
Ngứa da là cảm giác khó chịu và không thể kiểm soát được khiến bạn muốn gãi để làm giảm sự khó chịu đó.
Ngứa có thể lan tỏa khắp cơ thể, cũng có thể khu trú ở một vị trí nhất định.
2. Dấu hiệu
Tùy vào nguyên nhân và mức độ mà ngứa da có các dấu hiệu khác nhau. Bệnh nhân thường cảm thấy như có kiến bò trên (hoặc trong) da. Thông thường, ngứa da hay đi kèm với các triệu chứng khác như:
- Đau.
- Da khô, bong tróc da.
- Mụn nước.
- Rạn da.
- Phát ban, nổi mẩn.
- Da bị ửng đỏ.
3. Nguyên nhân
Ngứa da là triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe. Hầu hết các trường hợp ngứa được gây ra bởi một loại kích ứng da. Đối với loại này, bạn có thể nhận thấy phát ban, vết sưng hoặc loại kích ứng da có thể nhìn thấy khác.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngứa có thể xảy ra mà không có dấu hiệu rõ ràng nào xuất hiện ở bề mặt da. Các nguyên nhân gây ngứa mà không kích ứng da thường khó xác định và là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe cần điều trị.
Một số nguyên nhân phổ biến gây ngứa da là:
3.1. Da khô
Da khô là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa da. Nếu bạn không nhìn thấy bất kỳ vết sưng đỏ nào hoặc nhận thấy sự thay đổi đột ngột trên da của họ, thì da khô có thể là nguyên nhân gây ngứa.
Các yếu tố môi trường có thể dẫn đến da khô bao gồm thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh kèm theo độ ẩm thấp. Tắm rửa, tiếp xúc với nước quá nhiều cũng có thể gây khô da. Khô da có thể ảnh hưởng đến bất kỳ nhóm tuổi nào, nhưng ở người già, làn da sẽ mỏng và dễ khô hơn.
Da khô thường gây ngứa kèm theo một số triệu chứng khác như da sần sùi, bong vảy, da nứt nẻ, vết nứt trên da dễ bị chảy máu, da có thể xám và ngăm hơn.
3.2. Phản ứng với sinh vật
- Côn trùng cắn: Các loại côn trùng như muỗi sẽ khiến da bạn bị ngứa nhiều, nhưng cũng giảm đi nhanh chóng. Các loại côn trùng có thể gây ngứa kéo dài bao gồm: rệp, rận và ve, chấy.
- Tiếp xúc với cây: Một số loại cây có thể gây ngứa da nếu bạn chạm vào chúng. Điển hình như cây thường xuân, thủy tiên, bóng lục bình. Bạn có thể bị ngứa do hóa chất mà cây tiết ra, hoặc bị ngứa bởi lông trên lá và thân cây.
- Ký sinh trùng: Bạn có thể bị ngứa sau khi bơi hoặc ở trong nước. Nguyên nhân là bởi những ký sinh trùng sống trong ao, hồ hoặc đại dương sẽ xâm nhập vào da của bạn. Nhiều loại nấm, giun cũng có thể gây ngứa khi ký sinh ở cơ thể người.
- Sinh vật biển: Các sinh vật biển thường tiết ra nhiều hóa chất để chống lại kẻ thù, có thể gây ngứa da dữ dội. Ví dụ bạn sẽ bị ngứa nếu chạm phải sứa hoặc hải quỳ.
3.4. Bệnh da liễu
Có khá nhiều căn bệnh ngoài da gây ngứa dữ dội, như:
- Viêm da: Thường là do vi trùng hoặc các tác nhân khác làm tổn thương da, khiến da bị viêm, nổi mẩn đỏ, ngứa và đau rát.
- Thủy đậu: Gây ngứa và nổi mụn nước, kèm theo sốt và đau nhức cơ thể.
- Bệnh chàm: Một rối loạn da mãn tính bao gồm ngứa, nổi mẩn.
- Bệnh vẩy nến: Một bệnh tự miễn gây đỏ da và kích ứng, thường xảy ra ở dạng mảng bám.
3.5. Bệnh lý tuần hoàn
- Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường khiến cơ thể khó sản xuất insulin hơn, một loại hormone điều chỉnh lượng đường trong máu. Lượng đường trong máu cao lại gây ngứa da, và nó thường ảnh hưởng đến các chi dưới.
- Bệnh thận: Thận hoạt động như bộ lọc cho máu, loại bỏ chất thải qua nước tiểu. Khi thận có vấn đề sẽ gây khô da, giảm khả năng đổ mồ hôi và hạ nhiệt, tích tụ chất độc dưới da,... Tất cả những điều này sẽ khiến da bị ngứa.
- Bệnh gan: Gan cũng là cơ quan quan trọng để lọc máu. Giống như thận, khi gan bị bệnh, cơ thể sẽ kém khỏe mạnh, da có thể bị ngứa mà không bị phát ban.
- Tuyến giáp hoạt động quá mức: Tuyến giáp giải phóng các hormone điều chỉnh sự tăng trưởng và trao đổi chất của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ khiến các tế bào tạo da ngừng hoạt động bình thường và khô, gây ngứa da.
3.6. Bệnh lý thần kinh
Khi một dây thần kinh không hoạt động đúng, nó có thể gây ngứa da. Ngứa có xu hướng xảy ra ở một nơi trên cơ thể mà không phát ban. Một số bệnh lý làm tổn thương dây thần kinh, gây ngứa da là:
- Bệnh giời leo, zona thần kinh.
- Tai biến, đột quỵ.
- Bệnh đa xơ cứng.
3.7. Dị ứng
Nếu bạn bị dị ứng, bạn có thể bị phát ban và ngứa không kiểm soát được.
Da có thể phát triển phản ứng dị ứng khi tiếp xúc với các hóa chất. Một trong những chất phổ biến nhất có thể gây ra phản ứng dị ứng da là niken, được tìm thấy trong nhiều sản phẩm mà chúng ta chạm vào mỗi ngày. Các sản phẩm có chứa niken bao gồm điện thoại di động, trang sức, gọng kính, khóa kéo và khóa thắt lưng. Các chất khác có thể gây ra phản ứng dị ứng da bao gồm sơn móng tay, nước hoa, dầu gội, latex và xi măng.
Ngoài ra, dị ứng thực phẩm cũng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng tới da, khiến da bị ngứa và nổi mề đay.
3.8. Tác dụng phụ của thuốc
Ngứa có thể là một tác dụng phụ của việc dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như:
- Thuốc điều trị huyết áp cao
- Thuốc lợi tiểu, giảm đầy hơi
- Thuốc giảm đau theo toa.
- Thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen và naproxen natri
- Thuốc trị bệnh gout như Allopurinol.
- Thuốc kiểm soát nhịp tim như Amiodarone.
Ngứa cũng có thể là một tác dụng phụ của điều trị ung thư.
4. Điều trị
Đa số các trường hợp da ngứa sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn bị ngứa kéo dài mà không xác định được nguyên nhân gây ngứa da là gì, hãy tìm đến bác sĩ. Bởi nó có thể là triệu chứng cảnh bảo nhiều căn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn.
4.1. Chẩn đoán nguyên nhân
Vì ngứa da là triệu chứng của rất nhiều tình trạng. Do đó, để có thể điều trị, đầu tiên bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây ngứa da. Bác sĩ có thể hỏi một số câu hỏi liên quan đến triệu chứng như thời gian bị ngứa, các chất đã tiếp xúc, mức độ ngứa, thuốc đã dùng, có tiền sử dị ứng không,....
Bạn có thể phải trải qua nhiều xét nghiệm hơn nếu bác sĩ không thể xác định nguyên nhân gây ngứa từ việc thăm khỏi và khám sức khỏe. Các xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Tìm kiếm tình trạng y tế tiềm ẩn có thể liên quan tới ngứa da.
- Kiểm tra chức năng tuyến giáp: Để loại trừ các vấn đề về tuyến giáp.
- Kiểm tra da: Để xác định xem bạn có bị dị ứng với thứ gì không, tìm dấu vết của côn trùng và ký sinh trùng.
- Sinh thiết da: Xác định bạn có bị nhiễm trùng da hay không.
4.2. Điều trị tại nhà
Nếu tình trạng ngứa da không dữ dội và không nguy hiểm, bạn có thể chỉ cần chăm sóc da tại nhà để giảm ngứa và ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Sử dụng kem dưỡng da, kem giữ ẩm để giảm ngứa, nhanh phục hồi da.
- Vệ sinh da thật tốt. Giặt giũ quần áo và chăn đệm thường xuyên.
- Tránh gãi hoặc chà xát mạnh vào da có thể làm ngứa thêm và tổn thương da.
- Hạn chế tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa, nước hoa và các hóa chất khác. Khi tắm có thể tắm với đậu đỏ, bột yến mạch,... thay vì dùng sữa tắm.
4.3. Điều trị y tế
Nếu ngứa da là do các bệnh lý khác gây ra, thì bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bệnh nguyên nhân. Nếu triệu chứng ngứa dữ dội và kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh thì bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp giảm ngứa như:
- Áp lạnh.
- Sử dụng kem bôi giảm ngứa như hydrocortisone.
- Nếu ngứa là do các phản ứng dị ứng, côn trùng cắn thì có thể dùng thuốc kháng histamine.
- Kem corticosteroid và thuốc ức chế calcineurin giúp giảm ngứa do chàm, viêm da hoặc nổi mề đay.
5. Biến chứng
- Ngứa da kéo dài hơn 6 tuần (ngứa da mạn tính) có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn, bằng cách làm gián đoạn giấc ngủ gây ra lo lắng hoặc trầm cảm.
- Ngứa kéo dài và gãi có thể dẫn đến tổn thương da, nhiễm trùng và sẹo.
6. Phòng tránh
- Giữ cho da sạch sẽ và khỏe mạnh, tránh bị trầy xước.
- Giữ ẩm cho da. Có thể dùng kem dưỡng ẩm. Không tắm bằng nước quá nóng. Không tắm trên 20 phút.
- Hạn chế sử dụng các hóa chất tẩy rửa, xà phòng thơm, chất khử mùi, nước hoa.
- Tránh xa các tác nhân gây dị ứng. Cẩn thận khi ăn một món ăn mới.
- Có biện pháp giảm thiểu và phòng tránh côn trùng, ký sinh trùng.
- Kiểm soát tốt và điều trị triệt để các bệnh lý có liên quan đến tình trạng ngứa da.
7. Bị ngứa da nên ăn uống như thế nào?
7.1. Nên ăn gì?
- Trong quả táo có chứa quercetin bioflavonoid, có tác dụng chống dị ứng, giảm phát ban và mẩn ngứa.
- Tăng cường các loại thực phẩm thanh nhiệt, giải độc như rau cải xanh, atiso, rau củ quả tươi,...
- Uống trà xanh có thể giúp giảm mề đay mẩn ngứa nhờ vào chất EGCG giúp kháng histamin.
- Các enzym kháng sinh trong tỏi và nghệ sẽ giúp giảm ngứa do viêm da.
7.2. Kiêng ăn gì?
- Thực phẩm giàu đạm như hải sản, sữa, thịt gà, thịt bò,... khiến cơ thể khó chuyển hóa và hấp thu, dễ gây ra các phản ứng kích ứng, làm triệu chứng ngứa thêm trầm trọng.
- Đồ ăn cay nóng và đồ uống chứa cồn và chất kích thích như cà phê, rượu bia, nước ngọt có ga,... khiến cơ thể bị nóng trong, háo nước, từ đó dẫn đến khô da, bong tróc da. Điều này không chỉ làm tăng cảm giác ngứa mà còn làm tăng nguy cơ bội nhiễm.
- Tránh những thực phẩm có thể gây dị ứng như hải sản, đậu phộng,... Cẩn trọng khi thử một món ăn mới.
8. Các câu hỏi thường gặp
8.1. Tôi chỉ bị ngứa da khi trời lạnh, trời nắng ấm là tự khỏi, vậy nguyên nhân gây ngứa da là gì?
Rất có thể bạn bị dị ứng thời tiết nên khi trời lạnh da sẽ bị ngứa và mẩn đỏ. Mặt khác, vào mùa đông, khí hậu hanh khô sẽ khiến cho da bị khô theo. Những bạn có làn da nhạy cảm rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết này. Da khô, bong tróc sẽ dẫn đến ngứa.
8.2. Da ngứa kèm theo nổi mụn mủ trắng li ti là bệnh gì?
Đây có thể là triệu chứng của viêm da. Bởi mụn mủ thường là do da bị nhiễm khuẩn, gây viêm và mưng mủ. Để biết là viêm da tiếp xúc hay viêm da dị ứng, tìm nguyên nhân gây viêm ngứa da là gì thì bạn cần đến bệnh viện để thăm khám và xét nghiệm.
8.3. Khi nào thì ngứa da cần đi bác sĩ?
- Ngứa da dữ dội và nghiêm trọng.
- Ngứa kéo dài mà bạn không biết nguyên nhân gây ngứa da là gì.
- Ngứa tái phát thường xuyên.
- Ngứa kèm theo các triệu chứng khác như đỏ, sưng, sốt, mưng mủ ở da, vàng da,....
9. Một số hình ảnh về bệnh ngứa da
Ngứa da do bọ chét đốt. (Ảnh: Internet)
Ngứa da do dị ứng. (Ảnh: Internet)
Trẻ em thường bị ngứa da do hăm tã, do sử dụng tã không phù hợp. (Ảnh: Internet)
Khô da là nguyên nhân phổ biến gây ngứa da. (Ảnh: Internet)
Ngứa da do xơ gan. (Ảnh: Internet)
Nguồn tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/311473.php#home_remedies