Biến nhà thành 'ký túc xá' cho trẻ nhỏ

13/10/2018 - 08:57
Cả làng nhỏ ven biển này đều biết đến cụ Hoà. Năm nay cụ 73 tuổi, đã tiễn cụ ông về trời được 4 năm, hai con gái trưởng thành đều lấy chồng, lập nghiệp xa quê. Cụ sống một mình trong mảnh đất gần 2000m2 và nhận trông các cháu học cấp 1 trở lên mà bố mẹ đi làm xa quê.
Thường thì nhà cụ có khoảng 6-7 cháu, có dịp gần Tết thì đông lên 12 cháu. Bà cháu ở với nhau trong căn nhà 4 gian to, có một loạt bàn học cơ động gắn lên tường, 4 tủ quần áo to. Buổi tối bà cháu bỏ đệm ra ngủ. Bữa cơm có gạo các bố mẹ gửi, bà cháu ăn trứng, ăn cá, ăn thịt, ăn rau tự cung tự cấp. Mùa nào cũng có hoa quả ăn kèm.
 
Cụ Hoà chia vườn ra làm nhiều góc khác nhau: Chỗ trồng cây lâu năm, chỗ trồng hoa, cây cảnh, chỗ thì cây ăn quả, chỗ trồng rau.... Nhiều nhất là vườn rau bám sát ven bờ ao 4 mùa xanh tốt vì được bón bằng phân chuồng và phân xanh cụ ủ từ rác. Chuồng lợn, chuồng gà được thiết kế nổi trên ao cá rất tiện vệ sinh sạch sẽ.
 
Mấy bà cháu mỗi ngày lại bán được vài mớ rau cho hàng xóm. 3-4 tháng lại có lợn, có gà bán đi lấy tiền chi tiêu. Bọn trẻ phân công nhau chăm vườn, chăn nuôi, thu hoạch, dọn dẹp, cơm nước dưới sự chỉ đạo của cụ Hoà. Hàng tuần, mấy bà cháu lại quạt chả, nướng cá ngoài vườn hệt như picnic. Đây cũng là dịp bà cháu chuyện trò, chia sẻ với nhau.
 
Cụ Hoà vui tính nhưng cũng nghiêm với bọn trẻ. Hằng ngày, bà yêu cầu các cháu phải dậy sớm, thu dọn chỗ ngủ và vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Rồi người nào đi tưới rau, đi cắt rau thì ra vườn theo bà. Người thì quét nhà, lau nhà. Người thì cho quần áo vào máy giặt. Người đặt cơm hoặc xôi chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Xong việc, bà cháu ngồi ăn sáng quây quần với nhau. Các cháu đi học thì bà đi bán rau rồi về nhà chăm vườn, chuẩn bị cơm trưa đón các cháu về nhà ăn.
 
Bà yêu cầu các cháu phải làm xong bài tập về nhà. Có hôm, bà thức đến 11h đêm để chờ cháu cuối cùng làm xong bài mới đi ngủ.
 
Bà cũng dặn dò các cháu phải yêu thương, giúp đỡ nhau. Phân công công việc để mọi người có trách nhiệm nhưng cả nhà phải luôn giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt mọi việc. Và cuối cùng, bà yêu cầu các cháu luôn ghi nhật ký về những điều tốt và những điều xấu mỗi ngày xảy đến với các cháu, nó đã tác động đến các cháu như thế nào và các cháu đã giải quyết ra sao.
 
Còn lại, các cháu cứ chủ động cuộc sống của mình, không làm phiền đến người khác và không đi đâu khi chưa thông báo với bà. Các cháu ở với bà, bố mẹ nào cũng yên tâm đi làm vì các con ý thức học hành, được dạy dỗ uốn nắn và mạnh khoẻ.
 
Ngày rằm, mùng một, cụ Hoà lại lên chùa. Cụ thích công việc quét dọn sân vườn, lau chùi các ban, tượng Phật, nấu cháo nấm, nấu vài món chay thắp hương và mời khách thập phương. Những tối đó, bà ngồi với trụ trì và các sư đếm tiền công đức, ghi sổ. Những công việc ấy không nhẹ nhàng với cụ già hơn 70 tuổi nhưng làm cụ vui vẻ, hoạt bát, được giao lưu tiếp xúc với nhiều người, nhất là xóm giềng.
 
Nhiều lúc thấy có người vừa khấn vừa khóc, cụ hỏi chuyện, lắng nghe và đưa ra lời khuyên khách quan, không chỉ làm họ trấn tĩnh mà còn có hướng giải quyết vấn đề tốt. Cụ Hoà quan niệm “Sống với nhau thì phải nhân hậu, độ lượng. Nhường nhịn không phải là nhu nhược. Nhường nhịn nhưng phải cương quyết”.
Ảnh minh họa

 

Một vài tháng, con gái, con rể đưa các cháu về chơi, có lần trùng dịp bố mẹ các cháu đi làm xa cũng về thì nhà cụ Hoà như có hội. Cụ quấy bánh đúc nóng, đúng mùa thì làm bánh khúc, bánh khoai, rồi nướng khoai, sắn, cả nhà quây quần đông đúc. Cụ bảo, đón con cháu thích nhất là làm món ngon cho chúng nó ăn, còn về với mẹ chẳng gì vui hơn là được rộn ràng với mẹ bên bữa cơm gia đình ấm áp.
 
Cách sống nhẹ nhõm, tình cảm, chân thành ấy của cụ Hoà đã làm cho không khí trong nhà cụ luôn vui vẻ, đầm ấm. Con cháu ruột cũng như con cháu nuôi đều trưởng thành, ngoan ngoãn, không bao giờ muốn làm điều gì xấu khiến cụ Hoà phiền lòng. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm