pnvnonline@phunuvietnam.vn
Biến rác thành tiền gây quỹ học bổng, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Hội viên phụ nữ xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, dùng làn đi chợ thay vì túi nilon
Theo chị Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, mô hình tiết kiệm từ rác thải nhựa được thực hiện bắt nguồn từ Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và phong trào chống rác thải nhựa. Theo đó, Hội đã thực hiện 2 mô hình mang lại hiệu quả cao, đó là "Tái sử dụng các loại rác vô cơ, biến rác thành tiền" và "Tiết kiệm từ rác thải, phế liệu xây dựng Quỹ học bổng 20/10".
Mô hình "Tái sử dụng các loại rác vô cơ, biến rác thành tiền" được triển khai từ năm 2018 thu hút 21 nghìn hội viên tham gia. Ở mô hình này, các cấp Hội trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động chị em thu gom các loại phế liệu, tự phân loại rác thải nhựa như chai nhựa, vỏ lon, sắt vụn… Mỗi hội viên hằng tháng đến kỳ sinh hoạt Hội sẽ mang theo để gom lại và bán lấy tiền. Số tiền này ngoài việc hỗ trợ cho các hoạt động thăm hỏi hội viên ốm đau, sinh hoạt Hội còn dành tiết kiệm để xây dựng nguồn vốn giúp phụ nữ khởi nghiệp. Đến nay, Hội đã trao 212 triệu đồng, hỗ trợ 22 hội viên khởi nghiệp.
Song song với đó, mô hình "Tiết kiệm từ rác thải, phế liệu xây dựng Quỹ học bổng 20/10" được triển khai từ năm 2017 thu hút trên 18 nghìn hội viên tham gia. Với mô hình này, các chị em tham gia tiết kiệm từ tiền bán rác thải vô cơ hoặc các sản phẩm tái chế từ rác thải như làm giỏ xách, bóng đèn ngủ, chậu trồng hoa, đồ cắm bút từ các sản phẩm nhựa tận dụng lại. Đồng thời, mỗi hội viên sẽ tiết kiệm ít nhất 2 nghìn đồng/năm để đóng góp vào Quỹ học bổng 20/10. Học bổng được trao vào dịp 20/10 hằng năm, xét ưu tiên cho các em có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi, đặc biệt ưu tiên trẻ em gái. Đến nay, Quỹ đã trao 765 suất học bổng. "Các mô hình này không chỉ giúp hội viên, phụ nữ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường mà còn giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là giúp con em của phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhận được học bổng đến trường", Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời chia sẻ.
Tiếp thêm động lực cho em đến trường
Để thực hiện tốt mô hình và vận động đông đảo hội viên tham gia, có những điển hình trong thực hiện phong trào như chị Trần Ngọc Lan, hội viên nòng cốt ấp Kinh Chùa, xã Trần Hợi. Khi thực hiện phong trào chống rác thải nhựa, bản thân chị Lan đã tham gia vận động hội viên thực hiện tốt "Tuyến đường không rác thải" chiều dài 2,5km có trên 72 hộ dân tham gia, hằng tuần ra quân quét dọn vệ sinh trên các tuyến đường. Chị đã vận động 100% gia đình hội viên phụ nữ xử lý và phân loại rác tại gia đình, phát động hội viên dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà, bảo vệ môi trường, thành lập 1 tổ phụ nữ thu gom, xử lý bọc nylon và rác thải nhựa đúng quy cách. Từ đó, tiết kiệm được trên 12 triệu đồng, giúp 2 hội viên có hoàn cảnh khó khăn mượn để buôn bán nhỏ. Hay chị Lê Thị Lụa, hội viên phụ nữ ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc. Chị đã cùng các chị em trong chi hội tái sử dụng đồ nhựa để tạo ra các sản phẩm như hoa nghệ thuật, ly ngũ sắc, các loại đèn trang trí, chậu trồng cây…
Quỹ học bổng tiết kiệm từ mô hình rác thải nhựa đã giúp được nhiều hội viên, con em hội viên khó khăn. Điển hình như em Nguyễn Thúy An (sinh năm 2007) ở khóm 3, thị trấn Trần Văn Thời. Em học lớp 8A trường THCS thị trấn Trần Văn Thời. Bố của em bị bệnh nặng, mất sức lao động, mẹ mắc bệnh tim, em thì bị chứng bệnh đao. Gia đình em thuộc hộ nghèo, không có đất sản xuất, cuộc sống dựa vào trợ cấp xã hội. Nhờ nguồn quỹ học bổng 20/10, Thúy An đã được hỗ trợ học từ lớp 6 đến lớp 8. Ngoài ra, Chi hội phụ nữ khóm và Hội LHPN thị trấn hằng năm còn giúp em tiền mua sách, mua xe đạp để đến trường.
Hay trường hợp em Đặng Trường Duy (sinh năm 2007) ở ấp 5, xã Khánh Bình Tây Bắc, đang học lớp 8C trường THCS Khánh Bình Tây Bắc. Bố mẹ em mất việc làm và từ Bình Dương trở về quê trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, thu nhập không ổn định khiến cuộc sống khó khăn. Tuy nhà nghèo nhưng Trường Duy vẫn phấn đấu học tốt. Vì thế, Quỹ đã hỗ trợ 1 suất học bổng trong đợt 20/10/2021, tiếp thêm động lực cho em tiếp tục đến trường.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết, hiện mô hình được triển khai tại 153 chi hội. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục duy trì các mô hình hiệu quả để nhân rộng trong huyện; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ không sử dụng bọc nylon, thay thế các loại túi dễ phân hủy hoặc sử dụng giỏ xách đi chợ khi mua sắm sản phẩm, hàng hóa.