Biểu tượng mẫu hệ trong huyền sử thời Hùng Vương

Sơn Hương
07/04/2025 - 06:00
Biểu tượng mẫu hệ trong huyền sử thời Hùng Vương

Chủ tế đọc bài văn tế tại Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ năm 2025 - Ảnh: Huy Lê

Giỗ Tổ không chỉ là một ngày lễ trọng, mà còn là sự trở về với những lớp trầm tích huyền thoại từ buổi đầu dựng nước. Trong các truyền thuyết Hùng Vương - vốn được xem là phần “huyền sử” gắn kết tâm hồn Việt - không chỉ có các vị vua, các nam thần mà còn hiện diện nhiều hình tượng phụ nữ khi là mẹ, là công chúa; khi là người dám yêu, dám sống; khi là người dạy con giữ nước.

Mẹ Âu Cơ - biểu tượng khởi nguyên của dân tộc

Nhắc đến thời Hùng Vương, không thể không nhắc đến Mẹ Âu Cơ - người mẹ sinh ra bọc trăm trứng, khởi nguồn cho trăm họ Việt Nam. Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ không chỉ là một huyền thoại sáng tạo về nguồn gốc dân tộc mà còn hiếm thấy trong văn hóa thế giới khi một dân tộc khẳng định mình là "con của mẹ" trước khi là "con của cha". Âu Cơ không phải là một nhân vật phụ. Bà là chủ thể của hành động sinh nở, nuôi dưỡng và chia con đi khai phá non sông. Bà không lùi về bóng hậu cung mà hiện diện trong tâm khảm người Việt là một người mẹ mẫu mực, vị tha và mang hồn cốt núi rừng.

Biểu tượng mẫu hệ trong huyền sử thời Hùng Vương- Ảnh 1.

Tế nữ dâng trà Tổ Mẫu Âu Cơ - Ảnh: Ngô Hùng

Trong hình tượng Âu Cơ, người ta thấy rõ bóng dáng của một nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, nơi người phụ nữ không chỉ sinh thành mà còn giữ đất, giữ giống, giữ văn hóa. Đó là hình tượng ẩn chứa tinh thần bình đẳng giới từ buổi đầu dựng nước.

Công chúa Tiên Dung - người phụ nữ dám yêu, dám sống

Nếu Mẹ Âu Cơ là biểu tượng khởi nguồn thì công chúa Tiên Dung lại là biểu tượng của sự tự do trong lựa chọn và khát vọng sống, được yêu đúng với trái tim mình. Truyền thuyết kể rằng, Tiên Dung - con gái vua Hùng thứ 18 - đã chủ động nên duyên với Chử Đồng Tử, một chàng trai nghèo ven sông, không có tài sản gì ngoài tấm lòng và nhân cách. Trong bối cảnh xã hội phong kiến sơ khai, hành động của Tiên Dung là một sự "phản kháng nhẹ nhàng" nhưng sâu sắc đối với định kiến đẳng cấp. Nàng không bị chi phối bởi quyền lực của triều đình hay ràng buộc gia tộc, mà đi theo tiếng gọi của trái tim - điều mà không nhiều nữ nhân thời cổ có thể làm.

Biểu tượng mẫu hệ trong huyền sử thời Hùng Vương- Ảnh 2.

Tranh minh họa Tiên Dung - Chử Đồng Tử

Hình tượng Tiên Dung vì thế vừa bay bổng vừa gần gũi như một lời cổ vũ cho quyền lựa chọn của người phụ nữ - quyền được yêu và được sống đúng với mình. Đây cũng là một trong những truyền thuyết hiếm hoi mà người phụ nữ không chỉ là đối tượng của tình yêu, mà là chủ thể kiến tạo hạnh phúc.

Bà Man Thiện - người mẹ của hai nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử

Truyền thuyết và lịch sử giao nhau ở nhân vật bà Man Thiện - mẹ của Hai Bà Trưng. Theo sử liệu và sự tích lưu truyền trong dân gian, bà thuộc dòng dõi vua Hùng. Trong câu chuyện khởi nghĩa Hai Bà Trưng, bà Man Thiện hiện lên như một người mẹ mẫu mực, vừa yêu thương, vừa kiên cường. Chính bà là người dạy con về lòng yêu nước, chí khí anh hùng, dũng cảm chống lại ách đô hộ phương Bắc.

Biểu tượng mẫu hệ trong huyền sử thời Hùng Vương- Ảnh 3.

Di tích Miếu Mèn, thuộc thôn Nam An, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ngoài tên gọi là Miếu Mèn (Miếu Mẹ), di tích còn được gọi theo tên nhân vật được thờ: Miếu Bà Man Thiện

Bà Man Thiện không ra trận nhưng lại là người gieo mầm tinh thần chiến đấu, là gốc sâu rễ bền cho cuộc phất cờ khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được lãnh đạo bởi phụ nữ. Trong vai trò người mẹ, bà đã thể hiện sức mạnh "nội lực" của phụ nữ Việt – không chỉ trong sinh thành, mà trong giáo dưỡng và truyền lửa. Hình ảnh bà Man Thiện cũng cho thấy một lát cắt độc đáo của dòng chảy văn hóa Việt: Vai trò của người mẹ không chỉ gắn với mái nhà mà còn với vận mệnh đất nước.

Những phụ nữ thầm lặng trong tín ngưỡng đất Tổ

Bên cạnh các nhân vật được nhắc tên trong truyền thuyết, vùng đất Tổ Phú Thọ còn có nhiều câu chuyện dân gian về các nữ thần, nữ tộc trưởng, những bà mẹ lập làng, giữ rừng, bảo vệ nguồn nước, đồng ruộng - từ thời chưa có bản đồ quốc gia. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương -được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - cũng gắn chặt với Đạo Mẫu, với các tín ngưỡng thờ Mẹ tại các làng xã Bắc Bộ.

Chính trong những nghi lễ linh thiêng ấy, hình ảnh người phụ nữ được tôn vinh như người gìn giữ linh hồn dân tộc. Dù không hiển hiện trên các bia đá lịch sử, họ vẫn sống trong tâm thức cộng đồng như những "người giữ hồn đất Tổ".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm