Bình đẳng giới là mục tiêu thanh niên Việt Nam sẵn sàng thực hiện

02/02/2018 - 23:03
Theo Khảo sát thanh niên về Mục tiêu phát triển bền vững lần đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam, những mục tiêu toàn cầu mà thanh niên Việt Nam sẵn sàng tham gia thực hiện nhất là chất lượng giáo dục; bình đẳng giới; xóa đói nghèo; hòa bình, công lý...
Cùng với 192 nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. Với 27,7% dân số trong độ tuổi từ 16 đến 30, thanh niên Việt Nam giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs.
caitlin-wiesen.jpg
Bà Caitlin Wiesen - Giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển LHQ (UNDP)


Tại Lễ Công bố Khảo sát thanh niên về SDGs, bà Caitlin Wiesen - Giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam cho biết UNDP cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) và Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững (CSDS) đã tiến hành khảo sát này để có thể hiểu rõ hơn mối quan tâm, nhận thức và nguyện vọng của thanh niên cũng như những mục tiêu được cho là quan trọng đối với tương lai của họ.

“Chúng tôi hy vọng rằng thông qua khảo sát này, nhận thức về SDGs của thanh niên sẽ cung cấp thông tin cần thiết cho những nỗ lực vì sự phát triển. Chúng ta coi thanh niên là lực lượng chủ chốt trong việc thực hiện các mục tiêu. Do đó, cần khuyến khích thanh niên là người đi tiên phong tạo ra sự thay đổi, chủ động thực hiện các mục tiêu và xây dựng tương lai họ mong muốn”, bà Wiesen nói.

thanh-nien-3.jpg
Thanh niên tình nguyện chăm sóc trẻ em ở các vùng quê nghèo


Hơn 7.000 thanh niên từ khắp 63 tỉnh thành trong cả nước đã tham gia khảo sát, với gần 75% là nữ và 65% sống ở khu vực đô thị. Điều đáng chú ý là gần 3/4 số người trả lời khảo sát nói rằng họ chưa hề nghe thấy mục tiêu phát triển bền vững trước đó.

Khi được hỏi về những mục tiêu mà bạn cảm thấy gần gũi nhất và sẵn sàng tham gia thực hiện nhất, 51% chọn giáo dục chất lượng (SDG4); 33,54% chọn sức khỏe và có cuộc sống tốt (SDG3); 31,85% chọn bình đẳng giới (SDG5); 25,76% chọn xóa nghèo (SDG1) ; 25,35% chọn không còn nạn đói (SDG2); 19,73 % chọn hòa bình, công lý và thể chế mạnh mẽ (SDG16).
 
Nhằm khuyến khích thanh niên tham gia thực hiện các mục tiêu MDGs, khảo sát khuyến nghị cần có các cơ chế phối hợp và hỗ trợ; cách tiếp cận nhạy cảm giới; chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và huy động người dân tham gia vào các hoạt động chung. 
thanh-nien-1.jpg
Nhiệt huyết của thanh niên Việt Nam


Theo ông Đào Đình Tấn - Chánh văn phòng, Văn phòng phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã đăng ký trình bày Báo cáo Rà soát Quốc gia tự nguyện tại Diễn đàn cấp cao về Phát triển bền vững vào tháng 7 năm 2018. Báo cáo này là một phần của các cơ chế theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, các quốc gia thành viên được khuyến khích tiến hành đánh giá và rà soát trong quá trình thực hiện ở cấp quốc gia và cấp địa phương.

“Các kết quả, phát hiện từ Khảo sát này sẽ là thông tin đầu vào hữu ích cho Báo cáo Rà soát Quốc gia tự nguyện mà Việt Nam sẽ trình bày tại Diễn đàn Chính trị cấp cao năm 2018,” ông Tấn cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm