pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bình đẳng giới: Yếu tố tạo ra sự thay đổi cho xã hội ở mọi thế hệ
Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Phụ nữ (QTPN) - ngày 8/3 hàng năm - là ngày kỷ niệm sự đóng góp quan trọng của phụ nữ cho sự phát triển của xã hội. Đó là ngày mà nhiều phụ nữ Việt Nam sẽ nhận được những bó hoa đẹp và những món quà nhỏ từ chồng, đồng nghiệp hoặc sẽ được nam giới trong gia đình làm giúp một vài việc nhà trong ngày này.
Tuy nhiên, ngày QTPN còn có ý nghĩa xa hơn thế. Ý nghĩa thực sự của ngày QTPN chính là ngày mà toàn thế giới cùng rà soát lại tiến trình chúng ta đã đạt được và những vấn đề còn tồn tại trong việc công nhận quyền của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG). Đó là ngày mà tất cả mọi người nên nhận ra sự cần thiết của việc có sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong việc ra quyết định tại mọi lĩnh vực của đời sống xã hội - trong gia đình, cộng đồng, kinh doanh, chính trị và trong xã hội nói chung- vì sự phát triển tích cực và bền vững.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres gần đây nhấn mạnh rằng, bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu. Ông nói: "Điểm cốt lõi là vấn đề quyền lực, khi mà mọi cấu trúc quyền lực đều do nam giới thống trị từ các nền kinh tế quốc gia, đến các hệ thống chính trị, trong doanh nghiệp và hơn thế nữa".
Ông kêu gọi tất cả chúng ta "hãy ngừng cố gắng việc thay đổi phụ nữ mà hãy bắt đầu thay đổi các hệ thống ngăn cản phụ nữ phát huy hết tiềm năng của họ". Ông đặc biệt chỉ ra một thực tế là "chế độ gia trưởng cũng có tác động đến nam giới và trẻ em trai, khiến họ mắc kẹt trong những định kiến giới cứng nhắc và một sự thay đổi mang tính hệ thống là cực kỳ cần thiết".
Để xã hội phát triển thịnh vượng, chúng ta cần sự tham gia của tất cả các giới ở mọi cấp độ và để điều đó xảy ra, tất cả các giới đều cần phải hiểu và gắn kết với nhau với sự công nhận và tôn trọng lẫn nhau.
Năm 2020 là năm bản lề để thúc đẩy BĐG. Thế giới đang kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (TB& CLHĐBK) - một trong những văn kiện toàn diện nhất về quyền của phụ nữ.
Tuy nhiên, việc tiến trình thực hiện TB&CLHĐBK vẫn còn chậm chạp ở rất nhiều lĩnh vực và thậm chí là thụt lùi ở một số nơi trên thế giới do những thách thức mang tính toàn cầu về việc xây dựng sự đồng thuận đa phương. Những nỗ lực để kết nối tất cả chúng ta lại với nhau, để hợp tác nhằm tạo dựng một thế giới công bằng không để ai bị bỏ lại phía sau, do đó cần phải được tăng cường.
Lấy cảm hứng từ chủ đề "Tôi là Thế hệ bình đẳng: Ghi nhận quyền của phụ nữ" của Ngày quốc tế Phụ nữ năm 2020 và chiến dịch toàn cầu Thế hệ Bình đẳng, nhiều người trên toàn thế giới với mọi giới tính, tuổi tác, dân tộc, tôn giáo và quốc gia sẽ cùng nhau hành động để tạo ra một thế giới bình đẳng giới.
Thế hệ Bình đẳng chính là việc thúc đẩy các hành động nhằm giải quyết các vấn đề của phụ nữ qua các thế hệ, từ những năm đầu cho đến những năm về sau, và ở đó phụ nữ và trẻ em gái được đặt ở vị trí trung tâm.
Trong bối cảnh này, chúng ta có thể tự hỏi: Phụ nữ Việt Nam đang ở đâu?
Tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ rõ rệt đã đạt được về quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ trong một số lĩnh vực, đáng chú ý nhất là quyền tiếp cận giáo dục, cải thiện sức khỏe bà mẹ, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động và tăng cường khung pháp lý và thể chế về BĐG.
Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự thụt lùi và tiến bộ rất chậm.
- Lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có nữ chủ tịch quốc hội nhưng vẫn có tới 72,7% đại biểu Quốc hội là nam giới và hiện nay không có nữ bộ trưởng nào.
- Vẫn tồn tại khoảng cách (13%) về tiền lương giữa nam giới và nữ giới, và lao động nữ chủ yếu vẫn làm các công việc được trả lương thấp trong khu vực phi chính thức nằm ngoài phạm vi của Bộ luật Lao động và không được tiếp cận với các dịch vụ bảo trợ xã hội.
- Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn chiếm tỷ lệ cao (58% phụ nữ từng kết hôn đã bị từng bị bạo lực trong đời); và vẫn tồn tại tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh (112 bé trai/100 bé gái).
- Tính trung bình, số lượng phụ nữ đảm nhận những công việc chăm sóc và việc nhà nhiều gấp ba lần so với nam giới đồng nghĩa với việc họ phải làm việc thêm ít nhất 2 giờ mỗi ngày.
Việt Nam đang đối mặt với những thử thách rất lớn nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể vượt qua những thử thách này! Chúng ta có thể cải thiện các điều kiện của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội của chúng ta.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021, Việt Nam có những cơ hội hợp tác quan trọng để thể hiện vai trò đi đầu của mình trong việc thúc đẩy BĐG trong khu vực và thế giới!
+ Chúng ta cần thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ tại các vị trí lãnh đạo tại khu vực công và kinh doanh.
+ Chúng ta cần các mô hình tài chính mới, quan hệ đối tác đa bên mới, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và được thực hiện với tinh thần khẩn trương và quyết liệt.
+ Chúng ta cần kết hợp giữa cải cách pháp lý, các chính sách mang tính đột phá của chính phủ, đồng thời phải đảm bảo rằng phụ nữ tiếp cận được các dịch vụ và nguồn lực cần thiết.
+ Chúng ta cần loại bỏ những định kiến, quan niệm phân biệt đối xử đã ăn sâu trong nền
văn hóa và xã hội, và chúng ta cần các sáng kiến và cam kết tài chính để làm được điều đó.
Thế hệ Bình đẳng đang kêu gọi các chính phủ, xã hội dân sự, khu vực tư nhân và Liên hợp quốc cùng chung tay thực hiện một sự thay đổi nhanh chóng và bền vững để đạt được bình đẳng giới. Chúng ta cần các cơ chế mới mạnh hơn tập trung vào hành động tập thể, với trách nhiệm cao, cùng hành đông vì kết quả mà chúng ta cùng muốn thấy!
Ngày 8 tháng 3 năm nay và tất cả các ngày khác, chúng tôi kêu gọi mọi người tham gia hành động và tự hào rằng: Tôi là thế hệ bình đẳng!