'Bình đẳng quyền – Bình đẳng đóng góp'

05/11/2019 - 15:54
"Bình đẳng quyền – Bình đẳng đóng góp" là chủ đề thảo luận bàn tròn do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 5/11/2019 để trao đổi về cơ hội cũng như rào cản, thách thức đối với phụ nữ trong công tác bình đẳng giới.
Thảo luận được tổ chức theo nguyên tắc mở với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế

 

Thảo luận bàn tròn "Bình đẳng quyền – Bình đẳng đóng góp" có sự tham gia của các đại biểu đến từ Tổ chức Phát triển Hà Lan, Bộ Ngoại giao Hà Lan, UN Woman, các chuyên gia bình đẳng giới và lãnh đạo các ban/đơn vị của TƯ Hội LHPN Việt Nam.  
 
Phat biểu tại buổi thảo luận, bà Trần Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chánh văn phòng TƯ Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ về tổng quan và kinh nghiệm thực hiện công tác bình đẳng giới tại Việt Nam, trong đó tập trung vào một số nội dung chính như: Khung pháp lý về bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ ở Việt Nam; Một số thành tựu và thách thức của Việt Nam nói chung và Hội LHPN Việt Nam nói riêng trong công tác tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng luật và chính sách về bình đẳng giới và giám sát việc thực thi chính sách; hỗ trợ hội phụ nữ phát triển kinh tế và xóa nghèo bền vững; lãnh đạo nữ/phụ nữ tham chính; hỗ trợ quyền và tiếng nói của phụ nữ yếu thế hơn.
Bà Trần Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chánh văn phòng Trung ương Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ tại buổi thảo luận

 

Cụ thể, theo báo cáo tại Diễn đàn kinh tế thế giới WEF (17/12/2018) Việt Nam xếp hạng 77/149 về bình đằng giới. Một số thành tựu Việt Nam đạt được bao gồm: Tỉ lệ học cao và gần như ngang nhau giữa trẻ trai và trẻ gái ở các cấp; tỉ lệ phụ nữ tham gia đại biểu quốc hội tăng theo từng nhiệm kỳ, tỉ lệ phụ nữ tham gia quản lý tăng dần ở từng cấp; phụ nữ tham gia lực lượng lao động đông đảo ở hầu hết mọi ngành nghề.
 
Song song đó, khung chính sách bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện hơn; các nguyên tắc về bình đẳng giới dần được đưa vào các văn bản Luật và dưới luật; nhận thức của lãnh đạo và cán bộ trong hệ thống nhà nước ngày càng rõ nét hơn.
 
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số thách thức như: Còn sự phân biệt đối xử trong một số luật: tuổi kết hôn, tuổi nghỉ hưu, hạn chế phụ nữ không làm một số công việc; chế tài trong các luật yếu; tồn tại nhiều bạo lực trên cơ sở giới như bạo lực gia đình, lựa chọn giới tính khi sinh, nạo phá thai, tảo hôn, buôn bán phụ nữ và trẻ em; phân biệt đối xử trong: việc nhà, lao động, việc làm do mang thai; tỉ lệ phụ nữ tham chính đang có nguy cơ giảm, chỉ số sức khỏe; định kiến dai dẳng đối với vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và xã hội.  
 
Với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, Hội LHPN Việt Nam đang thực hiện chức năng và nhiệm vụ đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ trong nhiều lĩnh vực như: Tác động chính sách, tăng quyền kinh tế cho phụ nữ, giáo dục đào tạo kỹ năng, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, thúc đẩy phụ nữ tham chính…
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm bao gồm rào cản và thách thức trong công tác bình đẳng giới
 
Cũng trong chương trình, các đại biểu đã cùng thảo luận, làm rõ hơn các vấn đề nổi cộm và mới phát sinh gần đây về vấn đề giới; phân tích sâu về những rào cản, thách thức trong công tác bình đẳng giới, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến vấn đề này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm